TT – Cuộc truy đuổi Edward Snowden, cựu nhân viên của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA), mở ra bước ngoặt mới khi Hong Kong đột ngột để Snowden tự do rời lãnh thổ của mình.
Edward Snowden trở thành tâm điểm thời sự ở Hong Kong mấy ngày qua (ảnh chụp tại một khu thương mại ngày 23-6) – Ảnh: Reuters
Trưa qua, báo South China Morning Post và các hãng thông tấn đưa tin Snowden đã lên chuyến bay của Hãng Aeroflot (Nga) bay tới Matxcơva.
Cho đến tối qua, các hãng thông tấn Nga Itar-Tass và Interfax đều nói Snowden trong hôm nay sẽ bay tới Cuba trước khi bay tiếp tới Caracas, thủ đô của Venezuela. SCMP trước đó nói đích đến cuối cùng của Snowden là Iceland hoặc Ecuador, những nơi có thể cho phép cựu nhân viên NSA này tị nạn chính trị.
“Anh ta chọn lộ trình phức tạp như vậy với hi vọng không bị bắt giữ” – một người thân với Snowden nói với Interfax.
WikiLeaks thì tuyên bố họ đã giúp Snowden thoát khỏi Hong Kong và “xin tị nạn chính trị ở một quốc gia dân chủ”. Nhóm này sau đó nói các cố vấn pháp lý của WikiLeaks đi cùng Snowden trên chuyến bay tới Nga.
Động thái khôn ngoan
AFP cho biết Snowden đã rời sân bay Chek Lap Kok của Hong Kong vào lúc 11g04 để bay tới sân bay Sheremetyevo của Matxcơva. Điện Kremlin tỏ ra hoàn toàn bất ngờ trước diễn biến và người phát ngôn của Tổng thống Vladimir Putin khẳng định không hề biết về việc Snowden sẽ quá cảnh ở Nga.
“Đó là cú sốc – Simon Young, giáo sư Đại học Hong Kong, nói – Tôi vẫn nghĩ anh ta sẽ ở lại”.
“Mỹ phải chia sẻ thông tin với thế giới về quy mô, mức độ và ý đồ các chương trình hacking bí mật của họ”
Bài bình luận của Tân Hoa xã viết |
Chính quyền Hong Kong tuyên bố đã thông báo cho Chính phủ Mỹ về việc Snowden rời đi. Trong một thông cáo, chính quyền Hong Kong giải thích: “Chính phủ Mỹ trước đó đã yêu cầu chính quyền Hong Kong về việc tạm giữ ông Snowden. Nhưng do tài liệu cung cấp của Chính phủ Mỹ không hoàn toàn tuân thủ các quy định theo luật Hong Kong, chính quyền Hong Kong đã yêu cầu Chính phủ Mỹ cung cấp thêm thông tin. Khi chính quyền Hong Kong chưa có đủ thông tin để xử lý yêu cầu bắt giữ, không có cơ sở pháp lý gì để ngăn cản việc ông Snowden rời Hong Kong”.
Reuters cho rằng cách Hong Kong “trả tự do” cho Snowden sẽ làm Washington tức giận. Dù vậy, đây lại có thể coi là động thái khôn ngoan của Hong Kong, điều giúp họ tránh được áp lực dai dẳng từ phía Mỹ cũng như việc phải đưa ra quyết định khó khăn về chuyện dẫn độ – bất cứ lựa chọn nào cũng sẽ vấp phải chỉ trích. Các phân tích trước đó đều nói cuộc chiến pháp lý về dẫn độ có thể kéo dài nhiều năm nếu Snowden tiếp tục ở lại Hong Kong.
Nguyệt Phương