Thượng nghị sĩ bang California, Kevin de Leon (phải), chủ tịch Ủy ban Nhà lập pháp Á Châu Thái Bình Dương kêu gọi ICE thả người Việt Nam và Campuchia bị bắt tháng 11/2007

Giới đấu tranh cho người Mỹ gốc Á bày tỏ sự quan tâm trước cái chết của một người Việt trong trại giam Eloy của Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Hoa Kỳ (ICE) tại Arizona.

Qua thông cáo báo chí gửi hôm 20/6, Asian Americans Advancing Justice – Atlanta (AAAJ) cùng 26 tổ chức ủng hộ quyền dân sự và nhân quyền cho người Mỹ gốc Á, gửi lời chia buồn chân thành đến gia đình Huy Chi Tran và kêu gọi ICE:

”Ngay lập tức điều tra toàn diện cái chết của ông Tran và tiết lộ mọi chi tiết liên quan đến cuộc điều tra, bao gồm bất kỳ báo cáo nào về vấn đề này từ Văn phòng Tổng thanh tra DHS (OIG) hoặc Văn phòng Dân quyền và Tự do Dân sự của DHS (CRCL).”

Bày tỏ quan ngại sâu sắc “về việc chăm sóc và điều trị người nhập cư tại các trung tâm giam giữ, bao gồm tình trạng thiếu tiếp cận chăm sóc y tế, dinh dưỡng không đầy đủ và rất vệ sinh kém,” thông cáo báo chí cho biết:

“Kể từ khi ICE được thành lập vào năm 2003, 183 người đã chết trong trại giam của ICE. Chỉ riêng trong tài khóa 2018, ông Tran là tù nhân thứ bảy qua đời trong khi bị ICE giam giữ. Ông Tran cũng là tù nhân thứ 16 qua đời tại trại giam Eloy từ năm 2003.”

“Eloy có số tử vong cao nhất trong số các nơi giam giữ người nhập cư tại Hoa Kỳ. Trong số 16 trường hợp tử vong tại đây, năm trường hợp được xác định là tự sát, và ít nhất là hai trường hợp được báo cáo là do chăm sóc y tế không đầy đủ.”

Trả lời phỏng vấn của BBC hôm 23/6, bà Phil Nguyễn, Giám đốc Tranh tụng của AAAJ – Atlanta, cho biết AAAJ – Atlanta và những tổ chức đồng ký tên muốn: “Thu hút chú ý của dư luận về hành động vô nhân đạo của ICE trong việc giam giữ hàng ngàn người nhập cư trong các nhà tù trên toàn quốc với hy vọng rằng chúng ta những hành động này sẽ chấm dứt.”

“Đặc biệt trong trường hợp của ông Huy Chi Tran, ông Tran không thể bị trục xuất sang Việt Nam theo thỏa thuận giữa hai nước. Do đó, việc giam giữ ông không chỉ vô nhân đạo mà còn không cần thiết. Chúng ta cũng biết rằng ICE hiện vẫn đang giam giữ hàng chục người khác giống trường hợp ông Tran, tức không thể bị trục xuất về Việt Nam.” Bà Phil Nguyễn vạch ra.

Bà kết luận:

“Chúng tôi hy vọng rằng thu hút sự chú ý cho cái chết của Tran sẽ làm cho ICE xem xét lại giam giữ không cần thiết.”

Thông tin cảnh báo cho người Việt tại Hoa Kỳ
Bản quyền hình ảnhSEARAC
Image captionThông tin cảnh báo cho người Việt tại Hoa Kỳ của tổ chức Asian Americans Advancing Justice – công bố

Ông Huy Chi Tran, 47 tuổi, qua đời ngày 12/6, trong lúc đang bị ICE giam giữ tại Eloy Detention Center (Eloy) ở Arizona. Ông Tran đã bị giam giữ tại Eloy từ ngày 25 tháng 5 năm 2018.

Theo cơ quan Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Hoa Kỳ (ICE) tại Arizona, ông Tran bị hôn mê hôm 5/6, và được vận chuyển đến Trung tâm Y tế Banner Casa Grande ở Casa Grande, Arizona, nơi ông qua đời một tuần sau đó.

ICE đã không tiết lộ nguyên nhân cái chết của ông hoặc bất kỳ sự kiện hay hoàn cảnh nào dẫn đến nhập viện của ông.

Cái chết của ông Huy Chi Tran xẩy ra giữa lúc chính sách nhập cư của chính phủ Hoa Kỳ ngày càng bị chỉ trích là ‘hung hăng’ và ‘vô nhân đạo’ dưới sự điều hành của chính phủ Trump, bao gồm việc tách rời trẻ em khỏi cha mẹ tại biên giới, và việc giam giữ vô thời hạn những người nhập cư không có khả năng bị trục xuất về quê cũ.

Thông cáo báo chí của 27 tổ chức nói trên cho biết năm 1984 ông Huy Chi Tran được nhận vào Hoa Kỳ như một thường trú nhân hợp pháp, và một thỏa thuận lâu dài giữa Việt Nam và Hoa Kỳ không cho phép trục xuất người tị nạn Việt Nam đến Hoa Kỳ trước ngày 12/7/1995. Tuy nhiên, kể từ tháng Ba năm 2017, ICE đã giam giữ một số người tị nạn Việt đến Mỹ trước 1995 từ vài tháng đến hơn 1 năm.

“ICE phải chịu trách nhiệm về số người chết đáng báo động này. Chúng tôi không chỉ yêu cầu một cuộc điều tra kỹ lưỡng và minh bạch về cái chết của ông Tran, mà còn yêu cầu cơ quan này chấm dứt ngay việc giam giữ và trục xuất vô nhân đạo. Cuộc sống của cộng đồng chúng ta phụ thuộc vào điều đó.”

Theo BBC

vietditru

vietditru

Posted by vietditru

: