Các quan chức cấp cao của Mỹ đã đưa ra các đề xuất nhằm đóng băng các nguồn tài chính của phương Tây đối với Nga nếu Moscow không chấm dứt việc tham chiến tại miền đông Ukraine, theo tờ Times of India ngày 18.7.
Theo nội dung thỏa thuận Minsk ký kết hồi tháng 2.2015 tại thủ đô Minsk (Belarus), các bên liên quan sẽ phải thực hiện lệnh ngừng bắn, rút vũ khí và quân ra khỏi Ukraine; người Ukraine sẽ kiểm soát khu vực biên giới vào cuối năm 2015.
Tổng thống Ukraine, Petro Poroshenko đã cáo buộc Nga vi phạm thỏa thuận này và không thực hiện các cam kết nhằm chấm dứt xung đột tại miền đông Ukraine.
Theo các lệnh trừng phạt hiện tại, các công ty Nga tại Mỹ chỉ có thể vay trong khoảng thời gian tối đa là 30 ngày, so với mức phổ biến đối với các công ty khác là vài năm. Không những thế, lệnh trừng phạt này đang có nguy cơ bị gia hạn thêm, khi đó các công ty Nga chỉ được vay tiền trong khoảng thời gian tối đa 7 ngày. Việc rút ngắn khung thời gian này có thể sẽ ảnh hưởng đến khả năng kinh doanh và an ninh tài chính của các công ty Nga, khiến họ bị thiệt hại nghiêm trọng.
EU và Mỹ đang áp đặt lệnh trừng phạt đối với các ngân hàng nhà nước, doanh nghiệp, công ty năng lượng và quân sự của Nga nhằm gây áp lực lên Tổng thống Putin trong việc tuân thủ các thỏa thuận quốc tế liên quan đến cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
Theo số liệu của Bloomberg, 21 người giàu nhất Nga đã mất tổng cộng 61 tỉ USD trong năm ngoái vì các lệnh trừng phạt.