Tổng thống Barack Obama hủy hai chặng dừng trong chuyến công du châu Á vì chính phủ đóng cửa tại Mỹ.
Nhà Trắng nói sẽ “không khả thi” khi tiếp tục thăm Malaysia và Philippines vào cuối chuyến công du.
Nhưng ông Obama vẫn sẽ dự hội nghị ở Indonesia và Brunei.
Tổng thống Hoa Kỳ có kế hoạch thăm bốn quốc gia Đông Nam Á gồm Indonesia, Brunei, Malaysia và Philippines để bàn về hai chủ đề trọng tâm là đề kinh tế và an ninh trong thời gian từ 6/10-12/10.
Ông Obama không đến Việt Nam trong chuyến đi này.
Mỹ đã đóng cửa một phần các cơ quan nhà nước sau khi lưỡng viện Quốc hội không thể nhất trí về ngân sách do phe Cộng hòa nhất quyết đòi phải rút hoặc hoãn lại đạo luật y tế được gọi là Obamacare.
‘Cuộc chiến ý thức hệ’
“Họ muốn tống tiền,” Obama nói.
Hơn 700.000 nhân viên liên bang phải nghỉ phép không hưởng lương trong khi các viện bảo tàng, công viên quốc gia và nhiều trụ sở chính quyền đóng cửa.
Hôm thứ Ba ngày 1/10, Tổng thống Obama quy trách nhiệm cho những dân biểu Cộng hòa cứng rắn trong Hạ viện về việc chính quyền Mỹ bị đóng cửa. Ông nói rằng ‘một bộ phận của đảng này’ là nguyên nhân bởi vì ‘họ không thích một đạo luật’.
“Họ làm cho chính phủ phải dừng hoạt động trong một cuộc chiến ý thức hệ để tước bỏ bảo hiểm y tế trong tầm tay đối với hàng triệu người dân Mỹ,” Obama phát biểu từ Nhà Trắng.
Ông yêu cầu Quốc hội ‘thông qua ngân sách, đưa chính quyền hoạt động trở lại, chi tiền và tránh làm cho nền kinh tế tê liệt’.
“Họ (Đảng Cộng hòa) làm cho chính phủ phải dừng hoạt động trong một cuộc chiến ý thức hệ để tước bỏ bảo hiểm y tế trong tầm tay đối với hàng triệu người dân Mỹ.“
Tổng thồ́ng Barack Obama
Trong lúc này, phe Cộng hòa đã kêu gọi đối thoại với phe Dân chủ.
“Có lẽ nếu Tổng thống Obama dành ít thời giờ hơn để đọc những bài diễn văn đầy tính đảng phái và bỏ nhiều thời gian hơn làm việc với Quốc hội để tìm cách giải quyết vấn đề thì chúng tôi đâu phải ở trong tình cảnh mà nhẽ ra có thể tránh được như thế này,” phát ngôn nhân của dân biểu Eric Cantor, lãnh đạo phe Cộng hòa tại Hạ viện, nói với BBC.
Nhà Trắng đã bác kế hoạch do phe Cộng hòa đưa ra là chỉ chi tiền cho một số cơ quan chính phủ như công viên quốc gia, trợ cấp cho cựu chiến binh và ngân sách hoạt động cho DC.
Chính quyền Obama đã nói họ sẽ phủ quyết bất cứ dự luật nào chỉ thông qua ngân sách hoạt động một phần.
“Những việc làm nhỏ nhặt này không thật sự nghiêm túc, không cách nào điều hành chính phủ được,” nữ phát ngôn nhân Nhà Trắng Amy Brundage phát biểu trong một thông cáo.
Tuy nhiên, Tổng thống Obama đã ký thông qua một dự luật tối hôm 30/9 để đảm bảo rằng quân đội vẫn nhận được lương trong giai đoạn này.
‘Đạo đức giả’
Phát ngôn nhân của Chủ tịch Hạ viện John Boehner, một thành viên Đảng Cộng hòa, mô tả lập trường của Nhà Trắng là ‘đạo đức giả một cách không lâu bền’.
Trong khi phía Dân chủ cho thấy họ đoàn kết trong lập trường chống đối đàm phán để sửa đổi đạo luật Obamacare thì trong lòng Đảng Cộng hòa đã có những dấu hiệu chia rẽ.
Hạ nghị sỹ Scott Rigell đã rời bỏ hàng ngũ Đảng Cộng hòa và ủng hộ một dự luật ngân sách mà trong đó không động gì đến các cải cách y tê của Tổng thống Obama.
Hạ nghị sỹ Peter King nói với tờ Washington Post ông là ‘người duy nhất mạnh mẽ lên tiếng phản đối’ việc đóng cửa chính phủ.
Vị dân biểu này mô tả những đồng nghiệp Cộng hòa của ông là ‘thu mình trong thế giới riêng, chỉ lắng nghe nhau và nói chuyện với nhau mà thôi’.
Trong khi hai Đảng Cộng hòa và Dân chủ đổ lỗi cho nhau, một cuộc thăm dò ý kiến hôm thứ Ba ngày 1/10 cho thấy người dân Mỹ có xu hướng chỉ trích chiến lược của Đảng Cộng hòa.
“Có lẽ nếu Tổng thống Obama dành ít thời giờ hơn để đọc những bài diễn văn đầy tính đảng phái và bỏ nhiều thời gian hơn làm việc với Quốc hội để tìm cách giải quyết vấn đề thì chúng tôi đâu phải ở trong tình cảnh mà nhẽ ra có thể tránh được như thế này.“
Phát ngôn nhân của dân biểu Eric Cantor, lãnh đạo phe Cộng hòa tại Hạ viện
Khoảng 72% người được hỏi cho biết họ phản đối Quốc hội đóng cửa chính phủ liên bang để phong tỏa đạo luật về y tế, theo cuộc thăm dò dư luận do Đại học Quinnipiac tiến hành.
Đạo luật về cải cách y tế được thông qua hồi năm 2010 và sau đó được Tòa án Tối cao chuẩn y và là một chủ đề chính trong cuộc bầu cử tổng thống hồi năm ngoái mà khi đó Barack Obama đã chiến thắng.
Một trong những điều khoản chính của đạo luật – thị trường mới trên mạng cho người dân mua bảo hiểm y tế được trợ cấp – bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/10.
Trong lúc này, thời hạn chót về việc nới trần vay nợ của Chính phủ Mỹ vào ngày 17/10 đang đến gần.
Vào ngày này, Chính phủ Mỹ sẽ đến giới hạn mà họ có thể mượn tiền để thanh toán các chi phí vốn được gọi là trần nợ.
Phe Cộng hòa ở Hạ viện cũng đã yêu cầu Chính phủ phải nhượng bộ về chính sách, trong đó có đạo luật y tế cũng như các quy định tài chính và môi trường, thì họ mới nới trần vay mượn.
BBC