1. Hôi của bất chấp người gặp nạn van xin
“Cái gì rơi ra thì coi như đã mất”, câu kết trong bản tin của đài truyền hình Nga về sự việc hôi bia ở Đồng Nai khiến nhiều người Việt phải suy nghĩ. Trưa 4/12 trên vòng xoay Tam Hiệp, thành phố Biên Hòa (Đồng Nai), tài xế Hồ Kim Hậu lái xe qua thì đột nhiên có một chiếc xe du lịch cắt ngang khiến anh bị lạc tay lái. Hơn 1.000 két bia trên xe văng xuống đường. Hàng trăm người dân lao ra nhặt mang về nhà trong tiếng van xin bất lực của tài xế.
Trước đó, đã có nhiều vụ hôi tiền rơi, hôi xăng dầu khi lái xe gặp tai nạn. Vào tháng 10, một người đàn ông bị móc túi khiến hàng chục triệu đồng rơi xuống đường. Nhiều người đã lao ra nhặt tiền bỏ túi của mình.
Vụ hôi bia ở Đồng Nai. Ảnh: Facebook.
2. Tranh giành ăn sushi
Cuối tháng 10, hàng nghìn người chen lấn xô đẩy để thưởng thức sushi miễn phí tại một cửa hàng khai trương trên phố Đoàn Trần Nghiệp (Hà Nội). Nhiều người còn kéo cả gia đình, người yêu đi cùng khiến cả đoạn đường tắc nghẽn. Không dự tính trước lượng khách quá lớn, nhà hàng chỉ chuẩn bị khoảng 300-400 suất.
Sự việc được bàn luận trên nhiều diễn đàn. Nhiều người cho rằng, hầu hết bạn trẻ chỉ muốn tham gia hoạt động này cho vui nhưng đã tạo nên hình ảnh xấu khi không biết cách xếp hàng, nhường nhịn. Độc giả nhân dịp này cũng nhắc nhở nhau thói quen “tham ăn tục uống” của một bộ phận người Việt đã gây ấn tượng xấu với người nước ngoài. Một số nhà hàng ở Thái Lan, Singapore in cả chữ tiếng Việt bên cạnh tiếng bản địa lời khuyến nghị: “Ăn bao nhiêu lấy bấy nhiêu. Nếu ăn không hết sẽ phạt từ 200 baht đến 500 baht. Xin cảm ơn!”.
Cả nghìn người chen lấn để ăn sushi miễn phí. Ảnh: Jenny. |
3. Bình luận khiếm nhã trên Facebook
Không ít người lợi dụng mạng xã hội để viết những lời thiếu văn hóa, đặc biệt là khi nhận xét về các nghệ sĩ. Vào tháng 6, hot girl Thái Lan Peaw Sumaporn Wandee không chịu nổi trước những bình luận thô tục của fan Việt trên Facebook của mình, đã viết status phản đối: “Gửi các bạn Việt Nam. Tôi rất không ưa khi các bạn lấy hình chụp của tôi đăng tải lên những trang web không phù hợp và có những lời lẽ bình luận thô tục…”.
Sức nóng từ bộ phim thần tượng học đường Người thừa kế làm nhiều người tìm kiếm Fanpage của diễn viên Lee Min Ho trong phim để bày tỏ sự hâm mộ. Tuy nhiên, một bộ phận khác lại văng tục, kể cả đăng quảng cáo trên trang Lee Min Ho khiến nhiều fan của diễn viên này ở các nước bất bình.
Lời khiếm nhã, quảng cáo trên trang fanpage của diễn viên Lee Min Ho. Ảnh: Facebook. |
Một bộ phận người Việt cũng để tiếng xấu trong mắt bạn bè quốc tế như bình luận khiếm nhã trên trang của Bill Gates, xúc phạm trọng tài Cuneyt Cakir (Thổ Nhĩ Kỳ) – người bắt trận đấu giữa MU với Real Madrid, hay chửi tục trên trang của CLB Consadole Sapporo (Nhật), nơi cầu thủ Công Vinh thi đấu…
4. Tình yêu vật chất
Vào tháng 11, một cô gái đăng video bị bạn trai cũ đòi quà như siết nợ lên mạng. Cô gái phải trả hoa tai, nhẫn, điện thoại… cho người yêu cũ, bố của cô còn đền bù 2 triệu đồng tiền hoa quả… Cộng đồng tỏ ra cảm thông với cô gái bị đòi quà, còn anh chàng kia bị chê nhỏ mọn, tính toán, không đáng mặt nam nhi. Tuy nhiên, cũng có nhiều người chỉ trích cô gái không yêu nhưng vẫn nhận quà tặng, xem đây như bài học cảnh báo yêu đương không nên nhận quà có giá trị.
Ngay sau clip này lại là một status gây sốc của một cô gái khác: “Thời buổi này vẫn có anh đi gặp gái với 100k” (một trăm nghìn đồng), gây nhiều tranh luận trái chiều.
5. Chuyện phân biệt vùng miền
Những lùm xùm quanh việc phân biệt vùng miền năm 2012 vẫn dai dẳng kéo sang năm 2013. Người lao động ở Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh trở nên khó kiếm sống hơn khi các doanh nghiệp trong Nam không thuê người xuất thân từ các tỉnh này. Tại những thành phố lớn, nhiều sinh viên miền Trung phản ánh việc bị bạn bè kỳ thị. Trên các diễn đàn có nhiều bài viết về việc ngăn cấm nhân duyên con cái vì xuất thân miền Trung, phân biệt Bắc – Nam, chê người miền Tây Nam Bộ. Các bà mẹ chồng trong Nam vẫn ái ngại khi có con dâu xứ Bắc.
Nam sinh lập “Hội ghét dân Thanh Hóa” phải xin lỗi. Ảnh: Facebook. |