1

\

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình

Các giới chức Trung Quốc và Hoa Kỳ đã khai mạc các cuộc đàm phán ở Bắc Kinh, nơi chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố Washington và Bắc Kinh đang cố gắng tránh một cuộc đối đầu mà ông cho là sẽ đem lại “tai họa.”

Các cuộc đàm phán diễn ra trong bối cảnh căng thẳng tăng cao giữa Trung Quốc và các nước láng giềng ở Biển Ðông – nơi Việt Nam nói một chiếc tàu tuần duyên của họ bị lực lượng tuần duyên Trung Quốc đâm vào gần một giàn khoan dầu của Trung Quốc trong vùng biển có tranh chấp. Bắc Kinh đã cảnh báo chống lại mọi sự can thiệp từ bên ngoài vào khu vực, và Washington đã không đề ra một lập trường về các khẳng định chủ quyền đối nghịch nhau.

Ngoại trưởng John Kerry nói một vai trò tích cực hơn của Hoa Kỳ ở châu Á không nhằm mục đích kiềm chế Trung Quốc:

“Chúng tôi hoan nghênh sự trỗi dậy của một nước Trung Quốc hòa bình, ổn định và thịnh vượng, đóng góp vào sự ổn định và phát triển khu vực, và chủ trương đóng một vai trò có trách nhiệm trong các vấn đề thế giới.”

Vào lúc khai mạc cuộc Ðối thoại Kinh tế và Sách lược này, ông Kerry nói Washington và Bắc Kinh có khả năng tìm được quan điểm chung bất chấp mọi bất đồng hiện hữu.

“Ðó là nền tảng mà chúng ta cần phải xây dựng mấy thập niên thịnh vượng cho tương lai, và đồng thời cũng xây dựng các khả năng ổn định và hòa bình.”

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói đối đầu giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc không mang lại lợi ích cho ai cả.

“Ðối đầu giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, đối với hai quốc gia và đối với cả thế giới, sẽ dứt khoát là một thảm họa. Trong các tình huống này, chúng ta ở cả hai bên phải nhìn xa, củng cố và tiếp tục hợp tác, và tránh đối đầu.”

Trong mấy năm vừa qua, các cuộc đàm phán luân phiên này đã không đem lại nhiều thực chất. Nhưng chúng đã giúp xoa dịu sự thù nghịch mà cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Trung Quốc Stapleton Roy cho rằng sẽ chia rẽ khu vực.

Ông Roy nói: “Ðó không phải là hình thức thế giới mà chúng ta mong muốn. Và vì thế, điều hết sức quan trọng đối với chúng ta là phải có các cơ chế có tác dụng và tìm cách giải quyết các loại vấn đề nổi lên giữa hai nước như Hoa Kỳ và Trung Quốc. Và tôi cho rằng cuộc Ðối thoại Kinh tế và Sách lược này là một trong các cơ chế ấy.”

Chuyên gia phân tích của Viện Kinh doanh Mỹ, ông Michael Auslin nói các cuộc đàm phán gọi là S&ED này chẳng hoàn thành được điều gì.

“Bang giao giữa Bắc Kinh và Washington tệ hại hơn bao giờ hết. Tại sao chúng ta lại tiếp tục nuôi ảo tưởng là S&ED là quan trọng hay xây dựng?”

Ông Auslin nói Washington ngây ngô về tham vọng của Trung Quốc.

“Ðiều này không có nghĩa là chúng ta biến Trung Quốc thành kẻ thù số 1 của chúng ta. Nó không có nghĩa là chúng ta thành lập một NATO Á châu chống lại Trung Quốc. Tôi nghĩ nó có nghĩa là ta chỉ hành động một cách thực tiễn và hiểu rằng Bắc Kinh rất ít quan tâm đến việc tôn trọng bất cứ nguyên tắc nào mà chúng ta coi là quan trọng đối với chúng ta trong việc hợp tác một cách xây dựng với chúng ta hay các đồng minh của chúng ta.”

Các cuộc đàm phán ở Bắc Kinh tiếp tục vào ngày mai về vấn đề đầu tư song phương và định giá lại tiền tệ.

 

binhthanh

binhthanh

Posted by binhthanh

: