Lính Cambodia canh gác đền Preah Vihear

Tòa án cao nhất của Liên Hiệp Quốc nói Cambodia có chủ quyền với vùng đất quanh đền Preah Vihear ở biên giới với Thái Lan.

Tòa Công lý Quốc tế ở Hague nói Thái Lan phải cho rút ngay quân lính ở khu vực này.

Tranh chấp kéo dài khiến xảy ra đụng độ giữa hai quốc gia, do cùng tuyên bố chủ quyền đối với vùng đất.

Một phán quyết của tòa năm 1962 đã tuyên bố ngôi đền thuộc phía Cambodia, nhưng không nói rõ về khu vực xung quanh đó.

Hai năm trước, Cambodia tìm tới tòa để làm rõ sự việc, sau khi xảy ra đụng độ quân sự.

Đọc lời phán quyết, ông Peter Tomka, Chánh án tòa Công lý Quốc tế, nói tòa đã quyết định “Cambodia có chủ quyền đối với toàn bộ lãnh thổ vùng mũi đất của Preah Vihear”.

“Theo đó, Thái Lan buộc phải rút toàn bộ lực lượng quân sự cũng như cảnh sát hay đội gác, đội canh giữ đã đặt trạm ở đó,” ông nói.

Lo sợ bạo lực

Quân đội Cambodia trên đường vào đền Preah Vihear gần biên giới Thái Lan hồi tháng 02/2011

Cả hai phía cùng đồng ý rút quân khỏi khu vực tranh chấp từ tháng 12/2011.

Hôm thứ Bảy, lãnh đạo lực lượng quân đội Cambodia phụ trách vùng biên giới với Thái Lan yêu cầu có cuộc họp khẩn sau khi một máy bay Thái bay thấp ở vùng tranh chấp gần ngôi đền.

Tuy nhiên, chỉ huy trưởng khu vực của Cambodia, tướng Srey Deuk nói với BBC rằng ông mong không xảy ra vấn đề gì với quân đội Thái Lan sau phán quyết hôm thứ Hai.

Ông nói không có tăng cường lực lượng ở khu đền.

Nhưng lo sợ vẫn còn đó, trước khả năng xảy ra bạo lực ở các làng vùng biên giới, có thể bị các nhóm dân tộc chủ nghĩa khuấy động.

Một trong số đó có Tổ chức Mạng lưới Yêu nước Thái, tuyên bố phủ nhận mọi phán quyết từ tòa Tối cao, theo tờ The Nation đưa tin.

Nhóm này từng làm đơn kiến nghị tới tòa để bãi bỏ vụ xử.

Vấn đề lãnh thổ vốn vẫn gây bất hòa từ hơn một thế kỷ nay.

Quyết định trao ngôi đền vào tay Cambodia từ năm 1962 khiến Thái Lan không bằng lòng, nhưng vấn đề này từ nhiều năm được để yên do cuộc nội chiến Cambodia chỉ mới kết thúc vào những năm 90.

Chuyện mới được khơi lại khi Cambodia đăng ký Di sản Thế giới của Unesco cho khu vực năm 2008, và đã thắng – khiến các nhóm dân tộc chủ nghĩa của Thái giận dữ. Cả hai sau đó cùng cho quân tới khu vực.

Quyết định của tòa Công lý dựa trên cách hiểu phán quyết năm 1962 và không thể kháng án.

Preah Vihear là ngôi đền Hindu cổ thờ thần Shiva xây từ thời đế quốc Khmer, được đặt trên đỉnh núi Dângrêk.

John Burgess, tác giả một cuốn sách về lịch sử Campuchia từ Hoa Kỳ trả lời cho truyền hình BBC News trưa nay 11/11/2013 giờ London rằng “đây rõ ràng là một chiến thắng cho Campuchia”.

Nhưng theo ông, Thái Lan cũng sẽ không dễ dàng chấp nhận phán quyết này về ngôi đền Preah Vihear, vì họ cũng nói họ có “600 năm nắm quyền kiểm soát vùng quanh ngôi đền này”.

Nhắc lại lịch sử, ông Burgess, một chuyên gia châu Á và tác giả cuốn “Stories in Stone” về các triều đại Campuchia nói nước này từng là một cường quốc khu vực, kiểm soát một phần lãnh thổ mà ngày nay thuộc về Thái Lan, Lào và Việt Nam.

Tranh chấp lãnh thổ quanh đền có vấn đề nằm trong lịch sử khu vực, theo nhà nghiên cứu từ Hoa Kỳ.

binhthanh

binhthanh

Posted by binhthanh

: