1

Người dân Iraq tập trung tại một điểm tuyển quân sau khi chính phủ kêu gọi họ cùng chống lại phiến quân

Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama nói chính phủ của ông đang xem xét “mọi biện pháp”, trong đó có hành động quân sự, để giúp Iraq chống lại phiến quân Hồi giáo.

Tuy nhiên, Nhà Trắng cũng khẳng định sẽ không gửi lực lượng chiến đấu trên bộ.

Tuyên bố của ông Obama được đưa ra sau khi các thành phố Mosul và Tikrit của Iraq lần lượt thất thủ trước chiến dịch tiến công chớp nhoáng của quân Hồi giáo dòng Sunni.

Hoa Kỳ đã bắt đầu chuyển các công dân Mỹ đang hợp tác về quốc phòng với quân đội Iraq đến nơi an toàn.

“Chúng tôi có thể xác nhận các công dân Mỹ đang làm việc theo hợp đồng với Chính phủ Iraq để hỗ trợ chương trình mua sắm quân sự nước ngoài của Mỹ (FMS) tại Iraq, đã tạm thời được công ty của họ sơ tán đến nơi khác do quan ngại về an ninh trong khu vực,” người phát ngôn Bộ Ngoại giao Jen Psaki, nói.

Hàng trăm người đã được sơ tán khỏi căn cứ không quân Balad, một giới chức quốc phòng Hoa Kỳ nói với hãng thông tấn AFP.

Dưới sự lãnh đạo của ISIS (Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Levant), phiến quân được cho là đang lên kế hoạch nam tiến về thủ đô Baghdad và những vùng có đa số dân cư là người Hồi giáo Shia, vốn bị lực lượng này xem là “những kẻ ngoại đạo”.

Một tay súng Hồi giáo trước xác xe quân sự của Iraq

 

Một số thông tin chưa được kiểm chứng nói quân đội Iraq đã thực hiện các cuộc không kích nhằm vào phiến quân ở Mosul và Tikrit hôm 12/6.

Giới quan sát cho rằng nếu ISIS có thể trụ vững ở Mosul và củng cố sự hiện diện ở đây, có nghĩa là họ đã tiến một bước lớn trong kế hoạch thành lập một tiểu vương quốc Hồi giáo nằm vắt giữa biên giới Iraq và Syria.

Quan ngại trước việc ISIS sẽ châm ngòi cho một cuộc nổi dậy quy mô lớn của người Hồi giáo Sunni đang ngày càng gia tăng. Một số tin cho biết nhiều cựu thành viên của Đảng Baath trung thành với ông Saddam Hussein đã kết hợp lực lượng với phiến quân.

Một người dân ở Tikrit, quê hương của Saddam Hussein, nói với hãng thông tấn AP rằng các tay súng đã treo hình của nhà độc tài này ở nhiều nơi sau khi đẩy lùi quân chính phủ.

Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc hôm 12/6 đã tuyên bố nhất trí ủng hộ chính phủ và nhân dân Iraq trong cuộc chiến “chống khủng bố”.

Trước đó, Liên Hiệp Quốc cũng cho biết tình hình nhân đạo ở gần Mosul rất “tồi tệ và đang ngày càng xấu đi”.

Khoảng 500.000 người đã tháo chạy khỏi Mosul kể từ khi thành phố này rơi vào tay phiến quân.

Cờ ISIS bay trên một chiếc xe của quân đội Iraq mà lực lượng này vừa chiếm được ở Mosul

 

Phiến quân tiến công

“Sẽ có những biện pháp mang tính quân sự gấp rút, ngắn hạn, cần được thực hiện ngay lúc này,” ông Obama nói với các phóng viên tại Nhà Trắng sau cuộc gặp với Thủ tướng Úc Tony Abbott.

“Tôi không loại bỏ bất cứ khả năng nào vì chúng ta cũng có lợi ích trong việc đảm bảo các phần tử thánh chiến không thể trụ chân vĩnh viễn tại Iraq hay thậm chí là Syria”.

Người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney nói thêm rằng Tổng thống Obama có ý nói đến ông không loại trừ khả năng sử dụng không quân.

“Chúng ta sẽ không triển khai lực lượng trên bộ,” ông nói.

Đại sứ Iraq tại Hoa Kỳ, ông Lukman Faily, trước đó nói với BBC rằng đây là “tình hình nghiêm trọng nhất” mà nước này từng đối mặt trong những năm gần đây.

Chúng ta cũng có lợi ích trong việc đảm bảo các phần tử thánh chiến không thể trụ chân vĩnh viễn tại Iraq hay thậm chí là Syria

Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama

Một cuộc bỏ phiếu tại quốc hội về việc ban bố tình trạng khẩn cấp để trao thêm quyền hạn cho Thủ tướng Nouri al-Malioki đã bị tạm hoãn vì chỉ 128 trong số 325 nghị sỹ có mặt.

Giới quan sát cho rằng điều này một lần nữa nói lên sự chia rẽ bên trong nền chính trị của Iraq.

Ở phía bắc, quân đội Kurdistan đã giành quyền kiểm soát thành phố giàu dầu mỏ Kirkuk, sau khi lực lượng của chính phủ Iraq tháo chạy.

Kurdistan – vốn được xem là bức tường chắn trước phiến quân Hồi giáo dòng Sunni – lâu nay vẫn mâu thuẫn với Baghdad về vấn đề chủ quyền tại Kirkuk, thành phố mà họ muốn sáp nhập vào vùng tự trị của mình.

Chính quyền Kurdistan đang tỏ ra vui mừng trước khoảng trống quyền lực tại Kirkuk, phóng viên BBC Jim Muir nhận định.

Quân chính phủ Iraq hôm 11/6 đã làm chậm bước tiến của phiến quân bên ngoài Samarra, thành phố cách thủ đô Baghdad chỉ 110km về phía bắc.

Tuy nhiên một số tin cho hay phiến quân đã đi xuyên qua Samarra và đang đánh chiếm thị trấn Dhuluiya, cách Baghdad 90km về phía tây bắc.

An ninh tại Baghdad đang được thắt chặt sau khi các tay súng đăng tải video đe dọa sẽ tiến về thủ đô.

binhthanh

binhthanh

Posted by binhthanh

: