An ninh và tranh chấp chủ quyền lãnh thổ dự kiến sẽ chiếm vai trò trọng tâm trong nghị trình chuyến thăm châu Á của Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Tổng thống Obama trở lại châu Á với mục tiêu chứng minh cam kết của Mỹ tại khu vực – Ảnh: AFP

Hai năm rưỡi kể từ khi cam kết chuyển trọng tâm ngoại giao, kinh tế, quân sự về châu Á, Tổng thống Barack Obama quay lại khu vực với mục tiêu cố gắng thuyết phục đồng minh rằng Washington thực sự quyết tâm với chiến lược này. Ngày 22.4, Tổng thống Obama rời Washington lên đường đến Nhật, Hàn Quốc, Malaysia và Philippines. Các quốc gia này ít nhiều đều có các tranh chấp biển đảo với Trung Quốc tại các vùng biển châu Á. Do vậy, dù chỉ dừng chân tại 4 quốc gia trên, ảnh hưởng của chuyến thăm được dự đoán sẽ lan tỏa khắp khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Trong hơn một tuần, Tổng thống Mỹ phải hoàn tất một danh sách dài đầy nhiệm vụ: mở khóa vướng mắc trong đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) với Nhật, nỗ lực làm giảm căng thẳng giữa Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye, thúc đẩy quan hệ liên minh gần gũi hơn với Malaysia và tái khẳng định sự ủng hộ với Tổng thống Philippines Benigno Aquino III, theo The Washington Post. Các cố vấn Nhà Trắng khẳng định Mỹ vẫn cam kết thực hiện những kế hoạch tăng cường sự hiện diện quân sự trong khu vực, đẩy mạnh các mối quan hệ song phương và liên minh khu vực, cũng như hoàn tất những cuộc đàm phán TPP. Cố vấn An ninh quốc gia Susan Rice nhấn mạnh chuyến công du châu Á thứ 5 của ông Obama có vai trò then chốt đối với tương lai của Mỹ.

Theo tờ USA Today, Nhật đang kỳ vọng vào những kết quả đóng vai trò bước ngoặt trong quan hệ Tokyo – Washington trong chuyến thăm đầu tiên của Tổng thống Mỹ kể từ thời ông Bill Clinton. Tetsuo Kotani, chuyên gia an ninh biển thuộc Viện Các vấn đề quốc tế Nhật Bản, nhận xét rằng nếu mục tiêu của chuyến thăm 18 năm trước là xác định lại quan hệ đồng minh sau thời Chiến tranh lạnh, thì lần này là thời điểm để đánh giá lại đường hướng chiến lược của hai nước trong nửa đầu thế kỷ 21, trước “thách thức số một” đến từ sự trỗi dậy của Trung Quốc. Đến Hàn Quốc ngày 25.4, ông Obama sẽ có hành động cụ thể để xác nhận cam kết của Mỹ đối với việc bảo vệ an ninh cho Hàn Quốc, theo tờ Chosun Ilbo.

Còn ở Malaysia, chuyến thăm của ông Obama vào ngày 26.4 đóng vai trò biểu tượng quan trọng, đánh dấu chuyến thăm Kuala Lumpur đầu tiên của một Tổng thống Mỹ đương quyền kể từ thời Lyndon Johnson vào năm 1966, theo AFP. Cuối cùng, ông Obama sẽ kết thúc chuyến công du bằng chuyến thăm chính thức đầu tiên đến Philippines vào ngày 28.4, hứa hẹn cho sự ra đời một thỏa ước an ninh mới giữa Washington với Manila.

Với những nghị trình kể trên, chuyến công du của ông Obama thu hút nhiều sự chú ý của truyền thông Trung Quốc. TờNhân dân nhật báo hôm qua bày tỏ nghi ngờ rằng chuyến đi của ông Obama chỉ làm leo thang các vấn đề trong khu vực. “Không khó để thấy động cơ kín đáo trong chuyến thăm của ông Obama. Hầu hết các quốc gia ông ấy đến thăm đều vướng vào tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc. Liệu ngài Obama sẽ là lính cứu hỏa hay là người thổi bùng ngọn lửa?”, tờ báo viết.

Thụy Miên

khahan

Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng!

khahan

Posted by khahan

:

Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng!