Hầu hết các sinh viên quốc tế, bao gồm sinh viên diện visa F-1, không đủ điều kiện nhận khoản vay sinh viên của chính phủ Hoa Kỳ. Tuy nhiên vẫn có một số những lựa chọn khoản vay khác dành cho sinh viên quốc tế bậc đại học tương lai hoặc hiện tại.
Một số trường ở Mỹ có các gói hỗ trợ tài chính lớn dành cho sinh viên đại học quốc tế. Trong số 50 trường đại học và cao đẳng đã dành hầu hết hỗ trợ tài chính cho sinh viên quốc tế vào năm học 2015-2016, khoản hỗ trợ trung bình là $51,164 theo như dữ liệu của U.S. News.
Tuy nhiên không phải sinh viên quốc tế nào cũng được nhận khoản hỗ trợ lớn. Để có thể đáp ứng nhu cầu tài chính còn lại, một số trường, chẳng hạn Đại học St. Olaf ở Minnesota, cung cấp các khoản vay.
Carly Eichhorst, giám đốc hỗ trợ tài chính của trường cho biết: “Chúng tôi có một khoản tiền nhỏ, cố định cho sinh viên quốc tế vay. Chúng tôi không để họ mượn nhiều hơn.”
Sinh viên quốc tế bậc đại học của St. Olaf có thể mượn số tiền lên đến $4,000 mỗi năm trong suốt 4 năm học. Lãi suất hiện tại được cố định là 5% và kỳ hạn hoàn trả là 5 năm. Eichhorst còn cho biết trường không yêu cầu co-signer. Co-signer là người đồng ý nhận khoản nợ nếu người mượn không hoàn trả.
Vào năm học 2016-2017, St. Olaf đã cho 111 sinh viên vay tiền, hoặc khoảng một nửa số sinh viên quốc tế của mình theo Eichhorst cho biết. Số tiền trung bình là $3,185.
Nếu nhà trường không cung cấp các khoản vay, mà thường là như vậy, vẫn còn một số ít những lựa chọn khác. Một số công ty như Citizens Bank sẽ cho các sinh viên không phải công dân Mỹ vay tiền nếu họ có co-signer là công dân hoặc thường trú nhân Mỹ – một yêu cầu rất khó khăn đối với nhiều sinh viên nước ngoài.
Eichhort còn cho biết, sinh viên quốc tế có thể có anh chị em ruột hoặc anh chị em họ sống ở Mỹ, những người sẵn sàng làm co-signer cho các khoản vay sinh viên.
David Sheridan, giám đốc hỗ trợ tài chính tại trường School of International and Public Affairs, Đại học Columbia, cho biết một số trường soạn ra danh sách những chủ cho vay dành cho sinh viên quốc tế của mình. Những chủ cho vay được đề nghị trong danh sách của Columbia năm 2016-2017 dành cho sinh viên bậc đại học đều yêu cầu co-signer.
Một số ít công ty cho sinh viên quốc tế vay tiền và không yêu cầu co-signer, chẳng hạn MPOWER Financing. Công ty nằm tại quận Columbia này cung cấp khoản vay cho cả sinh viên bậc đại học và sau đại học, mặc dù hầu hết người mượn đều là sinh viên bậc sau đại học.
Many Smadja, CEO và nhà đồng sáng lập cho biết, không giống như nhiều chủ cho vay khác, MPOWER còn xem xét đến tiềm năng thu nhập của sinh viên, trái ngược với lịch sử tín dụng, khi xác định có nên cho sinh viên đó vay tiền hay không.
Smadja nói rằng: “Chúng tôi nhìn vào rất nhiều những biến số, từ ngôi trường sinh viên đó theo học, điểm thi SAT, GRE, GMAT hoặc LSAT của họ, để cung cấp những khoản vay dựa trên thành tích (merit-based loan).”
Nhưng cũng có những hạn chế. Chỉ có sinh viên bậc đại học mà thời gian còn lại để hoàn thành chương trình lấy bằng là 2 năm hoặc ít hơn thì mới có thể mượn tiền từ MPOWER. Ngoài ra, sinh viên phải học ở một trong 223 trường mà công ty có cộng tác kể từ tháng 6/2017.
Lãi suất khoản vay của MPOWER là cố định và dao động từ 7.99-13.99%. Tỷ lệ này cao hơn so với khoản vay của sinh viên trong nước, hiện tại đang nằm ở mức 4.45-7%.
Kỳ hạn hoàn trả cho MPOWER là 10 năm, mặc dù cũng có thể lựa chọn trả trong 3 năm.
Tuy nhiên, các chuyên gia hỗ trợ tài chính cho biết trước khi tìm kiếm các khoản vay, sinh viên quốc tế nên xem xét tất cả những học bổng và tài trợ có thể – kể cả trong nước và ở Mỹ – vì những loại học bổng này không yêu cầu hoàn trả như những khoản vay. Có thể bắt đầu tìm kiếm từ trang web EducationUSA, ở đó có nguồn dữ liệu về các cơ hội nhận hỗ trợ tài chính từ các trường học và tư nhân.
Đối với những sinh viên quốc tế đang xem xét về những khoản vay, đây là một số lời khuyên dành cho các bạn.
• Hãy bắt đầu tìm hiểu từ sớm: Sheridan nói rằng sinh viên nên bắt đầu xem xét những lựa chọn khoản vay ngay cả trước khi được chấp thuận vào một trường đại học hay cao đẳng Mỹ, “chỉ là để họ biết được những lựa chọn thực tế dành cho mình là gì.”
• Hỏi thật nhiều: Smadja đề nghị sinh viên nên lưu ý những điều như lãi suất của chủ cho vay là cố định hay thay đổi; kỳ hạn hoàn trả là bao lâu; liệu có bị phạt nếu thanh toán trước hay hoàn trả sớm hay không; và chuyện gì sẽ xảy ra nếu sinh viên gặp rắc rối với việc thanh toán trong một tháng.
• Đừng chờ quá lâu sau khi được chấp thuận nhập học rồi mới đăng ký khoản vay: Sheridan cho biết việc đảm bảo được nhận khoản vay sớm sẽ giúp sinh viên hoàn thành I-20 đúng hạn. Sinh viên nhận được mẫu đơn I-20, mẫu đơn cần thiết để xin visa, từ trường của họ sau khi chứng minh mình có thể chi trả cho việc học ở Mỹ.
Khi nói về các khoản vay cho sinh viên quốc tế, Sheridan bày tỏ: “Có nhiều thách thức, nhưng cũng có nhiều khả năng.”

Nguồn: tuvanduhocuytin.com

Posted by vietditru_saigon

: