Tổng thống Barack Obama nói ông sẽ không đàm phán ngân sách với phe Cộng hòa nếu đảng này không bỏ đe dọa đối với nền kinh tế Mỹ.

Phía Cộng hòa “không được bắt con tin chỉ để đổi lấy thực thi trách nhiệm của mình”, thí dụ đòi nhượng bộ về chính sách làm điều kiện tái mở cửa chính phủ, ông Obama nói.

Chính phủ Hoa Kỳ đã đóng cửa từ tuần trước, sau khi Hạ viện không đạt thỏa thuận về ngân sách.

Vào thứ Ba 8/10 lãnh đạo đảng Cộng hòa đã một lần nữa kêu gọi ông Obama đàm phán để chấm dứt thế bế tắc.

Chủ tịch Hạ viện John Boehner nói với các phóng viên rằng ông “thất vọng vì tổng thống đã bác bỏ đề nghị đàm phán”.

Ông nói việc tổng thống không thể tiếp tục từ chối đối thoại với phe Cộng hòa “cho đến khi [họ] chịu đầu hàng, và bất cứ cuộc đàm thoại nào về vấn đề trần nợ cũng phải bàn đến việc nước Mỹ đang “chi tiêu vượt khả năng”.

Từ Nhà Trắng, ông Obama cho biết ông đã nói chuyện với ông Boehner và “sẽ vui vẻ chấp nhận đối thoại với ông và những thành viên Cộng hòa khác về bất kỳ vấn đề gì”.

Tuy nhiên ông Obama nói bất kỳ sự đàm phán nào xung quanh vấn đề ngân sách và trần nợ cũng “không thể đi kèm với việc đổ đe dọa đóng cửa [chính phủ] và gây xáo trộn cho nền kinh tế lên đầu người dân Mỹ.”

“Chúng ta không thể để hành động tống tiền trở thành một phần trong nền dân chủ của chúng ta,” ông Obama nói.

“Dân chủ không hoạt động theo cách này. Điều này không chỉ áp dụng với tôi mà còn với tất cả những người sẽ kế nhiệm tôi, bất kể họ đến từ đảng nào.”

Suy thoái nghiêm trọng

Chúng ta không thể để hành động tống tiền trở thành một phần trong nền dân chủ của chúng ta.

Tổng thống Barack Obama

Ông cũng đưa ra cảnh báo về hậu quả trong trường hợp chính phủ vỡ nợ, nếu Quốc hội không chịu nâng trần nợ trước hạn cuối vào ngày 17/10.

Ông Obama nói việc vỡ nợ có thể làm hỗn loạn thị trường tài chính, làm giảm uy tín của nước Mỹ trước thế giới và tăng chi phí vay mượn của Hoa Kỳ về lâu dài, làm nặng gánh thâm hụt và gia tăng nợ, đồng thời là nguy cơ gây “suy thoái [kinh tế] nghiêm trọng”.

Chính phủ Hoa Kỳ đã phải đóng cửa một phần vào ngày 1/10 sau khi phe Cộng hòa tại Hạ viện không chấp nhận thông qua ngân sách mới vì Tổng thống Obama không chấp nhận hoãn hoặc ngừng cấp tài chính cho điều luật cải tổ y tế.

Ông Obama và đảng Dân chủ từ đó đến nay vẫn từ chối thỏa hiệp, dẫn lý do là dự luật này đã trở thành luật từ năm 2010, được Tòa án Tối cao Hoa Kỳ thông qua và đã là vấn đề tâm điểm trong cuộc tranh cử năm 2012 mà ông Obama đã giành chiến thắng.

Cùng lúc đó, đảng Cộng hòa đã từ chối nâng trần vay nợ trừ khi điều này đi kèm với cắt giảm chi tiêu và các nhượng bộ về chính sách khác.

Tổng thống Obama lặp lại rằng ông Boehner có thể chấm dứt việc đóng cửa chính phủ bằng cách cho phép Hạ viện bỏ phiếu để thông qua một dự luật ngân sách “sạch”, trong đó không kèm theo yêu cầu thay đổi luật y tế, với lý do một dự luật như vậy hoàn toàn có thể được thông qua bởi phe Dân chủ và các thành viên ôn hòa của Cộng hòa.

Tuy nhiên giới phân tích cho rằng điều này có thể gây ảnh hưởng cho uy tín của ông Boehner dưới con mắt của một số nhân vật bảo thủ trong đảng Cộng hòa.

Hàng trăm nghìn nhân viên liên bang đã phải nghỉ việc sau khi chính phủ đóng cửa một phần

Ảnh hưởng toàn cầu

Giới chức Hoa Kỳ cũng như nước ngoài và các kinh tế gia đã cảnh báo hậu quả nghiêm trọng đối với nền kinh tế nếu Hoa Kỳ bị vỡ nợ, vì điều này đồng nghĩa với việc chính phủ không thể tiếp tục mượn tiền để hoạt động.

“Thất bại trong việc nâng trần nợ sẽ là một sự kiện lớn. Nếu kéo dài … điều này sẽ làm chệch hướng phục hồi của kinh tế Mỹ,” kinh tế gia trưởng của Quỹ Tiền tệ quốc tế, ông Olivier Blanchard, nói hôm thứ Ba 8/10.

“Tuy nhiên việc vỡ nợ sẽ có tác động ngay lập tức … dẫn tới rối loạn thị trường tài chính ở cả Hoa Kỳ và nước ngoài.”

Tổng thống Philippines Benigno Aquino cảnh báo những gì đang diễn ra ở Hoa Kỳ sẽ “ảnh hưởng tới tất cả chúng ta”.

“Hoa Kỳ là nền kinh tế hàng đầu thế giới,” ông nói tại Diễn đàn Hợp tác kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (Apec) ở Bali.

“Nền kinh tế toàn cầu rõ ràng là không sẵn sàng chịu đựng quá nhiều cơn sốc vào thời điểm này.”

Từ Nhà Trắng, Tổng thống Obama nói Hoa Kỳ sẽ dần dần giải quyết bế tắc “một cách phù hợp”, và “người dân trên toàn cầu sẽ đổ lỗi điều này cho quy trình rắc rối thông thường của nền dân chủ Mỹ, nhưng nó sẽ không để lại những hậu quả lâu dài.”

Ông đã trấn an các chủ nợ của Hoa Kỳ rằng nước này vẫn có khả năng trả nợ, bất chấp việc chính phủ bị đóng cửa.

“Thông điệp của tôi đến toàn thế giới, đó là Hoa Kỳ luôn trả nợ đúng hẹn, và sẽ tiếp tục thực hiện điều đó,” ông Obama nói.

binhthanh

binhthanh

Posted by binhthanh

: