Từ sáng sớm, hàng trăm người dân tập trung trước hàng rào ở Nhà tang lễ Quốc gia phía Nam, đợi xe chở linh cữu danh hài đến khu vực tổ chức. Khi xe đến, không ai bảo ai, đám đông bỗng dưng lặng im. Nhiều người cởi nón, dõi nhìn theo chiếc xe tang dần tiến vào nhà tang lễ.

Giọng nghẹn ngào qua lớp khẩu trang, chị Phan Thị Xuyến (35 tuổi) nói sáng nay, biết tin có tổ chức lễ viếng, chị bắt chuyến xe ôm từ quận Bình Tân qua lúc 7 giờ, đợi sẵn ở đây. Gia đình chị, từ lớn đến bé, không ai là chưa từng xem hài Chí Tài – Hoài Linh. Đôi khi ở nhà, vắng người, chị hay bật các video có giọng ông để thấy ngôi nhà ấm cúng hơn. Chị nói: “Biết tin chú qua đời, nước mắt tôi tự nhiên cứ tuôn. Không phải là người thân nhưng tôi thấy ông quá gần gũi. Ông là tuổi thơ của rất nhiều người, cả đời chỉ mang lại niềm vui”.

Khán giả lớn tuổi được dìu vào trong Nhà tang lễ

Anh Thành Minh, sinh viên năm thứ tư Đại học Sân khấu TP HCM, từng có dịp nghe cố danh hài chia sẻ kinh nghiệm diễn xuất khi đến thăm trường. Anh nói: “Tôi nhớ hoài nụ cười với ria mép giật giật trông rất tếu của chú buổi giao lưu đó”.

Trong đám đông đến đưa tiễn, không ít khán giả ở các tỉnh lân cận. Với phong cách bình dân cùng lối diễn chân phương, Chí Tài đặc biệt được hâm mộ ở miền Tây Nam bộ. Mặt còn đỏ gay khi lái hàng chục km từ Long An lên TP HCM, ông Võ Nguyên – làm nghề xe ôm – nói sáng nay, ông bỏ mấy cuốc xe hẹn trước để đến tiễn biệt danh hài. Nhà ông từ lâu đã chất đầy các đĩa DVD hài hải ngoại, đặc biệt của Chí Tài, Bảo Liêm, Vân Sơn… Những đĩa được ông xem đi xem lại đến trầy xước, giờ vẫn giữ làm kỷ niệm. “Đây là đám tang nghệ sĩ đầu tiên tôi đến”, ông nói.

Ông Đỗ Bá Nhàn, quê ở Bến Tre, cũng vượt quãng đường hàng trăm cây số. Ông cho biết: “Do gia cảnh nghèo khó, tôi chỉ đến viếng cố nghệ sĩ với lòng thành mà không có phúng điếu”.

Giữa trưa nắng, khán giả nhẫn nại xếp hàng để được tiễn biệt thần tượng, khi ban tổ chức thông báo cho người dân vào viếng. Dòng người tiếp tục đông dần, kéo dài hàng trăm mét từ bãi giữ xe, nhích dần vào nhà tang lễ. Khi giọng cố nghệ sĩ vang lên khắp nhà tang lễ qua ca khúc Nhỏ ơi (sáng tác: Đào Quang Nhật) – một bản hit của anh, nhiều người lặng lẽ khóc. Họ chắp tay, cúi đầu khi bước vòng quanh linh cữu.

Tình cảm khán giả đến viếng nghệ sĩ được giữ lại qua những dòng chữ trên sổ tang. Ở vài trang, dòng chữ lấm lem mực vì người viết không kìm nổi nước mắt. “Nghìn thu vĩnh biệt chú. Từ nay, cháu không còn được xem những vở hài mới của chú nữa rồi”, một khán giả viết.

Hoài Linh thay mặt gia đình, thân hữu đón tiếp khách đến viếng. Mỗi lượt người đi qua, anh khẽ nghiêng người, cúi mặt thay lời cảm tạ. Đôi mắt thâm quầng của danh hài hiện rõ trên khuôn mặt đeo khẩu trang. Một người quen cho biết Hoài Linh hiếm khi chợp mắt từ khi Chí Tài mất. Những ngày qua, anh cùng các nghệ sĩ thân thiết chạy đôn đáo lo hậu sự cho đàn anh. Nhân lúc nghỉ trưa, anh nói lời cảm ơn khán giả, truyền thông đã dành tình cảm cho cố nghệ sĩ đến giờ cuối. “Chúng ta chỉ còn gặp anh hôm nay nữa thôi…”, danh hài bỏ lửng câu nói, giọng nghèn nghẹn.

Chí Tài qua đời vì đột quỵ vào chiều 9/12. Lễ viếng được tổ chức tại Nhà tang lễ Quốc gia phía Nam ngày 12/12, chiều cùng ngày linh cữu được đưa ra sân bay Tân Sơn Nhất, về Mỹ theo nguyện vọng của gia đình. Anh tên đầy đủ là Nguyễn Chí Tài, sinh năm 1958. Những năm 1999 – 2000, Chí Tài theo vai trò nghệ sĩ hài và nhanh chóng được khán giả yêu mến. Cùng Hoài Linh, anh có nhiều tiểu phẩm nổi tiếng, như Ru lại câu hò, Con sáo sang sông, Âm dương đôi đường, Lương Sơn Bá, Chúc Anh Đài… Anh cũng là gương mặt quen thuộc của màn ảnh với hàng loạt phim truyền hình – điện ảnh, trong đó có Trúng số (2015), Dạ cổ hoài lang (2017)…

binhthanh

binhthanh

Posted by binhthanh

: