Hoa Kỳ sẽ không ủng hộ một cuộc đảo chính quân sự nào xảy ra ở khu vực Đông Nam Á, như trường hợp ở Thái Lan mới đây, theo một nhà nghiên cứu Đông Nam Á từ châu Âu.
Nguyên nhân của việc này là đảo chính quân sự đi ngược lại giá trị ưu tiên mà người Mỹ muốn đề cao ở các quốc gia châu Á đang chuyển đổi, trong đó có các quốc gia Asean như Thái Lan, Miến Điện, Việt Nam v.v…
Trao đổi với BBC hôm 26/5/2014 từ Đại học Chính trị Paris (Sciences-Po Paris), Giáo sư David Camroux nói:
“Điều này làm Hoa Kỳ lo lắng bởi vì một trong các thành tố mục tiêu chiến lược của người Mỹ tại châu Á, bên cạnh an ninh và kinh tế, là khuyến khích dân chủ và dân chủ hóa trên khắp ở châu Á.
“Cho nên khi một quốc gia then chốt như Thái Lan, với nhiều năm đã thi triển dân chủ, nay có một bước thụt lùi to lớn về mặt này, thì đây là một cú đánh rất mạnh vào mục tiêu của người Mỹ ở châu Á.”
Theo nhà phân tích này, cuộc đảo chính quân sự ở Thái Lan cũng đã tạo ra một số tác động ‘không tích cực lắm’ cho tình hình khu vực mà trong đó liên quan khối Asean và một số cường quốc hiện diện trong vụng.
“Điều này làm Hoa Kỳ lo lắng bởi vì một trong các thành tố mục tiêu chiến lược của người Mỹ tại châu Á, bên cạnh an ninh và kinh tế, là khuyến khích dân chủ và dân chủ hóa trên khắp ở châu Á“
GS. David Camroux, Sciences Po
GS Camroux nói: “Nếu một thành viên trong khối Asean bị suy yếu, thì khối Asean cũng bị suy yếu đi trong mối quan hệ với một bên thứ ba, mà đặc biệt với Trung Quốc.
“Đặc biệt là trong tình hình cuộc xung đột đang nóng giữa Việt Nam và Philippines với Trung Quốc trên Biển Đông.”
“Ở đây cũng có vấn đề với Hoa Kỳ, bởi vì Thái Lan là một đồng minh then chốt vẫn hay có các cuộc tập trận quân sự chung với Mỹ.
“Nó cũng gây ra vấn đề với Miến Điện, bởi vì việc khuyến khích dân chủ hóa ở Miến Điện sẽ rất khó khăn nếu một quốc gia chủ chốt trong Asean thụt lùi.
“Nói rộng hơn, sự kiện đảo chính ở Thái Lan đã tạo ra một thách thức về mặt cải cách và mô hình cải cách dân chủ ở trong khu vực.
“Đồng thời, một Thái Lan suy yếu về dân chủ cũng sẽ không tốt cho nhiều quốc gia thành viên của khối, mà đồng thời cũng không tốt cho một số quốc gia lớn lân cận, trong đó Trung Quốc.”
‘Tiêu cực và thụt lùi’
Hôm thứ Hai, một nhà nghiên cứu về Thái Lan từ Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU) nói với BBC hành động đảo chính của phe quân sự ở Thái Lan vừa qua là một động thái hết sức ‘tiêu cực’ và là một bước ‘thụt lùi’ không tốt đối với Thái Lan và cả với vị thế của nước này trong Asean.
PGS. TS. Nguyễn Tương Lai từ Khoa Đông phương học thuộc VNU, nói:
“Cuộc đảo chính này là cách giải quyết bất ổn ở Thái Lan nhưng nó lại là một cách giải quyết có phần tiêu cực, giải quyết như thế không hay.
“Nhưng tôi nghĩ nó có hai khía cạnh, thứ nhất nếu phe quân sự đảo chính tiếp tục nắm chính quyền, thì càng nắm lâu, tình hình bất ổn ở Thái Lan lại càng bất ổn hơn trước…”
“Cuộc đảo chính lần này, tôi nghĩ, nhân dân không đồng tình, và nếu cứ tiếp tục kéo dài như thế, thì sẽ bất ổn, và thực tế tuy có thiết quân luật, nhưng những ngày vừa rồi, người ta vẫn xuống đường biểu tình, bất chấp.”
“Nếu phái quân sự muốn đảo chính để chấm dứt những bất an, để tiến hành ngay một cuộc bầu cử và cuộc bầu cử này sẽ bầu ra được một chính phủ hoàn toàn dân chủ, để tình hình bất an không còn nữa, thì đấy là một điều có thể chấp nhận được“
PGS. TS. Nguyễn Tương Lai, ĐHQG Hà Nội
“Khía cạnh thứ hai, nếu phái quân sự muốn đảo chính để chấm dứt những bất an, để tiến hành ngay một cuộc bầu cử và cuộc bầu cử này sẽ bầu ra được một chính phủ hoàn toàn dân chủ, để tình hình bất an không còn nữa, thì đấy là một điều có thể chấp nhận được, đó là điều tốt.”
Nhưng ông Nguyễn Tương Lai nói thêm: “Nó là một bước lùi vì người ta lại lùi trở lại thời kỳ trước, những thời mà quân sự nắm quyền. Còn một điều rất tai hại nữa là cuộc đảo chính này… sẽ làm cho Thái Lan bị phản đối nhiều trên trường quốc tế…
“Thái Lan sẽ mất vị thế trên trường quốc tế và tham vọng của Thái Lan đối với khu vực là Thái Lan sẽ là số một, là lãnh đạo,
“Thế mà một đất nước như thế này, thì không thể nào là số một và lãnh đạo được. Tham vọng ấy không thể nào thực hiện được.”
‘Hoa Kỳ không hoan nghênh’
Hôm 26/5, Giáo sư Camroux cũng nói với BBC Thái Lan nay đã đánh mất khả năng đứng ở vị trí dẫn đầu Asean, nhất là sau vụ đảo chính của quân đội.
Nhà phân tích nói: “Thái Lan đã mất bất cứ khả năng nào để trở thành quốc gia lãnh đạo trong khối quốc gia ở khu vực, nó cũng đánh mất vị trí hàng đầu và số một tại Đông Nam Á về dân chủ hóa,
“Nếu có một nhà lãnh đạo như vậy ở Asean, thì đó hiện là Indonesia, quốc gia đã có thành tích lớn lao về dân chủ hóa trong thời gian khoảng 16 năm qua.”
“Tôi không nghĩ Hoa Kỳ ủng hộ những kịch bản như vậy, ở Indonesia, những gì diễn ra từ 16 năm qua là những nhà lãnh đạo khoác áo tướng lĩnh quân sự đã được thay thế bằng những người dân sự“
GS. David Camroux
Trở lại vấn đề thái độ của Mỹ với cuộc đảo chính ở Thái Lan vừa qua, cũng như diễn biến tương tự nếu có, ở khu vực Đông Nam Á, GS Camroux nói:
“Cuộc đảo chính của Thái Lan rõ ràng đã đưa tình hình chính trị của nước này quay trở lại bối cảnh tương tự của những thời kỳ thống trị không mấy sáng sủa của các chính thể quân sự ở Thái Lan trong quá khứ,
“Tôi không nghĩ Hoa Kỳ ủng hộ những kịch bản như vậy, ở Indonesia, những gì diễn ra từ 16 năm qua là những nhà lãnh đạo khoác áo tướng lĩnh quân sự đã được thay thế bằng những người dân sự,
“Miến Điện cũng đang đi theo lộ trình đó, và ngay ở những quốc gia như Việt Nam chẳng hạn, không ai mong một kịch bản như vậy,
“Mà người ta chỉ mường tượng một bối cảnh chuyển đổi được phối hợp từ trên cao xuống và kết hợp với hướng cải tổ từ cơ sở, từ bên dưới đi lên như là với xã hội dân sự mà thôi,” nhà nghiên cứu từ Sciences-Po Paris nói.