1

Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Úc đã bước vào ngày thứ hai và cũng là ngày họp cuối với trọng tâm là tăng trưởng kinh tế.

Các nhà lãnh đạo thế giới sắp tuyên bố cam kết sẽ thúc đẩy nền kinh tế của họ tăng thêm 2% cho đến năm 2018 – nhiều hơn kỳ vọng.

Ngày hội nghị đầu tiên đã bị phủ bóng đen bởi sự tức giận của các nhà lãnh đạo phương Tây với Tổng thống Nga Vladimir Putin do sự can thiệp của nước này vào Ukraine.

‘Putin không về sớm’

Hôm thứ Bảy ngày 15/11, Thủ tướng Canada Stephen Harper, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Anh David Cameron đều chỉ trích Nga gay gắt.

Đã có tin rằng trước làn sóng chỉ trích, ông Putin sẽ rời Úc sớm. Tuy nhiên, ông Dmitry Peskov, phát ngôn nhân của ông Putin, nói rằng ông chỉ rời đi khi nào ‘tất cả mọi việc đều xong’.

Điện Kremlin bác bỏ cáo buộc rằng họ gửi quân lính và khí tài cho phiến quân thân Nga ở miền đông Ukraine.

Mỹ và Liên minh châu Âu đã thực hiện một số lệnh cấm vận nhằm vào Nga kể từ khi nước này sáp nhập bán đảo tự trị Crimea của Ukraine hồi tháng Ba.

Trong một cuộc phỏng vấn hôm 15/11 với kênh truyền hình ARD TV của Đức, ông Putin kêu gọi chấm dứt cấm vận.

“Những gì đang xảy ra với cái gọi là lệnh cấm vận trước hết là gây tổn hại kinh tế thế giới và gây hại cho chúng tôi… và đi ngược lại với những gì mà chúng ta cố đạt được tại hội nghị thượng đỉnh G20,” ông nói.

Các bộ trưởng tài chính các nước G20 đã soạn thảo một kế hoạch hồi tháng Hai để thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu thêm 2% trong năm năm.

‘Mục tiêu tham vọng’

Phóng viên BBC James Landale ở Brisbane nói rằng đây là ‘một mục tiêu hơi tham vọng’ đối với nhiều nước G20 vẫn còn đang vật lộn với suy thoái hay tăng trưởng chậm chạp.

Làm cách nào để đạt được mục tiêu này sẽ được thông báo trong ngày 16/11 trong ‘Kế hoạch Hành động Brisbane’.

“Chúng ta không thể ngừng nghỉ. Thế giới cần tăng trưởng,” ông Joe Hockyem, Bộ trưởng Tài chính Úc, nói.

Ông Putin đã gặp khó khăn khi đối diện với các lãnh đạo thế giới

Trong khi đó, hôm 15/11, Tổng thống Mỹ Barack Obama cảnh báo rằng an ninh châu Á không thể dựa trên sự bắt nạt của nước lớn đối với nước nhỏ mà phải dựa vào liên minh với nhau.

Ông không trực tiếp đề cập Trung Quốc nhưng cảnh báo về những nguy hiểm của việc tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, nơi các hành động của Trung Quốc đang gây quan ngại cho những nước láng giềng của họ.

Ông Obama cũng nói là ‘không có nghi ngờ gì’ về cam kết của ông đối với các đồng minh của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương. Ý ông muốn nói đến việc Mỹ muốn tăng cường quan hệ chiến lược với khu vực này.

Trong một diễn biến khác, các nhà lãnh đạo G20 đã ra thông cáo trong đó họ cam kết làm tất cả mọi thứ có thể để ‘dập tắt’ dịch Ebola ở Tây Phi.

Thông cáo nói rằng các nước G20 cam kết làm những gì cần thiết ‘để đảm bảo rằng nỗ lực quốc tế có thể dập tắt dịch và giải quyết thiệt hại về nhân mạng cũng như thiệt hại kinh tế trong trung hạn’.

binhthanh

binhthanh

Posted by binhthanh

: