Chính quyền Tổng thống Donald Trump vào tháng 9 năm ngoái đã đe dọa cấm công tố viên lẫn thẩm phán ICC nhập cảnh, cũng như trừng phạt những nguồn thu mà tòa quốc tế đang có.
Washington nay hiện thực hóa lời đe dọa, Ngoại trưởng Pompeo ngày 15.3 thông báo chính sách hạn chế thị thực nhắm vào cá nhân ICC trực tiếp chịu trách nhiệm tiến hành điều tra binh lính Mỹ cùng đồng minh.
Ngoại trưởng Pompeo cho biết chính sách đã được áp dụng. Ông còn lưu ý: “Sẽ không chỉ có hạn chế thị thực. Chúng tôi còn chuẩn bị một vài biện pháp bổ sung kể cả trừng phạt kinh tế”.
ICC phản ứng lại bằng tuyên bố tòa là tổ chức độc lập không thiên vị, nên quyết tâm tiếp tục công việc của mình bất chấp Mỹ gây cản trở. Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Right Watch) cũng lên án chính sách Washington vừa áp dụng.
Tòa án Hình sự quốc tế ra đời năm 2002, chịu trách nhiệm truy tố cá nhân phạm tội ác chiến tranh, tội diệt chủng, tội ác chống loài người khi một quốc gia không thể hay không muốn làm chuyện này. Đến nay đã có 123 quốc gia là thành viên ICC nhưng không bao gồm các cường quốc như Mỹ, Nga, Trung Quốc.
Tháng 11.2017, phía công tố ICC đề nghị thẩm phán trao thẩm quyền điều tra tội ác chiến tranh và tội ác chống loài người liên quan đến lực lượng an ninh quốc gia Afghanistan, Taliban, phiến quân Haqqani, quân đội cùng tình báo Mỹ ở Afghanistan kể từ tháng 5.2003.
Binh sĩ Mỹ bị cáo buộc tra tấn và bắt giam bất hợp pháp. Thẩm phán ICC vẫn đang xem xét tài liệu công tố gửi qua mà chưa đưa ra quyết định.
Dù áp dụng chính sách hạn chế thị thực, nhưng Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố vẫn cho phép nhân viên ICC tham gia các cuộc họp tổ chức ở trụ sở Liên Hợp Quốc (New York).
Theo Reuters