TT – Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo nợ doanh nghiệp ở Trung Quốc đã tương đương 145% GDP. Nhiều doanh nghiệp nhà nước đang đi vay tiền ngân hàng chỉ để… trả lãi.

Công nhân bË sa th£i biÃu tình tr°Ûc nhà máy thép ß °Ýng S¡n (tÉnh Hà B¯c) ngày 5-4 ¢nh: AFP

            Công nhân bị sa thải biểu tình trước nhà máy thép ở Đường Sơn (tỉnh Hà Bắc) ngày 5-4 – Ảnh: AFP

Thời kỳ hoàng kim của ngành sản xuất thép Trung Quốc đã kết thúc do thép sản xuất dư thừa, nhu cầu nội địa giảm, kéo giá thép tuột dốc.

Như nhiều nhà máy thép khác, đầu tháng 4 Tập đoàn thép Quốc Phong (thuộc sở hữu nhà nước) đã đóng cửa nhà máy thép ở Đường Sơn (tỉnh Hà Bắc), địa phương vốn nổi danh là “thủ đô thép Trung Quốc”.

Hàng ngàn công nhân bức bối biểu tình chặn trước cổng nhà máy. Một công nhân bộc bạch với AFP: “Tôi còn con gái, tôi phải nuôi sống gia đình. Nhà máy đóng cửa thì tôi làm gì đây?”.

Công nhân ngành than cũng khốn đốn không kém. Thợ mỏ đã biểu tình nhiều lần hồi tháng 3 ở Song Áp Sơn (tỉnh Hắc Long Giang).

Doanh nghiệp 
“xác sống”

Báo Epoch Times nhận định Trung Quốc đã mất dần danh hiệu “công xưởng thế giới” bởi công nghiệp suy thoái nghiêm trọng, các nhà sản xuất phá sản, ngừng hoạt động hoặc chạy ra nước ngoài.

Nổi đình nổi đám nhất là sự kiện hai nhà sản xuất thiết bị lớn ở Tô Châu (tỉnh Giang Tô) là United Win Technology và Silitech Technology tuyên bố phá sản vào cuối năm 2014.

Ngày 8-3, Công ty bảo hiểm tín dụng quốc tế Euler Hermes của Pháp đã công bố báo cáo ghi nhận số vụ phá sản của các doanh nghiệp Trung Quốc trong năm 2015 đã tăng 25% và dự báo tăng 20% trong năm nay.

Có ba lý do để giải thích nguyên nhân phá sản: các khách hàng của doanh nghiệp bị phá sản hay buôn bán thua lỗ dẫn đến mất khả năng thanh toán, các cổ đông chính của doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính nên rút vốn khỏi doanh nghiệp, công nghệ sản xuất của doanh nghiệp quá lạc hậu nên không thể cạnh tranh.

Trong khi một số doanh nghiệp phá sản, một số doanh nghiệp khác đã trông chờ nhà nước cứu vớt. Báo chí Trung Quốc gọi đây là “xác sống”.

Đó là các doanh nghiệp làm ăn không có lãi, sống lay lắt, mắc nợ đầm đìa và vay tiền ngân hàng chỉ để trả lãi chứ không phải đầu tư.

Các doanh nghiệp nhà nước mắc nợ như chúa Chổm cũng được gọi là “xác sống” vì giống như “ăn” vào ngân hàng để sống. Doanh nghiệp mắc nợ nhiều trong các lĩnh vực đang suy thoái như than, thép, ximăng, thủy tinh, giấy, đóng tàu.

Doanh nghiệp “sống ảo”

Ngày 11-6, phát biểu tại hội thảo với chủ đề “Phát triển bền vững ở Trung Quốc và thế giới” do Hội Các nhà kinh tế Trung Quốc tổ chức ở Thâm Quyến, phó tổng giám đốc thứ nhất của IMF David Lipton ghi nhận nợ doanh nghiệp đang chiếm tỉ lệ rất cao trong nền kinh tế Trung Quốc, tương đương 145% GDP.

Nguyên nhân do tăng trưởng kinh tế chậm lại và lợi nhuận giảm. Khả năng trả nợ của các doanh nghiệp giảm dần, tổng số nợ xấu ngân hàng tăng vọt.

Tình hình đặc biệt đáng lo ngại khi các doanh nghiệp nhà nước chiếm đến 55% tổng số nợ nhưng lại chỉ chiếm 22% trong hoạt động kinh tế.

Ông David Lipton đánh giá nhiều doanh nghiệp nhà nước đang “sống ảo”. Ông báo động nợ doanh nghiệp chính là gót chân Achilles trong kinh tế Trung Quốc.

Ông giải thích: “Nợ có hệ thống có thể dẫn đến tăng trưởng kinh tế kém hơn hoặc dẫn đến khủng hoảng ngân hàng hay cả hai”.

Ông cho rằng tình hình bùng nổ tín dụng nhanh chóng trong năm 2015 và đầu năm 2016 đã làm vấn đề nợ doanh nghiệp càng trở nên gay gắt hơn.

Ông khuyến cáo chính quyền Bắc Kinh cần hành động nhanh chóng để giảm nợ doanh nghiệp đang gia tăng.

Ông dẫn chiếu kinh nghiệm của nhiều nước và đề nghị nếu Trung Quốc muốn tránh chu kỳ lặp đi lặp lại về tăng trưởng tín dụng, mắc nợ rồi tái cấu trúc doanh nghiệp thì cần phải cải thiện lề lối quản trị doanh nghiệp.

Theo Reuters, trong báo cáo nửa năm công bố hồi tuần trước, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã cảnh báo nỗ lực của chính phủ nhằm giảm nợ và sản xuất dư thừa có thể làm gia tăng nguy cơ mất khả năng chi trả, làm quá trình đầu tư vốn vào doanh nghiệp phức tạp thêm.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường từng tuyên bố: “Đối với các doanh nghiệp “xác sống”, chúng ta cần phải loại trừ không thương tiếc”.

Trong bài phát biểu về kinh tế quốc dân hôm 5-3, ông tiếp tục nhắc lại các doanh nghiệp “xác sống” cần phải được sáp nhập, tái cấu trúc hoặc giải thể.

Đầu tháng 3, Hội nghị chính trị hiệp thương nhân dân Trung Quốc đã đưa vấn đề này ra thảo luận. Nhưng nhiều chuyên gia cho rằng đây là vấn đề không dễ giải quyết vì có thể dẫn đến biến động xã hội.

Hoàng Duy

Cuộc đời này vốn dĩ là vô thường.

Posted by khaihuy

:

Cuộc đời này vốn dĩ là vô thường.