Diệp Bảo Khương
Thời gian như lá mùa thu vèo bay theo gió, mới đó mà 27 năm đã trôi qua thật lẹ. Nhìn lại mấy tấm ảnh chụp hồi tôi mới chân ướt chân ráo đến Hoa Kỳ, mặt mũi bơ phờ ngơ ngác một cách tội nghiệp. Người trong hình nhìn người ngoài hình không nhận ra nhau, vì một người tóc hãy còn xanh mướt, còn một người nước thời gian đã nhuộm màu muối nhiều hơn màu tiêu .
Tôi rời quê hương vào đầu xuân 1986. Cả gia đình mười ba người gồm cha mẹ anh chị em con cháu nhồi nhét trong chiếc máy bay của hàng không Thái Lan trực chỉ qua Băng Cốc. Sau một tuần sáng canh cải, chiều cải canh ngán tới óc do một “chị nuôi ” bự kếch sì tô có giây mơ rễ má với Thị Nở phát chẩn (ai lộn xộn mất trật tự là lãnh nguyên cái vá múc canh lên đầu, khỏi cần biết đương sự là già trẻ lớn bé), gia đình tôi bay qua Phi Luật Tân hóng gió biển trong vòng 6 tháng. Riêng tía má tôi được đặc cách đi thẳng qua Mỹ, đến nay tôi vẫn không hiểu vì lý do gì.
Xin được phép không kể… lể những gì xảy ra suốt thời gian nằm đảo, chỉ biết tôi rời khỏi Bataan và đặt bước chân đầu tiên lên miền đất hứa, tiểu bang Utah vào ngày 22 Tháng Bảy cùng năm đó.
Tác giả (đội nón, bên phải) cùng gia đình khi vừa đáp xuống phi trường Salt Lake City, Utah, gần 27 năm về trước. (Hình: Diệp Bảo Khương cung cấp) |
Từ Salt Lake City chạy về nhà mất gần một tiếng. Vừa mới trầm trồ nào là phi trường sao mà sang trọng bóng loáng quá chừng, nào là đường xá nhà cửa quá đổi rộng rãi nguy nga, nỗi thất vọng trong tôi càng lúc càng lớn khi xe chạy theo ven đồi cỏ cháy vàng choạch, lâu lâu mới thấy bóng một nóc nhà, còn lại toàn là đồng không mông quạnh với từng đàn bò dàn hàng ngang chóc mỏ rống ò ò, hân hoan đón chào đoàn người mới đến.
Nước Mỹ trong trí tưởng tưởng của tôi, qua những gì mình biết từ sách vở, phim ảnh lại thê lương buồn bã như thế này sao?
Hết một tuần nghỉ ngơi lấy lại sức, anh tôi dẫn cả nhà đi làm giấy tờ cần thiết để hội nhập vào xã hội Mỹ. Nào là xin tiền trợ cấp, bảo hiểm sức khỏe, ghi danh đi học… Ôi thôi đủ cả trăm chuyện cấp bách cần phải làm ngay, mà hầu hết chúng ta ai ai cũng đã từng trải qua!
Chỉ khác một điều là gia đình tôi được nhà thờ đạo Mormon ưu đãi đặt biệt, họ tặng không biết cơ man nào quần áo, thực phẩm. Ngoài ra họ còn làm quà một chiếc xe khá mới để làm phương tiện đi lại. Họ cũng không quên khuyến khích mình vô đạo với họ. Lúc đó tôi rất khoái chí, vì nghĩ ở xứ này mà có được quyền lấy nhiều vợ thì còn gì sung sướng cho bằng.
Khi biết được ý tưởng quái gỡ của tôi, ông anh cười cười, “Bỏ đi thằng quái. Nghèo mà ham. Tục lệ đa thê của Mormon chấm hết từ khuya rồi em trai ơi!” Tôi tẽn tò ra mặt!
Rồi mọi chuyện cũng đâu vào đó. Tôi bắt đầu sống cuộc sống văn minh hơn. Ra đường biết lấy áo mặc vô, che cái lưng đen bóng mà anh tôi gọi là lưng trâu, kết quả của sáu tháng làm “vua” bên đảo, hết ăn no lại tắm suối, hết phơi nắng hái trộm trái cây đến đi săn kỳ đà… Xém chút bị dân bản xứ vác rựa chặt làm tám khúc.
Đồng thời tôi cũng ý thức được việc khạc nhổ ra đường, thò tay cạy rỉ mũi hay ngoáy tai nơi công cộng là mất thuần phong mỹ tục. Nhìn chim muông với cặp mắt thân thiện, bạn bè, chứ không phải hình ảnh xâu chim ướp muối ướt nướng như ở bên nhà. Đúng là ở bầu thì tròn, ở ống thì dài. Giờ ngẫm nghĩ lại sao mình từng có những cái tật gớm giếc đến như vậy!
Tháng Chín tôi đi học. Lội bộ cùng với đứa cháu từ nhà tới trường hơn 4 miles. Sáng đi chiều về, nhìn thiên hạ chễm chệ trong những chiếc xe hơi, tôi nhớ chiếc xe đạp của tôi lắm. Và mơ ước sẽ có ngày ôm vô lăng chạy vù vù như người ta.
Vừa học chữ vừa làm việc thêm trong trường. Công việc của tôi là dọn dẹp cafeteria cho sạch sẽ. Theo sự hướng dẫn vừa bằng tay, vừa bằng miệng của ông sếp đầu tiên, tôi cũng chu toàn công việc được giao khá chu đáo. Bây giờ việc lau nhà hút bụi của tôi nhậm lẹ chắc cũng từ những bước khởi đầu này.
Cầm tấm check lương $75.00 cho gần 2 tuần làm thêm, tôi mừng không thể tưởng, vì lần đầu trong đời biết làm ra tiền, mà là tiền Mỹ mới đã đời chứ.
Rồi tới vụ bậm gan nói tiếng Mỹ với người Mỹ không nhờ thông dịch mới gọi là thần sầu quỷ khốc. Tôi vô tiệm Bingo mua tem để gửi thư. Nhìn thẳng vô mặt người bán hàng, cho giống cung cách người Mỹ, bao nhiêu vốn liếng Anh ngữ đã học tôi xổ ra bằng hết:
– Ếch kíu dơ mi, sơ! Quốt du bờ li seo pho mi sờ tam!
– Cái gì ?
– Ai quốt lai tu bai sờ tam.
– Tao giơ tay đầu hàng! Mày có thể viết xuống mày nói cái giống khỉ gì hông ?
Tai tôi bắt đầu ửng đỏ, kiểu này chắc chết tía tôi rồi! May phước nó đưa cây viết, và nhờ trí thông minh tót vời nên tôi dư sức hiểu nó muốn gì.
– Trời ạ! STAMP mà mày đọc là “sờ tam” thì đến dì ghẻ tao cũng không biết mày muốn sờ cái gì nữa. Thôi, tao dạy mày nói để lần sau mày khỏi làm khổ người khác. Hả họng ra, chành miệng uốn lưỡi theo tao: S…S TE..MM PỜ…
– Okay, gần được rồi đó, nhưng nhớ phun chữ “pờ” ra nhè nhẹ thôi, kẻo văng nước miếng vào mặt tao bi giờ. Nói lại nghe coi! Okay, very good, young boy!
– Thánh kêu, sơ!
– What? Thôi, mày biến lè lẹ giùm, để tao còn buôn bán nữa…
Từ bài học vỡ lòng của người thầy bất đắc dĩ, tôi mới biết là nói tiếng Mỹ cho đúng giọng thật nhiêu khê dường nào!
Tháng Mười Một, mùa đông chưa đến mà tuyết đã bắt đầu rơi mù mịt. Chạy bay ra ngoài đón từng cánh tuyết mỏng tanh, nhìn nó tan vội trong lòng bàn tay mà tôi cứ ngỡ mình là nhân vật trong phim bác sĩ Zhivago. Tất cả cây cành tuyết ôm trắng xóa. Chao ơi! Đẹp quá chừng là đẹp, một vẻ đẹp im ắng, lạnh lùng!
Khi tuyết mới rơi trời không rét lắm, nhưng khi tuyết tan kèm theo gió hiu hiu thổi mới thấm thía cái giá buốt như thế nào. Bao nhiêu quần áo ấm cũng không ngăn được hàm răng đánh bò cạp khi lội trong tuyết đến trường. Có những lần bị sụp hố hay trợt ngã muốn bể bàn tọa cũng vì tuyết trắng ở xứ người.
Từ nhà tôi ở nhìn ra ngoài Freeway 15 rất gần. Những khi không đi học, tôi dứng dán mũi vào khung cửa sổ nhìn ra đường. Lâu lâu mới có một chiếc xe chạy ngang qua. Bên ngoài mênh mông một màu trắng xóa, cảnh vật lặng lẽ buồn hắt hiu. Từng làn khói trắng từ lò sưởi hờ hững tỏa nhẹ trên những nóc nhà làm tăng thêm vẻ tịch liêu cô quạnh. Tôi thả hồn theo bánh xe lăn, miên man mơ về miền nắng ấm. Hơi thở đọng mờ cửa kính, hình như nó cũng buồn cho tôi, một đứa ưa nhộn nhịp giờ phải giam mình trong tiết trời đông giá lạnh nên cũng âm thầm ứa nước mắt theo.
Cái lạnh bên ngoài không bằng cái lạnh trong lòng. Tôi nhớ nhà, nhớ bạn bè, nhớ ánh nắng vàng như hoa cải khi mỗi khi đông về ở quê tôi. Tôi lẩm bẩm câu thơ của Thanh Nam “Quê nhà xa lắc xa lơ đó, ngoảnh lại tha hồ mây trắng bay” mà hồn như chết lịm.
Nhớ quá! Nhớ nhà, nhớ quê quá!
*****
Đất lành chim đậu. Tôi cũng như chim, sau một năm chịu đựng cái lạnh kinh hồn của Mùa Đông xứ muối, tôi dời về Nam Calif. tìm kế sinh nhai. Dần dà tôi cũng làm quen và hội nhập được vào đời sống nơi đó. Được học hành, được đi làm, được lập gia đình riêng rồi có con cái.
Rồi vì công ăn việc làm, tôi cùng gia đình lại một lần nữa xuôi xuống Florida xây tổ ấm mới. Càng ngày tôi càng nhận thức ra dù ở đâu cũng vậy, xứ Mỹ quả là thiên đường, xứ sở cho tinh hoa đua nở, cho tài năng phát triển.
Có dịp về lại quê hương, nhìn lại đời sống hiện tại của bạn bè, tôi càng thấy rõ điều đó hơn. Bạn bè tôi học hành giỏi dang hơn tôi, nhưng vì những điều tế nhị không tiện nói ra mà tương lai mờ mịt, bấp bênh. Sự so sánh tưởng chừng chông chênh, nhưng nếu nhìn cho thật kỹ, thì quả là như vậy.
Tôi ước ao nếu họ có được may mắn như tôi, thì Hoa Kỳ sẽ có biết bao nhiêu là nhân tài nữa. Uổng phí quá chừng!
Tôi “xin nhận nơi này làm quê hương”, và xin cám ơn nước Mỹ đã dang rộng vòng tay cưu mang gia đình tôi, đồng bào tôi từ những ngày đầu bơ vơ lạc lõng.
Theo nguoi-viet.com