DIENDANDOANHNGHIEP.VN Nhiều chuyên gia cho rằng, các đồng minh cần củng cố mối quan hệ với Mỹ, đồng thời bảo vệ mình khỏi những thay đổi thất thường trong chính trị nước này, nhất là khi ông Donald Trump tái đắc cử.

Cựu Tổng thống Donald Trump vẫn là ứng cử viên dẫn đầu trong cuộc đua sơ bộ của Đảng Cộng hòa.

View Post

Chỉ còn chưa đầy một năm nữa là đến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ tiếp theo. Các cuộc thăm dò cho thấy cựu Tổng thống Donald Trump vẫn là ứng cử viên dẫn đầu vững chắc trong cuộc đua sơ bộ của Đảng Cộng hòa.

Ông Trump đã bị buộc tội trong bốn vụ án hình sự, trong đó có một vụ liên quan đến việc xử lý sai tài liệu mật, nhưng điều đó dường như không ảnh hưởng mấy đến danh tiếng của ông.

GS. Alan Abramowitz của Đại học Emory ở Atlanta, Georgia cho biết, dựa vào các chỉ số kinh tế, nền kinh tế Mỹ đang tốt và tỷ lệ thất nghiệp khá thấp. Thông thường, đây lẽ ra là một lợi thế của Tổng thống Joe Biden, nhưng những người ủng hộ Đảng Cộng hòa không còn chấp nhận những số liệu thống kê kinh tế như vậy nữa và cho rằng nền kinh tế đang rất tệ. “Việc phân tích định lượng là vô cùng khó khăn khi ngày càng nhiều cử tri không tin vào số liệu khách quan”, ông nói thêm.

Có vẻ như nhiều cử tri Mỹ không còn chọn ứng cử viên dựa trên dữ liệu khách quan như hiệu quả kinh tế, mà thay vào đó ưu tiên niềm tin cá nhân của họ. Những gì đang diễn ra giống như một cuộc nội chiến chính trị.

Trước khả năng cựu Tổng thống Trump trở lại Nhà Trắng, giới quan sát nhận định rằng các đồng minh của Mỹ nên chuẩn bị ứng phó với nhiều thách thức sắp tới. Để vượt qua điều này tốt hơn, họ cần tập trung vào “ngoại giao địa phương” để có thể giúp mở rộng mối quan hệ với Mỹ, làm dịu đi tác động của sự thay đổi lãnh đạo ở Washington.

Tại cuộc họp của Hội nghị Mỹ-Nhật Bản về Trao đổi Văn hóa và Giáo dục ở Atlanta vào ngày 6/10, các chuyên gia đã thảo luận về các cách thức nhằm tăng cường ngoại giao địa phương. Các bên tham gia đã đồng ý đưa ra các đề xuất chi tiết về cách củng cố quan hệ song phương bằng cách thúc đẩy sự tương tác giữa chính quyền các địa phương, các chương trình trao đổi cá nhân và các tổ chức học thuật của hai nước.

Trên thực tế, bang Georgia đưa ra một mô hình ngoại giao như vậy giữa Mỹ và Nhật Bản. Năm 1973, Tổng thống Mỹ khi đó là Jimmy Carter đã mở văn phòng thương mại và du lịch của bang Georgia ở Tokyo để thu hút các doanh nghiệp và khách du lịch.

Kể từ đó, bang Georgia đã tăng cường quan hệ với Nhật Bản, trở thành bang có quan hệ hợp tác chặt chẽ với tỉnh Kagoshima. Hơn 10 thành phố trong bang hiện có quan hệ hữu nghị với các đối tác Nhật Bản, trong khi hơn 500 doanh nghiệp Nhật Bản đã thiết lập hoạt động tại Georgia.

Bà Jessica Cork, Phó chủ tịch của YKK Corp. của Mỹ nhận định, mặc dù sự rạn nứt giữa đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa ngày càng sâu sắc ở Washington, nhưng quan hệ Mỹ-Nhật sẽ ít bị ảnh hưởng hơn nếu có mạng lưới cá nhân rộng khắp ở cấp địa phương.

Mối quan hệ ngày càng sâu sắc trong lĩnh vực kinh doanh đã thúc đẩy các đảng viên Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa thành lập Nhóm lập pháp Georgia-Nhật Bản trong cơ quan lập pháp của bang này vào năm 2019.

Tương tự, các nhà lập pháp của bang Alabama đã bắt đầu xem xét việc thành lập một nhóm tương tự, khi các giao dịch thương mại giữa hai bên tăng lên. Mối quan hệ chính trị mạnh mẽ hơn giữa Nhật Bản và các bang của Hoa Kỳ có thể sẽ giúp củng cố mối quan hệ ngoại giao và an ninh giữa hai nước.

Nếu tái đắc cử, ông Trump có thể sẽ đảo ngược phần lớn chính sách đối ngoại của chính quyền hiện tại, vốn tập trung vào hợp tác quốc tế. Những thay đổi ngoại giao có thể bao gồm nỗ lực rút khỏi NATO, cố gắng làm suy yếu Liên Hợp Quốc và xem xét loại bỏ hỗ trợ cho Ukraine – những động thái có thể khiến thế giới rơi vào tình trạng hỗn loạn.

Ngay cả khi Trump không thể trở lại, cuộc tranh cãi giữa Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa có thể sẽ tiếp tục trong nhiều năm. Cộng đồng quốc tế sẽ phải đối mặt với nguy cơ có những thay đổi mạnh mẽ trong chính sách đối ngoại của Mỹ khi nước này tổ chức bầu cử Tổng thống. Điều này đặt ra thách thức nghiêm trọng đối với Nhật Bản và các đồng minh khác của Mỹ.

Theo chuyên gia Abramowitz nhận định, ngoài ngoại giao địa phương, các đồng minh của Mỹ cần đẩy nhanh các biện pháp khác nhằm củng cố quan hệ với Mỹ. Một là tăng cường quan hệ quốc phòng và quân sự. Thứ hai là hình thành mối quan hệ chặt chẽ hơn với Quốc hội Mỹ. “Các nước đồng minh cần tăng cường quan hệ với cả Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa, phát triển mạng lưới chính trị nơi họ có thể trao đổi ý kiến thẳng thắn với các nhà lập pháp Hoa Kỳ”, chuyên gia này lưu ý.

Cẩm Anh

khahan

Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng!

khahan

Posted by khahan

:

Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng!