Tổng thống Iran Hassan Rouhani nói ông sẵn sàng tham gia vào các cuộc đàm phán ‘có thời hạn cụ thể và có hướng đến kết quả’ về chương trình hạt nhân của nước ông.
Phát biểu trước cuộc họp thường niên của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc tại New York, ông Rouhani nói rằng các lệnh trừng phạt nhằm vào Iran là ‘tàn bạo’.
Ông cũng hoan nghênh việc Syria chấp nhận Công ước quốc tế về vũ khí hóa học và lên án sử dụng thứ vũ khí này.
‘Iran không đe dọa ai’
Trước đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama nói ông cảm thấy khích lệ trước lập trường ‘ôn hòa hơn’ của Tổng thống Rouhani.
Obama nói trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc rằng phương cách ngoại giao để giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân Iran cần phải được thử thách.
Tổng thống Rouhani, người được bầu lên hồi đầu năm, đã cam kết sẽ tiếp cận các vấn đề quốc tế một cách cởi mở hơn.
Iran đang chịu sự trừng phạt của Liên Hiệp Quốc và các nước phương Tây do chương trình hạt nhân gây tranh cãi của họ.
Tehran nói rằng họ làm giàu uranium vì mục đích hòa bình nhưng Mỹ và các đồng minh nghi ngờ nước này đang tìm cách sở hữu vũ khí hạt nhân.
“Vũ khí hạt nhân và vũ khí giết người hàng loạt không có chỗ trong học thuyết an ninh và quốc phòng của Iran và cũng đi ngược lại các niềm tin tôn giáo và đạo đức cơ bản của chúng tôi.“
Tổng thống Iran Hassan Rouhani
Rouhani nói rằng ‘cái gọi là mối đe dọa của Iran’ là điều tưởng tượng.
“Iran tuyệt nhiên không phải là mối đe dọa của thế giới và khu vực,” ông nói.
“Vũ khí hạt nhân và vũ khí giết người hàng loạt không có chỗ trong học thuyết an ninh và quốc phòng của Iran và cũng đi ngược lại các niềm tin tôn giáo và đạo đức cơ bản của chúng tôi.”
“Vì lợi ích quốc gia, chúng tôi phải giải tỏa bất kỳ những quan ngại về chương trình hạt nhân hòa bình của Iran,” ông nói thêm.
Để làm điều này, ông nói Tehran chuẩn bị tham gia ‘ngay lập tức vào các cuộc đàm phán có thời hạn cụ thể và có hướng đến kết quả để xây dựng lòng tin lẫn nhau và loại bỏ những nghi ngại với sự minh bạch hoàn toàn’.
Ông lên án việc cộng đồng quốc tế trừng phạt Iran và so sánh điều này với các biện pháp trừng phạt Iraq dưới thời Saddam Hussein.
“Nói đơn giản, các lệnh trừng phạt này là tàn bạo,” ông nói và cho biết nó tác động không phải đến giới lãnh đạo chính trị mà là ‘người dân thường’.
Tuy nhiên, bài phát biểu của Tổng thống Rouhani không gây ấn tượng được với Thủ tướng Isreal Benjamin Netanyahu.
‘Đạo đức giả’
Ông Netanyahu miêu tả bài phát biểu này là ‘toàn là đạo đức giả’.
“Nó không đưa ra bất cứ đề xuất thực tiễn nào để chấm dứt chương trình hạt nhân của Iran và không có cam kết sẽ tuân thủ đầy đủ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc,” thủ tướng Israel nói trong một thông cáo.
Về phần mình, Tổng thống Obama nói nước ông muốn giải quyết vấn đề hạt nhân của Iran một cách hòa bình nhưng vẫn kiên quyết ngăn chặn Iran phát triển vũ khí hạt nhân.
“Mục đích chúng tôi không phải là thay đổi chế độ và chúng tôi cũng tôn trọng quyền của nhân dân Iran được phát triển năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình,” Obama nhấn mạnh.
“Mục đích chúng tôi không phải là thay đổi chế độ và chúng tôi cũng tôn trọng quyền của nhân dân Iran được phát triển năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình.“
Tổng thống Mỹ Barack Obama
“Chúng tôi luôn muốn thấy rằng Chính phủ Iran tuân thủ trách nhiệm của họ theo Hiệp ước cấm phổ biến vũ khí hạt nhân và các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.”
“Những trở ngại có thể còn rất lớn nhưng tôi tin chắc rằng con đường ngoại giao cần được thử,” ông nói thêm và cho biết ông đã yêu cầu Ngoại trưởng John Kerry tìm kiếm một thỏa thuận với Iran.
Trước đó, ông Rouhani đã bắt tay với Tổng thống Pháp Francois Hollande, người nói rằng ông chờ đợi ‘những hành động cụ thể’ từ phía Iran để chứng tỏ rằng nước này ‘không phát triển vũ khí hạt nhân’.
Tuy nhiên một cuộc gặp không chính thức được chờ đợi giữa Rouhani và Obama đã không thành hiện thực.
Vào thứ Năm ngày 26/9, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif sẽ thảo luận về chương trình hạt nhân của họ với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry trong một lần gặp gỡ chính thức hiếm hoi giữa quan chức hai nước.
Cuộc gặp này cũng có sự tham gia của ngoại trưởng của tất cả các nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, bao gồm Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, và ngoại trưởng Đức.
BBC