Người dân Nam Sudan đang sợ sẽ bị giết hại vì sắc tộc
Hàng nghìn người bị cho là đã thiệt mạng sau một tuần lễ bạo lực tại Nam Sudan, điều phối viên nhân đạo của Liên Hiệp Quốc ở nước này nói với BBC.
Ông Toby Lanzer, hiện có mặt tại thành phố Bentiu, bang Unity, nói “Nam Sudan đã trải qua một tuần lễ tàn khốc”.
Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc hôm thứ Ba 24/12 đã nhất trí sẽ tăng số lính gìn giữ hòa bình tại Nam Sudan lên 12.500 người, tức gần gấp đôi.
Trước đó Tổng thống Salva Kiir nói lực lượng của ông đã tái chiếm thị trấn trọng điểm Bor từ tay phiến quân.
Đứng đầu phiến quân là ông Riek Machar, thuộc sắc tộc Nuer, hiện đang đối đầu với Tổng thống Kiir, thuộc sắc tộc Dinka.
Liên Hiệp Quốc cho biết vào thứ Ba ngày 24/12 rằng họ nhận được báo cáo về ít nhất ba hố chôn tập thể, một ở thành phố Bentiu và hai thủ đô Juba.
Trong thông điệp Giáng Sinh, Tổng thống Kiir nói “người dân vô tội đã bị giết hại bừa bãi” và rằng “Giờ đây lại có những người tấn công người khác vì sắc tộc của họ. Điều này chỉ dẫn đến một kết cục duy nhất, đó là đẩy đất nước non trẻ này vào sự hỗn loạn.”
‘Nỗi sợ thấy rõ’
Ông Lanzer nói trên chương trình Newshour của BBC: “Tôi nghĩ rằng điều không thể chối cãi là đến thời điểm này hàng nghìn người đã thiệt mạng”.
“Tôi đã thấy ở các bệnh viện ở các thị trấn lớn cũng như các bệnh viện tại thủ đô và tôi đã thấ́y rất nhiều dạng thương tích khác nhau, đây không còn là chuyện chỉ có vài trăm người thiệt mạng.”
Ông Lanzer cũng nói số người chạy trốn chiến sự đã lên đến “hàng chục nghìn, nếu không muốn nói là hàng trăm nghìn người.”
Ông cũng nói căng thẳng giữa các sắc tộc tại Nam Sudan hiện diện ngay cả trong căn cứ của Liên Hiệp Quốc mà ông vừa đến thăm, nơi 7.500 người đang lánh nạn.
Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, bà Navi Pillay, nói: “Có thể nhìn thấy rõ nỗi lo sợ từ những người Dinka và Nuer rằng họ sẽ bị giết vì lý do sắc tộc.”
Liên Hiệp Quốc cho biết ít nhất 80 nghìn người tại Nam Sudan đã phải rời khỏi nơi cư trú vì giao tranh, một nửa trong số họ đang lánh nạn tại các căn cứ của Liên Hiệp Quốc.
Vào cuối ngày thứ Ba, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã bỏ phiếu để tăng số nhân viên gìn giữa hòa bình từ 7.000 lên 12.500 người, và lực lượng cảnh sát quốc tế từ 900 lên 1.323 người
Liên Hiệp Quốc cũng quyết định tạm thời chuyển một số lực lượng đang làm nhiệm vụ từ Cộng hòa Dân chủ Congo, Darfur, Abyei, Bờ biển Ngà và Liberia sang Nam Sudan.
Hội đồng Bảo an kêu gọi “chấm dứt thù địch và đối thoại ngay lập tức.”