TTO – Nghị quyết đầu tiên về Syria đã được Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc nhất trí thông qua hôm 27-9 (giờ Mỹ) trong khi một hội nghị hòa bình đang được lên kế hoạch vào tháng 11 tới.

Đại sứ Syria tại Liên Hiệp Quốc Bashar Ja’afari nói chuyện với đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc Vitaly Churkin trước khi diễn ra phiên bỏ phiếu về nghị quyết Syria – Ảnh: Reuters

Nghị quyết 2118 về việc tiêu hủy vũ khí hóa học ở Syria đã được Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon đánh giá là “tin tức đầy hi vọng đầu tiên” cho cuộc xung đột kéo dài 30 tháng qua ở nước này khiến hơn 100.000 người thiệt mạng. Ông Ban cũng bày tỏ hi vọng về một hội nghị hòa bình cho Syria sẽ diễn ra trong tháng 11 tới đây.

Ông Ban nói nghị quyết “sẽ bảo đảm việc tiêu hủy vũ khí hóa học của Syria diễn ra trong thời gian sớm nhất với sự minh bạch và trách nhiệm cao nhất”. “Chúng tôi nhắm đến một hội nghị hòa bình vào giữa tháng 11” – ông Ban nói. Hội nghị hòa bình đầu tiên cho Syria được tổ chức hồi tháng 6 năm ngoái nhưng bị đình trệ do bất đồng trong nội bộ phe đối lập Syria và trong cộng đồng quốc tế.

Công bằng với các bên

AFP cho biết Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cảnh báo chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad sẽ lãnh hậu quả nếu không chấp hành nghị quyết. Mặc dù vậy, ông Kerry cũng ca ngợi nghị quyết mới vừa được thông qua.

Ông nói: “Hội đồng Bảo an đã cho thấy rằng khi chúng ta gạt chính trị sang một bên vì các lợi ích chung, chúng ta vẫn có thể làm được những điều lớn lao”.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nhấn mạnh không có các biện pháp trừng phạt tức thời nào và nghị quyết cũng áp dụng công bằng với cả phe nổi dậy ở Syria. Ông nói hội đồng sẽ có hành động tương xứng với các sự vi phạm, điều này phải được chứng minh chắc chắn 100%.

Nghị quyết cũng “lên án với những lời lẽ mạnh mẽ nhất về bất cứ hành động sử dụng vũ khí hóa học nào ở Cộng hòa Hồi giáo Syria, đặc biệt là vụ tấn công hôm 21-8, là sự vi phạm luật pháp quốc tế”.

Trong trường hợp Syria không tuân thủ nghị quyết, các thành viên hội đồng nhất trí “sẽ áp dụng các biện pháp theo chương VII của Hiến chương Liên Hiệp Quốc”. Chương này cho phép sử dụng cấm vận hoặc vũ lực quân sự.

Syria thì nói các nước như Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia, Pháp, Qatar, Mỹ cũng phải chấp hành nghị quyết và phải chịu trách nhiệm nếu họ tiếp tục hỗ trợ quân nổi dậy, lực lượng mà Damascus cáo buộc là gây ra vụ tấn công bằng vũ khí hóa học.

Reuters dẫn lời đại sứ Syria tại Liên Hiệp Quốc Bashar Ja’afari tuyên bố: “Các ông không thể đem khủng bố từ các nơi trên thế giới đưa vào Syria dưới danh nghĩa thánh chiến rồi giả vờ như đang hành động vì hòa bình”. Ông Ja’afari cũng nói Chính phủ Syria đã “cam kết sẽ đến Geneva” để dự hội nghị hòa bình. Phe nổi dậy cũng tỏ ý sẽ tham gia.

Cây gậy, củ cà rốt hay một cách khác?

Trong khi đó, Reuters dẫn lời một nhà ngoại giao phương Tây giấu tên nói nghị quyết 2118 đã đánh lạc hướng sự chú ý đối với sự lưỡng lự về cuộc xung đột ở Syria của chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama. “Đối với nước Mỹ, nghị quyết này chuyển hướng chú ý khỏi sự bất lực của họ”.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov thì coi nghị quyết là một thắng lợi và nói Matxcơva đã giữ vững quan điểm phản đối bất cứ sự đe dọa dùng vũ lực nào đối với Syria. “Không có một sự nhượng bộ nào – ông Ryabkov nói trên Đài Tiếng nói nước Nga – Điều mấu chốt là việc áp dụng tự động chương 7 trong Hiến chương Liên Hiệp Quốc đã được đưa ra”.

Chuyên gia Dominique Moisi thuộc Viện Quan hệ quốc tế Pháp nhận định rằng để nói “chúng tôi đã cho họ thấy chúng tôi là mạnh nhất và họ phải cúi đầu trước ý muốn của chúng tôi” là không phù hợp với thực tế.

“Trên thực tế, người Syria, cũng như người Iran hay người Nga, nhận ra rằng phương Tây không thể thực sự tấn công. Nếu cây gậy của anh yếu thì củ cà rốt của họ sẽ đi xa hơn”.

Còn tại The Hague, ngay trước khi nghị quyết về Syria được thông qua tại Liên Hiệp Quốc, kế hoạch giải trừ vũ khí hóa học của Nga – Mỹ cũng được Tổ chức cấm vũ khí hóa học (OPCW) chuẩn thuận. Kế hoạch này kêu gọi Syria đưa khoảng 1.000 tấn vũ khí hóa học đặt dưới sự kiểm soát của cộng đồng quốc tế vào giữa năm 2014.

Các chuyên gia nói lịch trình này là khá gấp rút. Theo Reuters, các chuyên gia quốc tế nói sẽ bắt đầu công việc của mình vào ngày 1-10 tới ở Syria. Anh và Trung Quốc cũng cho biết sẽ hỗ trợ tài chính cho hoạt động giải trừ.

Việt Phương

khahan

Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng!

khahan

Posted by khahan

:

Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng!