Luật Di trú Mỹ là loại luật khá phức tạp. Như đã trình bày vào kỳ trước, rất nhiều đương sự không lưu lại những dữ kiện chứng từ đã nộp cho Tòa Lãnh Sự Hoa Kỳ lúc phỏng vấn và tôi có nêu ra 2 lý do quan trọng tại sao đương sự phải giữ lại những bản sao. Sau đây tôi sẽ đưa ra vài điển hình để quí bạn đọc có thể thấu hiểu những lý do tôi đã trình bày vào kỳ trước.

Ðiển hình là Tòa Lãnh Sự Hoa Kỳ trả hồ sơ về cho Sở Di Trú Hoa Kỳ để từ chối và lý do Tòa Lãnh Sự Hoa Kỳ nêu ra là trong hồ sơ nộp vào cho Tòa Lãnh Sự Hoa Kỳ có một tờ giấy do người em viết để hướng dẫn cho người chị nộp những chứng từ thí dụ như hình ảnh, thư từ, v.v… cho Tòa Lãnh Sự Hoa Kỳ để chứng minh sự liên hệ vợ chồng. Tòa Lãnh Sự Hoa Kỳ cho rằng tờ giấy đó chứng tỏ rằng người em hướng dẫn người chị để qua mặt Tòa Lãnh Sự Hoa Kỳ và những chứng từ đó là cố ý tạo ra để chứng minh sự liên hệ của đương sự. Khi nhận được thơ từ chối của Tòa Lãnh Sự Hoa Kỳ, người bảo lãnh đã liên lạc với tổ hợp luật sư của chúng tôi để đại diện cho họ. Khi chúng tôi nhận được Notice of Intent to Revoke (tạm dịch là thông báo ý định thu hồi sự chấp thuận) của Sở Di Trú Hoa Kỳ, văn phòng chúng tôi trả lời thông báo của Sở Di Trú Hoa Kỳvà yêu cầu Sở Di Trú Hoa Kỳ đưa chứng minh của tờ giấy đó ra. Thêm vào đó, chúng tôi kèm theo những chứng từ chứng minh sự liên hệ vợ chồng của người bảo lãnh và người thừa hưởng. Sở Di Trú không những không đưa chứng minh đó ra được mà còn không nghe sự giải thích của chúng tôi rồi lại thu hồi sự chấp thuận của đơn bảo lãnh đó lại. Chúng tôi kháng cáo hồ sơ lên Tòa Kháng Cáo Di Trú và tòa đã phán rằng hồ sơ sẽ được trả về cho Sở Di Trú và Sở Di Trú phải tái chấp thuận vì Sở Di Trú không đưa ra chứng minh của tờ giấy đó và những chứng từ chúng tôi nộp vào để trả lời thông báo của Sở Di Trú có đầy đủ chứng minh sự liên hệ vợ chồng của đương sự.
Một điển hình khác là Tòa Lãnh Sự Hoa Kỳ trả hồ sơ về cho Sở Di Trú để từ chối và lý do là người thừa hưởng làm ly dị giả. Tòa Lãnh Sự Hoa Kỳ vẫn quyết định trả hồ sơ về cho Sở Di Trú dù rằng là người chồng cũ của người thừa hưởng đã có vợ khác và đã có con với người vợ đó và người thừa hưởng đã cung cấp những chứng từ đó cho Tòa Lãnh Sự Hoa Kỳ. Khi hồ sơ được trả về cho Sở Di Trú, trên thông báo của Sở Di Trú cho rằng người thừa hưởng đã ly dị giả vì lý do đó hồ sơ bảo lãnh diện vợ chồng không hợp pháp. Nhưng tôi chưa nêu một chi tiết quan trọng, người bảo lãnh trong hồ sơ đó là người cha có quốc tịch Hoa Kỳ bảo lãnh cho người con độc thân chứ không phải hồ sơ bảo lãnh theo diện vợ chồng. Tuy rằng chúng tôi nêu sự sai lầm đó cho Sở Di Trú nhưng họ không chú tâm vào sự sai lầm đó và vẫn thu hồi sự chấp thuận. Chúng tôi kháng cáo lên Tòa Kháng Cáo Di Trú và tòa đã phán rằng hồ sơ được trả về cho Sở Di Trú và yêu cầu Sở Di Trú tái xét hồ sơ vì hồ sơ là hồ sơ bảo lãnh diện con độc thân của công dân Hoa Kỳ chứ không phải là hồ sơ bảo lãnh theo diện vợ chồng. Lần này Sở Di Trú lại nêu một lý do khác không dính líu gì đến hồ sơ. Và một lần nữa chúng tôi lại phải trả lời và nêu ra những sai lầm của Sở Di Trú với những lý do hoàn toàn khác biệt với lần đầu và kèm theo tất cả chứng từ chứng minh rằng người chồng cũ đã có vợ khác và đã có con với người vợ đó. Lần này thì Sở Di Trú Mỹ chịu thua và tái chấp thuận hồ sơ và gửi lại cho tòa Lãnh Sự Hoa Kỳ để cấp chiếu khán.
Trong hai điển hình trên, chúng tôi đều phải nộp những chứng từ mà đương sự đã có những bản sao sau khi đã nộp vào cho tòa Lãnh Sự Hoa Kỳ. Nhưng vì Sở Di Trú không có những chứng từ đó và chúng tôi muốn Sở Di Trú có đầy đủ những chứng từ đó trước khi họ quyết định từ chối hay tái chấp thuận hồ sơ bảo lãnh. Dù Sơ Di Trú có từ chối hồ sơ bảo lãnh, chúng tôi cũng đã nộp những chứng từ đó vào và những chứng từ đó sẽ được chuyển qua cho Tòa Kháng Cáo Di Trú khi chúng tôi kháng cáo.
Nam.Nguyen

Nam Nguyễn

Nam.Nguyen

Posted by Nam.Nguyen

: