Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon nói người Syria phải cùng nhau cứu lấy đất nước

Ngày đầu tiên của hòa đàm Syria tại Thụy Sỹ kết thúc trong sự chia rẽ sâu sắc xung quanh số phận của Tổng thống Bashar al-Assad.

Hoa Kỳ nói tình hình tại Syria sẽ là vô phương cứu vãn nếu ông này vẫn tiếp tục cầm quyền, trong khi phái đoàn của Syria lại nhấn mạnh: “Tổng thống Assad phải ở lại.”

Cuộc hòa đàm sẽ chuyển địa điểm từ thành phố Montreux sang Geneva vào thứ Sáu, 24/1.

Liên Hiệp Quốc cho biết tổ chức này hy vọng các bên sẽ đạt được những bước tiến về thỏa thuận ngừng bắn cấp địa phương, cũng như mở đường cho công tác cứu trợ nhân đạo trong những ngày tới.

Xung đột tại Syria tính đến nay đã khiến hơn 100.000 người thiệt mạng và hàng triệu người lâm vào tình trạng vô gia cư.

Tôi không tưởng tượng nổi làm sao một người đáp trả nhân dân mình một cách tàn bạo có thể lấy lại sự chính danh để tiếp tục cầm quyền.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kery

Trong buổi họp báo vào cuối ngày, Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon đã đề cập đến sự đau khổ của người dân Syria và nói: “Như vậy là quá đủ, đã đến lúc phải đàm phán.”

Ông cũng cho biết thứ Sáu sẽ là thời điểm bắt đầu giai đoạn vất vả nhất của cuộc hòa đàm: “Chúng tôi đang đối mặt với chặng đường đầy khó khăn phía trước, nhưng điều đó có thể được thực hiện, và phải được thực hiện.”

Ông nói thêm: “Chúng tôi không hề trông đợi một sự đột phá trong chốc lát. Không ai xem nhẹ những khó khăn trước mặt.”

Đặc phái viên Liên Hiệp Quốc và Liên đoàn Ả Rập Lakhdar Brahimi cho biết ông sẽ có các cuộc gặp riêng phái đoàn của chính phủ Syria và phe đối lập vào thứ Năm, 22/1, và ông hy vọng cả hai bên sẽ ngồi xuống trong cùng một căn phòng vào thứ Sáu.

Ông nói: “Các bên đã ra chỉ dấu khá rõ rằng họ đã sẵn sàng thảo luận việc mở đường cho công tác cứu trợ, trả tự do cho các tù nhân và ngừng bắn cấp địa phương.”

Phóng viên BBC tại Montreux, Paul Wood, nói một khi các cuộc đối thoại được tiến hành sau cánh cửa khép kín, giọng điệu của các bên được hy vọng là sẽ mang tính xây dựng hơn.

‘Đáp trả một cách tàn bạo’

Phía chính phủ Syria công khai gọi phe đối lập là “những kẻ phản bội” tại hội nghị

Tuy nhiên, phái đoàn của chính phủ Syria và phe đối lập cùng các đồng minh của họ vẫn đang bất đồng sâu sắc.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry nói: “Tôi không tưởng tượng nổi làm sao một người đáp trả nhân dân mình một cách tàn bạo có thể lấy lại sự chính danh để tiếp tục cầm quyền.”

“Người đó và tất cả những ai ủng hộ ông ta không thể tiếp tục nắm giữ cả đất nước cũng như khu vực làm con tin.”

Tuy nhiên, trước đó trong cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Thông tin Syria, ông Omran al-Zoubi, nói với các phóng viên: “Sẽ không có sự chuyển nhượng quyền lực nào và Tổng thống Bashar Assad phải được ở lại.”

Đại sứ Syria tại Liên Hiệp Quốc, ông Bashar Jaafari, nói chính phủ của ông sẵn sàng thảo luận về mọi khía cạnh của Tuyên bố Geneva, vốn đã vạch ra một kế hoạch chuyển giao chính trị tại Syria.

Tuy nhiên, ông Jaafari cũng dẫn tình hình tại Libya và Iraq sau khi ông Muammar Gaddafi và Saddam Hussein bị lật đổ để đặt nghi vấn trước điều mà ông này gọi là “nỗi ám ảnh của một số bên rằng nếu họ dẹp được ông Bashar al-Assad sang một bên, mọi thứ tại Syria sẽ trở nên tốt hơn.”

Đúng như dự đoán, các bên đã có những tuyên bố đầy cảm tính và không ngừng đổ lỗi cho nhau.

Bộ trưởng Ngoại giao Nga, ông Sergei Lavrov

Ông này cũng lên án những bài phát biểu của khoảng 40 ngoại trưởng các nước là “những tuyên bố mang tính khiêu khích và trùng lặp dựa trên sự thù ghét nhằm vào chính phủ Syria”.

Phái đoàn Syria cũng bày tỏ sự tức giận trước việc đồng minh chính của nước này, Iran, bị rút lời mời đến tham dự hội nghị.

Một điểm gây mâu thuẫn nữa đó là tuyên bố Geneva I được các bên đưa ra tại hội nghị lần trước, vốn kêu gọi thành lập một chính phủ quá độ, với đầy đủ các quyền hành pháp, và đặt nền tảng chính cho cuộc hòa đàm lần này.

Ông Kerry nói: “Tất cả các đại biểu, ngoại trừ một trường hợp cá biệt, đã ủng hộ tuyên bố Geneva,” ám chỉ chính phủ Syria.

Ông Ban nói ông thất vọng trước thái độ của cả chính phủ Syria lẫn phía Iran.

Chính phủ Syria chỉ ra rằng việc chấm dứt điều mà họ gọi là “chủ nghĩa khủng bố” phải nằm trong ưu tiên hàng đầu của tuyên bố.

Tuy nhiên, ông Ahmad Jarba, người đứng đầu lực lượng đối lập chính – Liên minh Quốc gia, nói chính phủ Syria phải chấp thuận chuyển giao quyền lực.

Ông Jarba cũng nói rằng điều này sẽ “mở đầu cho việc ông Bashar al-Assad phải từ chức và bị đưa ra xét xử cùng những kẻ tội phạm trong chính quyền của ông ta”.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Syria Walid Muallem nói một số quốc gia tham dự hội nghị cũng “vấy máu của người Syria trên tay” và gọi phe đối lập là “những kẻ phản bội”.

Bộ trưởng Ngoại giao Nga, ông Sergei Lavrov, cho biết ông đang tìm cách làm giảm những mâu thuẫn giữa hai bên.

“Đúng như dự đoán, các bên đã có những tuyên bố đầy cảm tính và không ngừng đổ lỗi cho nhau.”

Tuy nhiên, ông nói thêm: “Lần đầu tiên sau ba năm xung đột đẫm máu, các bên … đã đồng ý ngồi xuống bàn đàm phán.”

 

binhthanh

binhthanh

Posted by binhthanh

: