(San Francisco Gate) – Gần $19.000 Mỹ kim cho một lần đưa con sơ sinh vào bệnh viện ở San Francisco trong chốc lát khiến một cặp vợ chồng Nam Hàn “té ngửa.”
Cô Jang Yeo-im và gia đình viếng thăm San Francisco trong một kỳ nghỉ cách đây 2 năm. Buổi sáng đầu tiên, thật không may, bé Park Jeong-whan 8 tháng té từ trên giường khách sạn, đập đầu xuống đất, khóc ngặt nghẽo. Hai vợ chồng thận trọng đưa con vào bệnh viện Zuckerberg San Francisco General Hospital để kiểm tra xem bé có bị nội thương hay không.
Các bác sĩ nhanh chóng xác định em bé khoẻ, không bị chấn thương gì. Bệnh viện cho em bé bình sữa, để bé ngủ rồi hai vợ chồng đưa con về. Tự cô Jang dán băng y tế lên mũi con. Rồi họ tiếp tục kỳ nghỉ, quên luôn những gì đã xảy ra, cho đến khi hai vợ chồng nhận được hoá đơn đòi số tiền $18.836 Mỹ kim gần đây.
Phần lớn nhất trong hoá đơn, $15.666 Mỹ kim nằm trong khoản phí điều trị chấn thương làm cô Jang khá bối rối. “Nếu con tôi được điều trị đặc biệt thì không sao. Hoàn toàn hiểu được,” người phụ nữ chia sẻ với tờ Vox. “Nhưng con tôi không bị chấn thương, vì vậy tại sao tôi phải trả hoá đơn này? Họ chẳng làm gì cho con tôi cả.”
Phí điều trị chấn thương (trauma fee), như trong trường hợp của gia đình cô Jang, bắt đầu được tính khi bệnh viện khởi động, lập ban y khoa, đến thăm khám bệnh nhân cần chăm sóc y tế khẩn cấp, nghiêm trọng đang ở trong phòng cấp cứu. Loại phí này được tính trên chi phí bác sĩ phòng cấp cứu, thủ thục, trang thiết bị.
Nhưng như Vox và nhiều tờ báo khác đã tường trình trong những năm gần đây, một số bệnh viện khai thác tối đa loại phí này, giống như chi phí phục vụ vào cửa.
Vào năm 2012, một người đạp xe ở Austin bị tai nạn giao thông đã rời bệnh viện với hoá đơn $20.000 Mỹ kim sau khi được điều trị tối thiểu. 3/4 số tiền trong hoá đơn này rơi vào phí điều trị chấn thương. Vào năm 2014, một ông bố đưa con mình vào bệnh viện với vết bầm trên đầu cậu bé. Cuối cùng ông nhận được hoá đơn $10.000 Mỹ kim cho việc chữa trị vết thương “nhẹ, và đang lành.”
Nhưng chắc chắn những trường hợp này không đơn lẻ. Theo tờ Tampa Bay Times tường trình vào năm 2014, bệnh viện Queen of the Valley Medical Center ở Napa, California, tính khoảng $21.000 Mỹ kim cho loại phí này.
Theo một nghiên cứu năm 2009, phí điều trị chấn thương vào khoảng từ $837 đến $24.964. Đến nay thì phí này vào khoảng $1,112 đến $50,659 Mỹ kim.
Về phần mình, bệnh viện Zuckerberg giữ nguyên quan điểm về con số trên hoá đơn. “Chúng tôi là trung tâm chấn thương trong một khu dân cư rất đông đúc,” Phát ngôn nhân bệnh viện thông báo với Vox. “Chúng tôi đối phó với rất nhiều loại chấn thương trong thành phố này, từ tai nạn xe cộ, thảm sát, đụng xe liên hoàn. Chi phí rất đắt đỏ để chuẩn bị sẵn sàng.”
Các bệnh khác cũng cho rằng, nhờ phí này mà họ luôn giữ được những ban y khoa đối phó khẩn cấp giỏi trong tay.
Theo SF Gate