Hai nhân viên Liên Hiệp Quốc đã thiệt mạng dưới tay phiến quân

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon vừa thúc giục Hội đồng Bảo an bổ sung thêm 5.500 quân vào lực lượng 7.000 quân đang có mặt tại Nam Sudan, trong lúc giao tranh ngày càng ác liệt tại đây.

Lời kêu gọi của ông Ban được đưa ra trong lúc có thêm chi tiết về các vụ thảm sát sắc tộc tại quốc gia này trong suốt hơn một tuần bạo lực.

Ông Ban cảnh báo rằng bất kỳ ai gây ra những vụ thảm sát này sẽ phải chịu trách nhiệm.

Hàng chục nghìn người đã phải chạy trốn chiến sự trong khi phiến quân ủng hộ phó tổng thống mất chức Riek Machar đã chiếm được nhiều thị trấn trọng yếu.

Thảm sát

Một nhà báo tại thủ đô Juba, bà Hannah McNeish, nói được các nhân chứng kể về một vụ thảm sát mà hơn 200 người, chủ yếu thuộc sắc tộc Nuer, bị lùa vào một đồn cảnh sát và bị lực lượng an ninh bắn chết.

Một người khác trả lời tại trụ sở của Liên Hiệp Quốc ở Juba rằng các tay súng thuộc sắc tộc Dinka đã nã súng vào những người không nói tiếng Dinka ở các quận của người Nuer.

Những cáo buộc này không thể kiểm chứng độc lập.

Điều phối viên nhân đạo của Liên Hiệp Quốc, ông Toby Lanzer, người đã có mặt ở Bor, phía Bắc Juba, hồi cuối tuần qua, nói với BBC ông đã chứng kiến “những điều khủng khiếp nhất mà chúng ta có thể tưởng tượng”.

Tất cả những kẻ ra lệnh (thảm sát) ở cấp cao sẽ phải chịu trách nhiệm cá nhân và phải lãnh hậu quả, ngay cả khi họ nói họ không biết gì về những vụ tấn công.

Tổng thư ký LIên Hiệp Quốc Ban Ki-moon

Ông nói nhiều người bị “xếp thành hàng và sau đó bị hành quyết tập thể”.

Xung đột bắt đầu hồi tuần trước khi Tổng thống Salva Kiir, thuộc sắc tộc Dinka chiếm đa số, cáo buộc ông Marchar, thuộc sắc tộc Nuer thiểu số, có âm mưu đảo chính.

Ông Machar, người bị cách chức phó tổng thống hồi tháng Bảy, đã bác bỏ cáo buộc này.

Hiện có lo sợ rằng mâu thuẫn cá nhân giữa hai ông sẽ dẫn đến xung đột toàn diện giữa hai nhóm sắc tộc Nuer và Dinka.

Trong một lá thư gửi Hội đồng Bảo an vào thứ Ba ngày 24/12, ông Ban đã kêu gọi các nước thành viên tăng cường lực lượng khẩn cấp để bảo vệ thường dân và nhân viên của Liên Hiệp Quốc tại Nam Sudan.

Ngoài ra, ông cũng yêu cầu bổ sung thêm hàng trăm cảnh sát, ba trực thăng chiến đấu, ba trực thăng và một máy bay vận chuyển.

Trước đó, ông nói sẽ “điều tra những thông tin về vi phạm nhân quyền nghiêm trọng và tội ác chống lại nhân loại.”

“Tất cả những kẻ ra lệnh ở cấp cao sẽ phải chịu trách nhiệm cá nhân và phải lãnh hậu quả, ngay cả khi họ nói họ không biết gì về những vụ tấn công,” ông Ban nói.

Sẽ đàm phán?

Ông Ban Ki-moon nói “thế giới đang theo dõi sát sao tình hình tại Nam Sudan”

Hai nhân viên gìn giữ hòa bình Ấn Độ đã thiệt mạng trong một vụ tấn công của phiến quân vào trụ sở của Liên Hiệp Quốc.

Giao tranh bùng nổ ở thủ đô Juba vào tuần trước sau khi Tổng thống Kiir nói ông đã dẹp tan một âm mưu đảo chính.

Kể từ đó, bạo lực đã lan ra khắp đất nước và phiến quân giờ đây đã làm chủ các thị trấn quan trọng như Bor và Bentiu.

Tổng thống Kiir nói với Quốc hội trước đó rằng ông sẵn sàng đàm phán với ông Machar và rằng một phái đoàn ngoại trưởng các nước Đông Phi đã ngỏ ý làm trung gian.

Tuy nhiên ông cũng yêu cầu ông Machar ngồi vào bàn đàm phán mà không đặt điều kiện.

Ông Machar nói với hãng thông tấn Anh Reuters rằng ông chỉ đàm phán khi các đồng minh chính trị của ông được trả tự do.

Hồi cuối tuần rồi, Hoa Kỳ đã triển khai thêm quân để giúp sơ tán công dân Mỹ và của một số nước khác.

Tại Bor, ba máy bay quân sự của Mỹ đã bị bắn hôm thứ Bảy, 21/12, khiến công việc sơ tán bị ngưng trệ. Hôm Chủ Nhật, quân đội Mỹ quay trở lại trên trên trực thăng dân sự của họ và của Liên Hiệp Quốc.

Sudan đã phải trải qua cuộc nội chiến kéo dài 22 năm khiến hơn một triệu người thiệt mạng cho đến khi miền Nam giành được độc lập vào năm 2011.

binhthanh

binhthanh

Posted by binhthanh

: