Hộ chiếu Việt Nam bị xếp thứ 90 trong số 94 quốc gia trong bảng xếp hạng Chỉ số Giới hạn Thị thực của Henley and Partners.
Việt Nam đứng ở vị trí thứ 90 trong danh sách 94 quốc gia có hộ chiếu quyền lực nhất thế giới, đứng sau cả Campuchia.
Công ty tư vấn toàn cầu Henley and Partners mới công bố bảng xếp hạng có tên gọi Chỉ số Giới hạn Thị thực, theo đó xếp hạng 94 nước trên thế giới dựa trên mức độ tự do nhập cảnh vào các quốc gia trên thế giới.
Các quốc gia nằm trong nhóm đầu, không phải có visa mà vẫn tới được 174 nước bao gồm Phần Lan, Đức, Thụy Điển, Anh và Mỹ.
Chỉ có 2 quốc gia châu Á nằm trong top 20 nước có thị thực “quyền lực nhất thế giới” gồm Nhật Bản và Singapore.
Theo báo chí trong nước, với hộ chiếu phổ thông, công dân Việt Nam được tự do đi lại ở 44 quốc gia trên thế giới mà không cần visa.
Xếp cuối bảng xếp hạng, đứng ở vị trí thứ 94, là Afghanistan. Công dân nước này chỉ có thể tới 28 quốc gia mà không cần visa. Các quốc gia nằm trong nhóm chót bảng còn có Iraq, Pakistan, Somalia và lãnh thổ Palestine.
Đáng chú ý, Bắc Hàn và Cuba không thuộc số các nước đứng cuối bảng, mà đứng ở vị trí tương ứng là 86 và 69.
Theo công ty chuyên tư vấn về quốc tịch và cư trú Henley and Partners, số điểm của mỗi nước được tính toán dựa trên các luật lệ về visa của mọi quốc gia và các vùng lãnh thổ trên toàn thế giới, cũng như số quốc gia mà công dân mỗi nước có thể tới mà không cần phải xin thị thực.
Công ty Henley and Partners nhận xét rằng các yêu cầu về thị thực “phản ánh mối quan hệ giữa các nước, cũng như cho thấy vị thế của một nước nào đó trên trường quốc tế”.
Cuối năm ngoái, chính phủ Việt Nam đề xuất ý định cấp visa thời hạn một năm với nhiều lần nhập cảnh cho công dân Mỹ, thay vì thị thực ngắn hạn 3 tháng như hiện nay, sau khi quan hệ Hà Nội – Washington trở nên nồng ấm.
Theo Tổ chức Du lịch Thế giới của Liên Hiệp Quốc (UNWTO), 3/4 số công dân trên thế giới tới châu Âu cần phải xin visa.
Chị Hoài Thu, một tư vấn viên du lịch châu Âu ở Hà Nội, nói với VOA Việt Ngữ rằng việc xin thị thực vào châu Âu đang ngày càng trở nên khó khăn hơn đối với các du khách người Việt.
Chị nói thêm:
“Hồ sơ cũng khá là nhiều và phức tạp, bởi vì phải chứng minh được tài chính, tức là có một sổ tiết kiệm tối thiểu là 200 triệu đồng đã gửi ở ngân hàng, rồi có hợp đồng lao động, đơn xin nghỉ phép rồi tất cả các giấy giờ khác. Điều kiện của đại sứ quán họ đưa ra như vậy, là phải chứng minh được tài chính và chứng minh được công việc để chứng tỏ có mối ràng buộc ở Việt Nam và sẽ quay trở lại Việt Nam chứ không trốn đi. Xin visa châu Âu hiện nay khó bởi vì đợt vừa qua có nhiều người Việt Nam đi nước ngoài và trốn lại nên việc xét duyệt hồ sơ cũng khắt khe hơn”.
Không chỉ châu Âu mà một số quốc gia châu Á cũng tính tới chuyện thắt chặt việc cấp visa cho người Việt sau tình trạng du khách từ Việt Nam bỏ trốn.
Hồi đầu năm nay, gần 50 người Việt tới thăm Hàn Quốc đã “biến mất” khỏi hòn đảo nghỉ mát Jeju. Theo một điều luật đặc biệt của địa phương, các du khách, trừ các công dân những nước có liên quan tới khủng bố, có thể tới thăm và ở lại hòn đảo nghỉ mát này mà không cần visa tối đa là 30 ngày.
Báo chí Hàn Quốc đưa tin, nhiều người Việt bỏ trốn vì muốn ở lại quốc gia nằm ở khu vực Đông Bắc Á để “kiếm việc làm chui”.
Trong khi đó, lực lượng tuần duyên của Đài Loan và Nhật Bản thời gian qua đã bắt giữ nhiều ngư dân Việt nhảy khỏi các tàu cá nước ngoài khi tới gần lãnh hải của hòn đảo và quốc gia được cho là có nhiều người Việt sinh sống và làm việc.
Giới hữu trách Đài Bắc và Tokyo được báo chí dẫn lời nói rằng những người Việt nhảy xuống biển để bơi vào bờ vì muốn tìm đường nhập cư trái phép.
Tháng trước, ông Đào Việt Trung, Chủ nhiệm văn phòng Chủ tịch nước, đã báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011 – 2016 của ông Trương Tấn Sang.
Theo đó, trong 5 năm qua, ông Sang đã cho nhập, trở lại quốc tịch Việt Nam đối với 3.157 người, và cho thôi quốc tịch Việt Nam đối với 32.638 người.
Tuy nhiên, chủ nhiệm văn phòng chủ tịch nước của Việt Nam không nói rõ lý do vì sao hàng chục nghìn người này lại bị cho thôi quốc tịch.
Theo VOA