Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Thủ tướng Ấn Ðộ Manmohan Singh tại New Delhi, ngày 23 tháng bảy năm 2013.
Ðây là chuyến thăm đầu tiên của một vị phó tổng thống Hoa Kỳ từ 3 thập niên, và được thực hiện sau chuyến thăm của Ngoại trưởng John Kerry chỉ có vài tuần.
Việc Hoa Kỳ trở lại chú trọng vào Ấn Ðộ trong mấy tháng vừa qua diễn ra chưa đầy 2 năm sau khi chính quyền Obama gọi quốc gia Nam Á này là một nước đóng vai trò cốt yếu trong chính sách trục xoáy, hay tái quân bình, hướng về vùng châu Á Thái Bình Dương.
Ông Gopalan Balachandran là một chuyên gia tham vấn làm việc cho Viện Nghiên cứu và Phân tích Quốc phòng có trụ sở ở New Delhi.
“Không phải vì các nền kinh tế Á châu đang tăng trưởng gấp trăm lần và phần còn lại của thế giới đứng yên mà ta nói, được rồi, tôi sẽ tiếp tục coi châu Á giống như tôi đã làm 10 năm trước hay thậm chí 15, 20 năm trước đây. Không thể như thế được. Ở một mức độ nào đó, việc tái quân bình là do đòi hỏi của những thay đổi trong môi trường toàn cầu, cả về chính trị lẫn kinh tế.”
Trong một cuộc phỏng vấn với tờ “Times of India” tuần này, Phó tổng thống Biden nêu ra rằng “việc kết thúc hai cuộc chiến tranh” đã giúp Hoa Kỳ “xoay qua các cơ hội phản ánh những thực tế của thế giới đang thay đổi mau chóng.”
Ông Biden nói về sự cần thiết là Ấn Ðộ, Trung Quốc và Hoa Kỳ phải hợp tác với nhau để thúc đẩy các lợi ích kinh tế và an ninh chung.
Ông C. Raja Mohan thuộc Quỹ Nghiên cứu Observer, nói cả New Delhi và Washington đều có chung một mục tiêu là không muốn thấy một châu Á bị Trung Quốc chế ngự.
“Nhưng cùng lúc đó, Ấn Ðộ sẽ không là một đồng minh truyền thống của hoa Kỳ sốt sắng muôn quân bình hay đối kháng với các nỗ lực của Trung Quốc. Tôi nghĩ mục tiêu chung của Hoa Kỳ và Ấn Ðộ là kết cấu ra sao một thế quân bình lực lượng ổn cố ở châu Á – và đứng giữa là có nhiều cơ hội để Ấn Ðộ và Hoa Kỳ hợp tác.”
Tiềm năng hợp tác này là một trọng điểm trong chuyến thăm của phó tổng thống Mỹ, vào lúc ông Biden nhắm tăng cường các quan hệ kinh tế, quốc phòng và năng lượng. Trọng điểm của các mục tiêu là thúc đẩy kim ngạch giao thương song phương hiện đang đứng ở mức 100 tỷ đôla.
Tăng cường hợp tác kinh tế không phải là không có những thách thức. Một số công ty Mỹ đã bày tỏ sự bất bình trước điều họ coi như bầu không khí đầu tư thiếu thân thiện của Ấn Ðộ. Về phần mình, Ấn Ðộ đã kêu gọi Hoa Kỳ có một chính sách di trú tạo điều kiện dễ dàng hơn cho công nhân Ấn Ðộ có kỹ năng gia nhập thị trường công ăn việc làm ở Mỹ.
Bất chấp các trở ngại đó, ông C. Raja Mohan nói bang giao Ấn-Mỹ đã tiến một bước xa trong thập niên vừa qua.
“Nếu ai đó nói rằng sự hợp tác của Hoa Kỳ và Ấn Ðộ sẽ vững mạnh và cơ động như hôm nay thì ít người có thể tin được vào thời điểm đó. Sự thực là bởi lẽ các hy vọng tăng cao đến mức, đã có sự thất vọng ở cả hai phía.”
Các nhà phân tích cho rằng trong khi các bất đồng như thế có thể không giải quyết được, chuyến thăm của ông Biden sẽ đi được một bước xa hướng tới việc củng cố tiến bộ và phục hồi tín nhiệm chính trị giữa hai quốc gia.
Lịch trình của ông Biden hôm nay gồm các cuộc hội đàm với Thủ tướng Ấn Ðộ Manmohan Singh, người dự tính sẽ thực hiện chuyến thăm Hoa Kỳ vào cuối năm nay.
Sau đó, ông Biden sẽ lên đường đi Mumbai vào ngày mai để đọc một bài phát biểu về chính sách tại Thị trường Chứng khoán Bombay và gặp các nhà lãnh đạo kinh doanh trước khi rời Ấn Ðộ đi Singapore vào ngày thứ năm.