Các nhà ngoại giao châu Âu gặp nhau hôm thứ Hai ngày 28/4 đã đồng ý về một số nhân vật của Nga sẽ bị đưa vào diện trừng phạt do hành động của Moscow ở Ukraine.
Mỹ và các nước G7 cũng đang tính một số bước đi nữa nhằm vào Nga với cáo buộc nước này tìm cách gây bất ổn Ukraine.
Hôm Chủ nhật ngày 27/4, các tay súng ly khai thân Nga đã phóng thích một quan sát viên quốc tế bị bắt giữ ở đông Ukraine. Bảy người khác vẫn còn đang bị giam giữ.
Những người này đang làm việc dưới sự bảo trợ của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) vốn đang tiếp tục các nỗ lực giải thoát cho những người còn lại.
Ở đông Ukraine, các tay súng tiếp tục chiếm giữ công sở ở nhiều thành phố và phớt lờ chính quyền trung ương ở Kiev.
‘Tổn thương kinh tế’
Mỹ và Liên minh châu Âu đã ra lệnh đóng băng tài sản và cấm đi lại đối với một số cá nhân và công ty của Nga bị cáo buộc là có vai trò trong việc Nga sát nhập khu tự trị Crimea của Ukraine.
Đại sứ từ 28 nước thành viên EU sẽ gặp nhau vào ngày 28/4 để bắt đầu quá trình xem xét thêm các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga.
“Thêm nhiều người bị đưa vào danh sách (đóng băng tài sản và cấm đi lại) thì kinh tế Nga càng bị ảnh hưởng.“
Ngoại trưởng Anh William Hague
Ngoại trưởng Anh William Hague cho biết các cuộc bàn thảo vẫn đang diễn ra nhưng nhiều khả năng ‘các lệnh trừng phạt hiện có sẽ được mở rộng’.
“Thêm nhiều người bị đưa vào danh sách (đóng băng tài sản và cấm đi lại) thì kinh tế Nga càng bị ảnh hưởng,” ông phát biển trên kênh Sky News.
“Tuy nhiên chúng tôi cũng nghiên cứu các biện pháp trừng phạt kinh tế, thương mại và tài chính sâu rộng hơn.”
Nhà Trắng cho biết họ sẽ thêm vào danh sách cấm vận những người thân cận với Tổng thống Nga Vladimir Putin và các công ty của họ hôm 28/4 đồng thời cũng áp đặt các hạn chế xuất khẩu công nghệ cao đến Nga, hãng tin Anh Reuters cho biết.
Trong khi đó, bảy quan sát viên ngoại quốc bị bắt giữ ở đông Ukraine đã được các tay súng đeo mặt nạn đưa đến tòa thị chính Sloviansk và được truyền thông ghi hình.
Ông Axel Schneider, người phát ngôn thay mặt cho nhóm quan sát viên này, nói rõ rằng họ không phải là người của Nato như cáo buộc của các tay súng ly khai và cũng không phải là chiến binh mà là nhà ngoại giao.
Sau đó, một người trong số họ đã được phóng thích vì lý do sức khỏe.
Nhóm quan sát viên này đến từ nước Đức.
Đức đã lên án mạnh mẽ việc đưa nhóm quan sát viên này ra trước truyền thông.
“Việc diễu công khai các quan sát viên OSCE và lực lượng an ninh Ukraine như thể họ là tù nhân là hành động nổi loạn và làm tổn thương phẩm giá các nạn nhân,” Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier ra tuyên bố nói.
Ông nói rằng Moscow có nghĩa vụ ‘gây sức ép’ đối với các tay súng ly khai để những người còn lại được thả càng sớm càng tốt.
Nga đã cam kết sẽ ‘làm tất cả những gì có thể’ để đảm bảo những quan sát viên bị bắt được trả tự do.
Trong những diễn biến khác, Tổng thống Mỹ Barack Obama nói rằng Kremlin không ‘động một ngón tay’ để thực thi thỏa thuận bốn bên đạt được hồi tuần trước ở Geneva.
Trong khi đó, các nhóm ly khai ở Donetsk đã giành quyền kiểm soát các trụ sở đài phát thanh và truyền hình ở khu vực và yêu cầu một kênh tiếng Nga được phát sóng trở lại.