Washington (Reuters) – Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ bắt đầu từ ngày 13 tháng 9 ngưng cấp một số loại chiếu kháng nhập cảnh đối với công dân từ Cambodia, Eritrea, Guinea và Sierra Leone vì những quốc gia này không nhận lại công dân bị Hoa Kỳ  trục xuất.

Bộ Ngoại Giao vào hôm qua gởi ra điện thư ghi rõ những chính sách mới. Đây là thí dụ mới nhất cho thấy nỗ lực truy quét người nhập cư bất hợp pháp của chính phủ Mỹ.

Theo điện thư được Ngoại trưởng Rex Tillerson gởi đến các viên chức lãnh sự Mỹ trên khắp thế giới, bốn quốc gia trên đã “từ chối hoặc trì hoãn vô lý” việc tiếp nhận những công dân của mình bị Mỹ trục xuất. Điện thư cũng cho biết, hạn chế chiếu kháng sẽ được nhấc bỏ nếu các quốc gia trên cải thiện, hợp tác trong vấn đề này.

Bộ Ngoại giao từ chối đưa ra bình luận về điện thư với lý do không bàn chuyện trao đổi thông tin nội bộ.

Photo Credit: AP

Các biện pháp chế tài chiếu kháng có mức  độ khác nhau đối với mỗi nước, trong đó Eritrea bị trừng phạt nghiêm ngặt nhất. Bất cứ công dân Eritreans nào nộp đơn xin chiếu kháng kinh doanh (B1) hoặc du lịch (B2) vào Mỹ tại nước sở tại đều sẽ bị từ chối. Chính sách này không áp dụng đối với công dân Eritreans nộp đơn ở nước khác.

Đối với Guinea, Hoa Kỳ sẽ không cấp chiếu kháng du lịch (B2), kinh doanh (B1) và chiếu kháng du học (F1, F2, J1, J2, M1, và M2 ) cho các viên chức chính phủ và thân nhân trong gia đình nộp đơn xin tại nước sở tại.

Biện pháp chế tài Cambodia tương đối khác. Chỉ có nhân viên Bộ Ngoại giao từ chức Tổng Giám đốc trở lên và thân nhân của họ nộp đơn xin chiếu kháng du lịch tại nước sở tại mới bị từ chối.

Theo điện thư thứ tư, đơn xin chiếu kháng du lịch (B2) và kinh doanh (B1) vào Mỹ của các viên chức bộ Ngoại giao và Di trú của Sierra Leone nộp tại Đại sứ Mỹ ở Freetown sẽ bị từ chối.

Chính sách mới không ảnh hưởng đến các chiếu kháng đã được cấp, và không áp dụng đối với công dân 4 quốc gia trên nộp đơn xin chiếu kháng bên ngoài nước sở tại, cũng như những trường hợp ngoại lệ về nhân đạo hoặc hoặc du lịch “vì lợi ích của Mỹ.”

Mỹ hiếm khi dùng biện pháp này nhằm trừng phạt các quốc gia từ chối nhận công dân bị Hoa Kỳ trả lại, trên thực tế chỉ diễn ra hai lần trong một thập niên rưỡi qua. Gần đây nhất là vào tháng 10 năm 2016, chính phủ Obama ngưng cấp chiếu kháng cho các viên chức chính phủ Gambia và thân nhân của họ vì lý do tương tự.

Ba trong bốn quốc gia trên, Cambodia, Guinea, và Eritrea, vào tháng 7 bị các viên chức di trú Hoa Kỳ đưa vào danh sách các nước “ngoan cố.” Hiện chưa rõ lý do Sierra Leone bị chế tài lần này mặc dù không có tên trong danh sách tháng 7.

Quyền Bộ trưởng Nội An Elaine Duke vào tháng 8 gởi thư cho Bộ Ngoại Giao xác định 4 quốc gia trên buộc phải đối diện với các hình phạt.

Chính phủ ông Donald Trump đặt ưu tiên trong việc gây áp lực đối với những nước không chịu nhận lại công dân của mình. Trong tháng 7, chính phủ Mỹ đưa 12 quốc gia vào danh sách “cứng đầu” gồm Trung Quốc, Cuba, Việt Nam, Lào, Cambodia, Burma, Morocco, Hongkong, Nam Sudan, Guinea và Eritrea.

Tại phiên điều trần trước Quốc hội vào năm 2016, bà Michele Bond – Cựu Phụ tá Ngoại trưởng về lãnh sự – cho hay, trong số 12 quốc gia, Cuba được xem là nước cứng đầu nhất, còn Trung Quốc, Somalia và Ấn Độ dẫn đầu danh sách “quốc gia ngoan cố” của Cơ quan Thực thi Di trú và Quan thuế (ICE).

Theo Bộ Nội An, có một số trường hợp, cơ quan buộc phải thả tội phạm đã thụ án xong vì họ không thể trao trả về nước.

Theo Reuters

binhthanh

binhthanh

Posted by binhthanh

: