HÀ NỘI –  Theo Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh thuộc Bộ Kế hoạch Đầu tư CSVN, trong năm 2013, có thêm 60,737 doanh nghiệp tại Việt Nam hoặc giải thể, hoặc ngừng hoạt động.

Người thất nghiệp ngồi bên lề đường ở Hà Nội vào ngày 24-12-2013 trước Lễ Giáng Sinh chờ xem có ai gọi đi làm bất cứ việc gì để có tiền sống qua ngày. (Hình: HOANG DINH NAM/AFP/Getty Images)

Cơ quan này cho biết, nguyên nhân dẫn tới thực trạng vừa kể là vì sản xuất thua lỗ, năng lực điều hành hạn chế, thiếu vốn, không tìm được thị trường. Nếu so với năm ngoái, năm nay, số doanh nghiệp phải giải thể, hoặc ngừng hoạt động tại Việt Nam tăng thêm khoảng 12%.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế và một số viên chức trong guồng máy cầm quyền, viễn cảnh kinh tế Việt Nam trong năm tới vẫn hết sức ảm đạm.

Tại cuộc gặp các thành viên của báo Đầu tư, ông Bùi Quang Vinh, Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư của Việt Nam, vừa xác nhận, năm 2013 đã trôi qua trong rất nhiều khó khăn, số lượng doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động, phá sản vẫn liên tục tăng. Trong đó, có không ít doanh nghiệp lớn. Ngoài những tác động do kinh tế thế giới suy thoái, tự thân kinh tế Việt Nam cũng có nhiều vấn đề.

Tháng trước, ông Vinh từng cảnh báo rằng: “Kinh tế Việt Nam đã tới lúc phải đào củ mài để ăn” khi thảo luận với Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu.

Phát biểu của ông Vinh, người vừa có tư cách thành viên chính phủ, vừa là thành viên trong Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu, được ghi lại và đưa lên Internet, cho thấy kinh tế Việt Nam hết sức bi đát. Mâu thuẫn giữa một bên cho rằng phải cải tổ thể chế chính trị để tồn tại với bên còn lại, muốn giữ nguyên đang càng lúc càng gay gắt. Sự giằng co giữa hai khuynh hướng đã đấy kinh tế – xã hội Việt Nam tới đường cùng và rất khó có lối thoát.

Trong phát biểu vừa kể, ông Vinh cảnh báo các đồng liêu về khả năng đầu tư cho phát triển của năm 2014. Giới lãnh đạo đảng, quốc hội, chính phủ đã “nhất trí chi cho đầu tư phát triển là 163 ngàn tỷ”. Viên Bộ trưởng Kế hoạch – Đầu tư của chế độ Hà Nội nhận định, con số này tuy quá thấp so với nhu cầu đầu tư để phát triển, nhưng nhà cầm quyền trung ương sẽ không kiếm đủ tiền để chi. Trong 163 ngàn tỷ dự kiến sẽ chi, có 30 ngàn tỷ dự kiến sẽ thu từ đất nhưng thị trường bất động sản vẫn đóng băng, thành ra dự thu như thế là ảo tưởng.

Ông Vinh nhấn mạnh “đất nước này vỡ nợ là do xây dựng cơ bản tràn lan”. Lãnh đạo chính quyền các địa phương mạnh tay phê duyệt các dự án hạ tầng, khuyến dụ các doanh nghiệp bỏ vốn, mượn vốn để thực hiện những dự án đó, cuối cùng chính quyền trung ương không có khả năng hoàn trả. Hàng loạt doanh nghiệp là chủ đầu tư, hàng loạt ngân hàng cho vay rơi vào tình trạng phá sản, chính quyền vừa không thu được thuế, vừa “giật gấu vá vai” để trả nợ.

Thực trạng vừa kể cũng là lý do khiến chi cho đầu tư phát triển giảm chưa từng thấy trong lịch sử. Nhiều công trình dở dang, trong khi không đầu tư cho phát triển thì không thể phát triển và chính chế độ Hà Nội cũng đang loanh quanh trong vòng luẩn quẩn do chính mình tạo ra.

Cho dù giới lãnh đạo đảng, quốc hội CSVN “nhất trí” với mức phát triển cho 2014 là 5,8% GDP – thấp chưa từng có trong lịch sử nhưng ông Vinh khẳng định, vẫn không thể nào đạt được. Viên bộ trưởng này bảo rằng, bộ của ông ta đã tính toán là muốn đạt mức đó thì “tổng vốn đầu tư toàn xã hội phải đạt từ 30% trở lên, chi cho đầu tư phát triển tối thiểu phải là 234 ngàn tỷ”. Tuy nhiên ngân sách đang trong tình trạng thất thu chưa từng thấy trong lịch sử nên không thể có tiền chi tới mức đã tính toán.

Việc cắt giảm chi cho đầu tư phát triển xuống còn 163 ngàn tỉ chắc chắn sẽ khiến mức phát triển cho 2014 xuống còn 5% GDP. Ông Vinh nói thêm là ông ta đã cảnh báo Thủ tướng nhưng ông Nguyễn Tấn Dũng không dám can gián vì Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã “quyết định như thế”.

Viên Bộ trưởng Kế hoạch – Đầu tư của chính phủ Việt Nam chỉ trích gay gắt cái gọi là “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Trong khi Hội đồng Lý luận Trung ương vẫn đang loay hoay tìm cách định nghĩa cho khái niệm chẳng giống ai và mô hình chưa biết sẽ như thế nào thì “định hướng xã hội chủ nghĩa” tạo ra vô số hệ quả tai hại, khó có khả năng cứu vãn. Ông Vinh tâm tình rằng, ông đã nhấn mạnh là Việt Nam phải đổi mới thật sự, không như thế là lụn bại. Ông ta đã có báo cáo chi tiết về kế hoạch đổi mới trình chính phủ nhưng kế hoạch này bị gọt dũa dần dần, ra Quốc hội “chỉ còn một tí!”.

Theo ông Vinh, nguồn thu chính của Việt Nam trong những năm vừa qua là khai thác tài nguyên đem đi bán và “năm năm nữa, dầu hết sẽ không còn gì để thu, khoáng sản thô cũng đã bị đào bới mang bán hết rồi”. Tài nguyên lớn nhất của Việt Nam là con người nhưng không biết sử dụng, có muốn cũng không thể sử dụng. Bộ máy công quyền không thể tuyển mộ người giỏi mà kẻ dốt thì không thể đề ra chính sách tốt.

Hồi tháng 11, ông Vinh cảnh báo: “Nếu không đổi mới chúng ta sẽ chết. Chúng ta sẽ chỉ còn từ củ mài trở xuống để ăn thôi”.

Mới đây, ông Vinh tiếp tục nhắc lại, tương lai của kinh tế Việt Nam phụ thuộc vào chính Việt Nam. Nếu không đủ quyết tâm để cải cách và cải cách không đúng chỗ, kinh tế Việt Nam trong các năm 2015, 2016 sẽ còn khó khăn hơn nữa. Cải cách, theo ông Vinh là phải minh bạch và tôn trọng quy luật kinh tế thị trường.

vietditru

vietditru

Posted by vietditru

: