Một sử gia đồng thời là cựu binh hải quân Mỹ tiết lộ lực lượng này từng có kế hoạch xâm chiếm Canada vào mùa hè năm 1887.

canada-my-d_SFALLính biên phòng Canada và Mỹ vào thời điểm năm 1887 – Ảnh: War On The Rocks

Trong bài viết đăng trên trang War On The Rocks mới đây, ông Scott Mobley, người từng phục vụ 13 năm cho hải quân Mỹ, viết rằng tiết lộ trên có thể gây ngạc nhiên cho nhiều người quen với lịch sử hữu hảo lâu dài giữa Mỹ và nước láng giềng phương bắc.
Thậm chí trong năm 1887, Mỹ và đế chế Anh (vốn bao gồm Canada) nhìn chung vẫn “dễ chịu” với nhau. Tuy nhiên, theo sử gia Mobley, một đại úy hải quân Mỹ tên Charles C.Rogers đã hình dung về một chiến dịch phối hợp lục quân và hải quân nhằm chiếm khu vực trung tâm chiến lược của Canada.
Kế hoạch 3 mũi
Một cuộc tranh cãi giữa Mỹ với Anh về quyền đánh bắt tại vùng biển Canada chính là tác nhân thúc đẩy quyết tâm hoạch định chiến lược của hải quân Mỹ hồi năm 1887. Vào mùa hè năm đó, các điệp viên của Văn phòng Tình báo hải quân (ONI) mới được thành lập đã đi lên phía bắc để đánh giá hệ thống phòng thủ của Canada. Sứ mệnh của ONI trùng hợp với một cuộc do thám khác do đại úy Rogers thực hiện.
Theo lệnh của chỉ huy Hải đoàn Bắc Đại Tây Dương, Chuẩn đô đốc Stephen B.Luce, ông Rogers đã tiếp cận nhiều địa điểm chiến lược ở miền đông Canada. Sau khi hoàn thành cuộc khảo sát, đại úy Rogers đã soạn các báo cáo mật tại trụ sở ONI ở Washington D.C. Một trong các văn bản có tựa đề “Báo cáo tình báo về nguồn lực chiến tranh tổng quát của nước Canada tự trị”, bao gồm một “Kế hoạch tác chiến” dài 11 trang nhằm chinh phục vùng đất láng giềng.
Trong kế hoạch của mình, ông Rogers đề xuất một chiến lược “chia để trị”. Theo đó, Mỹ chia cắt Canada bằng cách giành quyền kiểm soát khu tam giác chiến lược Montreal, Ottawa và Kingston. Ông hình dung một chiến dịch gồm 3 mũi giáp công, trong đó một đạo quân của Mỹ tiến lên phía bắc dọc theo trục sông Hudson – hồ Champlain – sông Richelieu, một đạo quân khác chiếm thành phố Halifax và phong tỏa lưu vực sông St.Lawrence, và đạo quân thứ ba nhắm mục tiêu Toronto bằng cách di chuyển dọc sông Niagara.
Lưu ý đến ưu thế đáng kể của hải quân Anh, ông Rogers kêu gọi triển khai phần lớn đội tàu của Mỹ tại các vùng duyên hải nhằm đối phó các vụ xâm nhập bằng đường biển. Ông cũng kêu gọi các tàu chiến Mỹ hỗ trợ bằng cách chiếm quyền kiểm soát cục bộ khu vực Ngũ đại hồ và sông Lawrence.
So với những chiến dịch quy mô và chi tiết hơn của các thế hệ về sau, kế hoạch xâm chiếm Canada của ông Rogers có vẻ “khiêm tốn”. Tuy nhiên, nó tượng trưng cho bước đi quan trọng đầu tiên của một lực lượng hải quân chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc hoạch định các chiến dịch khẩn cấp trong thời bình.
Theo chuyên gia Mobley, kể từ thập niên 1790, các nhà chuyên môn hải quân chú trọng kỹ năng hàng hải hơn mọi năng lực khác. Với niềm tin rằng quy mô, tài lực và khoảng cách so với các kẻ thù nước ngoài tiềm tàng sẽ cho phép Mỹ có đủ thời gian huy động đội tàu và đề ra kế hoạch sử dụng chúng khi nguy hiểm chực chờ, hải quân Mỹ trong giai đoạn đầu hầu như không làm gì để tăng cường kiến thức và kỹ năng chiến lược khi nước Mỹ đang trong thời bình.
Thức tỉnh chiến lược
Chính xu hướng như vậy đã khiến Mỹ đi đến giai đoạn thức tỉnh về chiến lược. Được nuôi dưỡng bởi Viện Nghiên cứu hải quân và các diễn đàn thảo luận về chuyên môn, quá trình thức tỉnh đã đánh dấu một sự chia tay với di sản “hờ hững với chiến lược” trước đó.
Những lời kêu gọi thành lập các định chế chiến lược mới đã dẫn đến sự ra đời của cả ONI (năm 1882) lẫn Đại học Chiến tranh hải quân (năm 1884). Ngoài ra, còn phải kể đến một diễn biến quan trọng khác vốn cũng góp phần tạo đà cho các nỗ lực hoạch định chiến lược ban đầu của hải quân Mỹ. Đó là việc chính quyền của Tổng thống Grover Cleveland chủ trương dịch chuyển các ưu tiên của sứ mệnh hải quân không lâu sau khi lên cầm quyền.
Trong 5 thập niên trước đó, nhiệm vụ chính của hải quân Mỹ chỉ là bảo vệ các quyền lợi của đội thuyền buôn. Chính sách thiên về thương mại thay cho những yêu cầu cấp bách về an ninh quốc gia này đã định hình sứ mệnh cơ bản, cơ cấu lực lượng và mô hình triển khai của hải quân Mỹ.
Chỉ khi phải đương đầu với một cường quốc hàng hải thực sự, Mỹ mới huy động và huấn luyện một “lực lượng hải quân khẩn cấp”, về cơ bản là một đội tàu chiến tạm thời. “Truyền thống” này đã thay đổi vào đầu năm 1886, khi Bộ trưởng Hải quân William C.Whitney đề xuất thành lập một “hải quân bền vững” nhằm đối phó chiến hạm của các cường quốc hàng hải tầm cỡ toàn cầu. Cũng chính ông Whitney đã xác lập vai trò hoạch định chiến lược cho ONI.
Cuối cùng, chiến tranh đã không xảy ra vào năm 1887, do Tổng thống Cleveland chọn biện pháp ngoại giao để giải quyết cuộc tranh cãi. Một hiệp ước ngư nghiệp được ký kết hồi năm 1889 cuối cùng đã xoa dịu căng thẳng giữa Mỹ và Canada.
Tuy nhiên, kế hoạch của ông Rogers đã đi qua nhiều khâu rà soát khác nhau tại đại bản doanh hải quân Mỹ, thậm chí đã được đặt lên bàn của Đô đốc hải quân David D.Porter. Bản thân ông Rogers cũng đã sử dụng các tài liệu từ kế hoạch này để đưa vào những bài thuyết giảng tại Đại học Chiến tranh hải quân từ năm 1888 – 1889.
Những thành phần trong bản kế hoạch gốc của vị đại úy cũng đã xuất hiện trở lại trong những kế hoạch khẩn cấp do Hiệu trưởng Đại học Chiến tranh Hải quân Alfred Thayer Mahan và nhiều người khác soạn thảo trong thập niên tiếp theo. Vì thế, dù kế hoạch của ông Rogers chưa bao giờ được hiện thực hóa, nó đã đánh dấu một bước ngoặt trong lịch sử hải quân Mỹ với những đặc điểm tiếp tục ảnh hưởng đến lực lượng này ngày nay.
Kế hoạch của Canada
Vào năm 1921, một trung tá Canada tên Buster Brown đã soạn thảo một văn bản có tên gọi “Kế hoạch phòng thủ số 1”. Gọi là phòng thủ, nhưng thực ra đó là một “kế hoạch xâm lược toàn diện” nhằm vào Mỹ do những bất đồng xung quanh việc thanh toán khoản nợ gần 22 tỉ USD của Anh, mẫu quốc của Canada, với Mỹ. Theo MPR News, thông tin này do tác giả Kevin Lippert đưa ra trong cuốn sách có tựa đề War Plan Red (Kế hoạch chiến tranh đỏ) phát hành hồi giữa năm nay.
Theo đó, đích thân ông Brown đã đi do thám dọc biên giới Canada với bang New England. Ông chụp ảnh cầu, đường và những địa điểm quan trọng ở khu vực đông bắc Mỹ, cũng như tìm hiểu lòng trung thành với đất nước của người dân địa phương. Khi trở về, ông Brown đã thảo ra kế hoạch gồm 5 mũi nhằm tấn công các thành phố Seattle, Portland, Minneapolis và Detroit, đồng thời thu hồi bang Maine của nước láng giềng.
Đáp lại, Mỹ cũng vạch ra Kế hoạch chiến tranh đỏ vào năm 1930 nhằm mục tiêu đẩy bật người Anh ra khỏi Canada để hình thành Hiệp chủng quốc Bắc Mỹ. Theo ông Lippert, các kế hoạch mật nêu trên đã được giữ kín đến thập niên 1970.
Trùng Quang
khahan

Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng!

khahan

Posted by khahan

:

Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng!