Nhân viên một ngân hàng ở Hà Nội đếm đô la. Lượng kiều hối đổ về Việt Nam khoảng 11 tỉ USD năm 2013, nằm trong số 10 nước nhận kiều hối nhiều nhất thế giới. (Hình: Hoàng Đình Nam/AFP/Getty Images) |
Ủy Ban người Việt ở nước ngoài của Bộ Ngoại Giao CSVN cho hay “kiều hối năm 2013 đạt con số ấn tượng $11 tỉ”, theo sự tường thuật của tờ Dân Việt. Nhờ số tiền khổng lồ này, chế độ Hà Nội mới có tiền trả nợ nước ngoài và nhập cảng các loại hàng hóa.
Ngân sách CSVN năm 2013 là $46.5 tỉ gồm cả ước tính bội chi 4.8%. Vì thất thu thuế trầm trọng (giảm xuất cảng, sản xuất công nghệ nội địa đình đốn), nhà cầm quyền phải nâng mức bội chi lên thành 5.3% để đối phó thâm thủng. Số tiền kiều hối $11 tỉ tương đương với 23.65% ngân sách nuôi sống chế độ độc tài đảng trị.
Những năm gần đây, dù kinh tế toàn cầu suy thoái, lượng kiều hối gửi về Việt Nam vẫn gia tăng đều đều mỗi năm khoảng $1 tỉ. Kiều hối năm 2012 khoảng hơn $10 tỉ, năm 2011 khoảng hơn $9 tỉ.
Hồi Tháng Mười, 2013, một bản phúc trình về Di Trú và Phát Triển của Ngân Hàng Thế Giới (WB), phân tích nói rằng các số tiền do kiều dân các nước gửi về quê hương đóng góp phần quan trọng cho nền kinh tế của các nước. Như Việt Nam, nếu không có nó, khó tránh khỏi một cuộc khủng hoảng ngân sách và kinh tế nghiêm trọng.
Trong số những nước tiếp nhận nhiều nhất trên thế giới năm 2013, theo WB, kiều hối đổ về Ấn Độ nhiều nhất với $71 tỉ, kế đến là Trung Quốc với khoảng $60 tỉ. Thứ ba là Philippines với $26 tỉ, và Việt Nam xếp hạng tư với $11 tỉ.
Trong số khoảng 4.5 triệu người Việt Nam ở hơn 100 quốc gia và lãnh thổ khắp trên thế giới mà 80% tập trung tại các nước có nền kinh tế kỹ nghệ hóa. Hiện cũng có khoảng 500,000 người Việt Nam được nhà cầm quyền gửi “xuất khẩu lao động” tới một số nước ở Á Châu và Trung Đông. Họ là những người phải đóng tiền hụi chết cho nhà cầm quyền và đồng thời còn phải hối lộ mới có một “suất” đi lao động ở nước ngoài.
Họ thường là nạn nhân của những vụ lường gạt. Hợp đồng ký trước khi đi nói lương rất cao nhưng khi tới nơi thì bị chủ trả rất thấp. Hộ chiếu bị thu giữ và trở thành những kẻ nô lệ. Có cầu cứu với các tòa đại sứ CSVN thì đều bị làm ngơ. Từng xảy ra những cuộc đấu tranh đổ máu của người lao động bi lường gạt ở nước ngoài, đặc biệt là Malaysia.