Đại sứ Nga ở UN, ông Vitaly Churkin biểu quyết chống lại bản dự thảo

Nga đã dùng quyền phủ quyết đối với bản dự thảo của Liên Hiệp Quốc (UN) chỉ trích cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea vào Chủ Nhật 16/03 – đây là quốc gia duy nhất của Hội đồng Bảo an bỏ phiếu chống.

Trung Quốc, được coi là đồng minh của Nga trong vụ việc, bỏ phiếu trắng.

Các quốc gia đứng đầu phương Tây chỉ trích việc Nga phủ quyết dự thảo về cuộc trưng cầu dân ý nhằm hỏi người dân Crimea về việc sát nhập trở lại Nga.

Trong khi đó, Kiev cáo buộc lực lượng của Nga đóng chiếm một ngôi làng ở phía Bắc Crimea và yêu cầu rút quân.

Ngoại trưởng Ukraine nói 80 quân lính với sự hỗ trợ của bốn trực thăng mang súng máy và ba xe bọc thép đã xâm chiếm làng Strilkove.

Một quan chức giấu tên người Nga được hãng tin Pravda-Ukraine dẫn lời rằng họ phải hành động để bảo vệ một trạm cung cấp khí đốt khỏi “tấn công khủng bố”.

Nga can thiệp vào bán đảo Crimea sau khi Tổng thống thân Moscow Viktor Yanukovych bị lật đổ hôm 22/02.

Quyết định của ông Yanukovych châm ngòi cho cuộc khủng hoảng Ukraine do lựa chọn gói hỗ trợ của Nga thay vì một thỏa thuận với Liên minh châu Âu (EU).

Toàn vẹn lãnh thổ

Biểu tình ở Moscow hôm 15/03 phản đối can thiệp của Nga ở Ukraine

Vùng Crimea trước năm 1954 vốn thuộc Nga, và phần lớn người dân ở đây có gốc Nga. Căn cứ hạm đội Biển Đen của Nga vẫn đặt ở Crimea.

Nhưng Nga đã ký một thỏa thuận cam kết sẽ tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.

Quốc hội của vùng tự trị Crimea đề ra cuộc trưng cầu dân ý sau khi kết quả bỏ phiếu của các dân biểu đa số ủng hộ Nga.

Nhưng quốc hội ở Kiev phán quyết rằng trưng cầu dân ý Crimea là vi hiến, và hôm thứ Bảy 15/03 đã bỏ phiếu để giải tán quốc hội địa phương.

Ở UN, 13 thành viên của Hội đồng Bảo an thông qua giải pháp kêu gọi tất cả các quốc gia tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine và lên án cuộc bỏ phiếu là bất hợp pháp.

Các nhà ngoại giao phương Tây đã đoán trước Nga sẽ dùng quyền phủ quyết đối với bản dự thảo và đạt được điều họ mong muốn khi Trung Quốc không biểu quyết.

Bắc Kinh coi vấn đề toàn vẹn lãnh thổ là rất nhạy cảm do lo sợ điều này có thể có ảnh hưởng tới hai vùng tự trị của chính nước này là Tây Tạng và Tân Cương.

Đại sứ Hoa Kỳ ở UN gọi quyết định của Nga là ‘thời khắc buồn và đáng nhớ’

Đại sứ Hoa Kỳ ở UN, Samantha Power nói “đó là thời khắc buồn và đáng nhớ” và gọi Nga là quốc gia “cô lập, cô đơn và sai trái”.

Bà nói cuộc bỏ phiếu vào Chủ nhật là “bất hợp pháp, vô lý và chia rẽ” và sẽ không có hiệu lực gì lên trạng thái pháp lý của Crimea.

Người tương nhiệm của Nga, ông Churkin thì cho rằng cuộc bỏ phiếu là cần thiết để bù vào “lỗ hổng pháp lý” kể từ khi “đảo chính” diễn ra ở Ukraine.

Trong khi đó ở Moscow, hàng chục ngàn người đổ xuống đường phản đối hành động của Nga ở Ukraine, là cuộc biểu tình lớn nhất trong hai năm qua.

Khoảng 50.000 người tham gia biểu tình, hô khẩu hiệu “tránh ra khỏi Ukraine”.

Một người đàn ông nói với BBC rằng ông cảm thấy Nga đang quay lại thời độc tài Xô Viết Joseph Stalin.

Cách đó không xa, ước tính 15.000 người ủng hộ Tổng thống Putin cũng đổ ra đường để bày tỏ đồng tình với cuộc trưng cầu dân ý Crimea.

Rất nhiều người trong số họ mặc quần áo đỏ giống nhau và mang cờ Nga cũng như cờ Xô Viết.

“Chúng tôi ủng hộ tình hữu nghị giữa người Nga và người Ukraine. Chúng tôi muốn khẳng định ‘không’ với những tên phát xít đang điều khiển Ukraine,” một người trong số họ nói.

binhthanh

binhthanh

Posted by binhthanh

: