(TNO) Một báo cáo mới được công bố tiết lộ quân đội Mỹ đang phát triển một hệ thống vũ khí siêu tốc có thể tấn công bất kỳ mục tiêu nào trên thế giới chỉ trong vòng vài phút, chủ yếu nhằm đối phó Trung Quốc, theo trang Washington Free Beacon.
Vũ khí siêu tốc mới của Mỹ có thể tấn công các mục tiêu trên thế giới chỉ trong vòng vài phút – Ảnh minh họa: Quỹ Hòa bình Quốc tế Carnegie
Theo báo cáo của Quỹ Hòa bình Quốc tế Carnegie hôm 3.9, quân đội Mỹ đã nghiên cứu và thử nghiệm công nghệ “Tấn công chớp nhoáng bằng vũ khí quy ước trên phạm vi toàn cầu” (CPGS) hơn 10 năm qua. Đây là loại công nghệ cho phép triển khai vũ khí phi hạt nhân từ ngoài không gian nhằm vào các mục tiêu cụ thể chỉ trong vòng vài phút hoặc vài giờ.
Nhanh gấp 20 lần vận tốc âm thanh
Theo nhận định của chuyên gia James M. Acton, tác giả bản báo cáo đồng thời là thành viên cao cấp của Chương trình chính sách hạt nhân Carnegie, hệ thống vũ khí nói trên có thể đạt đến tốc độ gấp 20 lần vận tốc âm thanh, và nhiều khả năng sẽ được sử dụng chủ yếu nhằm đối phó các mối đe dọa đến từ Trung Quốc hơn là Nga hoặc các quốc gia khác.
Ngoài ra, chuyên gia Acton còn cho biết Lầu Năm Góc hiện đang nghiên cứu các lựa chọn ứng dụng công nghệ CPGS cho nhiều hệ thống vũ khí khác nhau, bao gồm cả phòng thủ vệ tinh và chống khủng bố.
“Đến thời điểm hiện nay, Lầu Năm Góc vẫn chưa đưa ra quyết định nào về cách thức ứng dụng loại công nghệ nói trên vào thực tiễn, nhưng có khả năng hai trong số các nhiệm vụ sẽ tập trung chủ yếu vào Trung Quốc”, ông nói.
Mặc dù lực lượng hạt nhân của Trung Quốc nhỏ hơn nhiều so với lực lượng hạt nhân của Nga, nhưng nước này đang rất quan tâm và nỗ lực tăng cường kho vũ khí hạt nhân của họ, với mục tiêu sử dụng rất khó lường, theo Washington Free Beacon.
Bản báo cáo của Quỹ Hòa bình Quốc tế Carnegie còn cho biết Bộ Quốc phòng Mỹ đã chính thức bổ sung công nghệ “Tấn công chớp nhoáng trên phạm vi toàn cầu” (PGS) như là một yêu cầu thiết yếu nhằm cung cấp cho quân đội Mỹ năng lực tấn công bất kỳ mục tiêu nào trên phạm vi toàn cầu bằng vũ khí quy ước trong thời gian tối đa là một giờ.
Và Quốc hội Mỹ đã chuẩn chi 174,8 triệu USD để phát triển năng lực CPGS trong năm tài khóa 2012, theo Washington Free Beacon.
Theo chuyên gia Acton, hiện có 3 công nghệ cơ bản đang được phát triển.
Đầu tiên là công nghệ tự điều khiển dẫn hướng mục tiêu. Theo đó, một tên lửa đạn đạo trang bị đầu đạn quy ước sẽ được phóng vào không gian theo một quỹ đạo đạn đạo tiêu chuẩn. Ở cuối hành trình, khi trở lại khí quyển, tên lửa sẽ được điều khiển hướng vào mục tiêu.
Thứ hai là công nghệ “tăng tốc”, hiện đang được Lầu Năm Góc rất quan tâm. Vũ khí sẽ được phóng lên thượng tầng khí quyển bằng tên lửa và sau đó tự lướt đi hàng ngàn cây số với tốc độ gấp 20 lần vận tốc âm thanh.
Còn công nghệ thứ ba là một phiên bản nhanh hơn nhiều so với một tên lửa hành trình.
Tập trung đối phó Trung Quốc
Theo nhận định của ông Acton thì quân đội Mỹ có thể khai thác 4 ứng dụng nhiệm vụ cho công nghệ CPGS, bao gồm nhiệm vụ ngăn chặn một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân và chống khủng bố.
Hai nhiệm vụ còn lại là chống năng lực tấn công vệ tinh và kiềm chế năng lực quốc phòng, chủ yếu nhằm vào Trung Quốc, vì kho vũ khí tên lửa đạn đạo của nước này hiện đang ngày càng phình to, và nguy cơ xảy ra xung đột là cao hơn so với Nga hoặc các nước khác.
Theo đó, các ứng dụng vũ khí phát triển công nghệ CPGS sẽ ngăn chặn các loại vũ khí của Trung Quốc có thể được sử dụng để bắn hạ các vệ tinh của Mỹ.
Bắc Kinh được cho là đang phát triển các loại vũ khí chống vệ tinh khác nhau, và một số báo cáo của quân đội Trung Quốc cũng đã nhấn mạnh giá trị tiềm năng của hoạt động chống vệ tinh, nhằm chống lại nước Mỹ, theo Washington Free Beacon.
Những nỗ lực nhằm ngăn chặn Mỹ tiếp cận các khu vực nhất định cũng là mối quan tâm hàng đầu của quân đội Trung Quốc. Đặc biệt là chiến lược “tái cân bằng” của Mỹ tại châu Á gần đây đã làm cho Trung Quốc cực kỳ lo ngại và làm gia tăng nguy cơ xảy ra xung đột với nước này.
Và vũ khí CPGS đã được đề xuất như là một biện pháp nhằm vô hiệu hóa các mối đe dọa nói trên, bao gồm cả hệ thống vũ khí chống vệ tinh cũng như năng lực chống tiếp cận/khu vực cấm (A2/AD) của Trung Quốc.
Theo nhận định của chuyên gia Acton thì năng lực nguy hiểm và khó lường của loại vũ khí thế hệ mới nói trên sẽ giúp quân đội Mỹ tăng cường khả năng răn đe, buộc Trung Quốc và Nga cũng như các quốc gia khác sẽ phải cực kỳ thận trọng khi đối đấu với Mỹ.
Nguyên Giang