TT – Báo Christian Science Monitor của Mỹ ngày 8-1 đặt vấn đề phải chăng các ngân hàng lớn hiện nay phình ra quá đến mức không thể quản lý nổi và dễ đổ vỡ.

Biện lý Preet Bharara của Mỹ giải thích với báo giới về việc xử phạt Ngân hàng JPMorgan Chase trong cuộc họp báo tại New York ngày 7-1 – Ảnh: Reuters

Đại gia Ngân hàng JPMorgan Chase & Co hôm 7-1 phải nộp phạt khoảng 2,6 tỉ USD cho nhà chức trách Mỹ để dàn xếp cáo buộc ngân hàng này cố tình bỏ qua những dấu hiệu lừa đảo của siêu lừa Bernard Madoff, làm tổn thất của các nhà đầu tư hơn 17 tỉ USD cách đây hơn năm năm.

AFP cho biết trong số 2,6 tỉ USD mà JPMorgan phải nộp phạt có 2,24 tỉ USD phải trả cho Bộ Tư pháp Mỹ, những tổ chức và cá nhân được ủy thác để bồi thường cho các nạn nhân bị lừa đảo cùng 350 triệu USD nộp phạt cho Văn phòng Kiểm soát tiền tệ. Song câu hỏi đặt ra là có phải các ngân hàng Mỹ đang phình to đến mức khó quản lý và sai phạm cứ tiếp tục xảy ra.

Quá nuông chiều mình

“Các ngân hàng này quá phức tạp, cụ thể chúng là những tổ chức khổng lồ với cơ cấu pháp lý và quản trị khổng lồ, những khoản lợi nhuận khó tin nổi. Những khoản phạt này dường như không ảnh hưởng gì đến các ngân hàng trong cả hoạt động kinh doanh lẫn lợi nhuận, nó gần như là chi phí kinh doanh của họ mà thôi”

Ông KURT SCHACHT
(giám đốc quản lý tại Viện CFA)

Giới chuyên gia cho rằng các ngân hàng lớn đã tự nuông chiều đến mức khó quản lý cả guồng máy của chính mình. Bằng chứng là dù đã được cảnh báo về các dấu hiệu gian lận tài chính của Madoff từ năm 1994, nhưng JPMorgan đã không thông báo vụ việc cho Bộ Tư pháp Mỹ cũng như không cảnh báo đội ngũ quản lý cấp cao của mình về hoạt động đáng ngờ này cho đến khi vụ lừa đảo bùng nổ năm 2008.

JPMorgan bị cáo buộc cố tình phớt lờ những dấu hiệu cảnh báo cho thấy mô hình kinh doanh của Madoff là đa cấp và lừa đảo. Madoff bị cáo buộc tội lừa đảo hàng ngàn nhà đầu tư hồi năm 2009, gây thiệt hại gần 60 tỉ USD. Siêu lừa Madoff sử dụng JPMorgan trong 20 năm, làm địa bàn hoạt động để vận hành một chương trình lừa đảo đa cấp (Ponzi) trị giá 50 tỉ USD khiến khoảng 4.000 nhà đầu tư sập bẫy.

Madoff đã lập tài khoản tại Ngân hàng JPMorgan để dùng chiêu “treo đầu dê bán thịt chó” khi dùng tiền của nhà đầu tư đến sau trả cho người đến trước và làm mờ mắt các nhà đầu tư này bằng những khoản “lãi” khổng lồ. Dĩ nhiên JPMorgan đã kiếm được khoản phí và hoa hồng từ các dịch vụ tài chính làm cho Madoff.

Giới chuyên gia cho rằng sau cuộc sụp đổ tài chính nhấn chìm nền kinh tế trong cơn đại suy thoái toàn cầu, hàng tỉ USD của người nộp thuế đã được rót cho các ngân hàng khổng lồ ở Phố Wall, nhiều cuộc tranh luận đã xảy ra xoay quanh câu hỏi liệu các thể chế tài chính này đã “phình quá to vượt ra khỏi tầm kiểm soát”?

Dù các quan chức tư pháp Mỹ công bố hôm 7-1 đã yêu cầu JP Morgan Chase xem xét lại các biện pháp bảo vệ của riêng mình, đảm bảo tuân thủ luật pháp, nhưng giới chuyên gia cho rằng việc hoãn truy tố hai năm với JP Morgan là một cản trở lớn đối với các ngân hàng khác.

Phạt chỉ là phủi bụi

Giới chuyên gia tài chính Mỹ cho rằng mức phạt trên không thấm vào đâu so với quy mô và lợi nhuận của các đại gia ngân hàng ở Phố Wall.

JPMorgan Chase & Co là ngân hàng lớn nhất của Mỹ với tổng giá trị tài sản lên đến 2.509 tỉ USD. Trong hai năm 2012 và 2013, ngân hàng này đã phải chấp nhận nộp phạt và bồi thường gần 20 tỉ USD để dàn xếp hàng loạt cáo buộc phạm pháp, trong đó có hành vi lừa dối các nhà đầu tư về chứng khoán đảm bảo bằng vay thế chấp. Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2009. Nhưng ngân hàng này vẫn có mức lợi nhuận kỷ lục và có hẳn hàng tỉ USD dự trữ chuyên để nộp phạt cho các hành vi phạm pháp của mình.

AFP dẫn lời các quan chức tư pháp Mỹ cho biết JPMorgan có thể không bị truy tố hình sự nếu ngân hàng này đồng ý thanh toán hết các khoản phạt, tiến hành cải tổ các chính sách chống rửa tiền, hợp tác với cơ quan điều tra và thông báo các hành vi sai phạm. Người phát ngôn JPMorgan Joe Evangelisti thừa nhận ngân hàng đã không tăng cường giám sát tài khoản của Madoff sau khi xuất hiện những dấu hiệu lừa đảo. Thay vì thông báo ngay cho chính quyền Mỹ thì ngân hàng này chỉ thông báo vấn đề này cho giới chức Anh vào tháng 10-2008.

Mỹ Loan

khahan

Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng!

khahan

Posted by khahan

:

Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng!