Theo Phạm Thảo Nguyên

Họa sĩ Đông Sơn vẽ ra Lý Toét vào đầu thập niên 1930, và tờ báo đầu tiên đăng tranh Lý Toét là Phong Hóa. Đó là hai điểm chính về cụ Lý được dân chúng yêu chuộng đặc biệt từ gần tám chục năm nay. Tìm đọc lại báo Ngày Nay Xuân 1940 mới biết Nhất Linh đã giải thích chi tiết về lý lịch của cụ trong bài “Lịch sử Lý Toét…” Bài báo tóm tắt rằng tên Lý Toét ra đời trước, rồi hình người Lý Toét mới ra đời sau.

Trong báo Tứ Dân vào năm 1930, người đẻ ra cái tên “Lý Toét” chính là Tú Mỡ Hồ Trọng Hiếu (chuyên viên thơ trào phúng của Tự Lực Văn Đoàn). Hai tiếng “đẻ ra” trên do Nhất Linh sáng tác. Sau đó, họa sĩ Đông Sơn và bà Phụ Nữ Thời Đàm đã đẻ ra hình người “Lý Toét”. Số là một hôm đang xem báo Phụ Nữ, Đông Sơn tiện bút vẽ nghịch ra một ngườì nhà quê. Thấy hình này hay hay ông bèn xé ra vứt vào ô kéo, chưa biết để làm gì. “Quý vị ơi, hãy nhìn hình dưới đây đi! Nó đấy. Chính nó đấy, mảnh giấy nhật trình có chân dung “thủy tổ” của tất cả các Lý Toét sau này đấy!”

Đúng là không có bà Phụ Nữ Thời Đàm thì không có Lý Toét, Nhất Linh nói chí lý thật! Lý Toét trên bức hình đó trẻ hơn sau này nhiều. Cụ có đủ cả râu ria, búi tóc, mặc áo dài khăn đống như mọi ông già thời đó, lại còn xách thêm đôi giầy da Gia Định và cắp cái ô đen. Cá tính được làm cho nổi bật. Cụ thường xách giầy lên mà đi đất, vì ngại giầy chóng hỏng. Cái ô cũng ít khi mở ra, để dành đánh chó và đeo lên vai cho oai. Nhưng những thứ này cũng làm khổ cụ, vì cứ bị tụi trộm nhỏ quấy quả mãi. Nào giầy, nào ô, nào khăn cứ bị trộm rình luôn!

Chắc các bạn còn nhớ, bắt đầu từ Phong Hóa số 14 ra ngày 2 tháng 9, 1932 thì chủ bút mới là Nguyễn Tường Tam. Ông đã cùng em là Hoàng Đạo Nguyễn Tường Long và các bạn Tú Mỡ Hồ Trọng Hiếu, Khái Hưng Trần Khánh Giư… phụ trách tờ báo này. Ngay trong số 14, người ta bắt gặp Đông Sơn đưa hình một ông cụ (chưa có tên) về Hà Nội trên chuyến xe đò đông như nêm cối (hình dưới). Các bạn có nhìn thấy cụ ấy ngồi trên mui xe ngay trên đầu tài xế không? Họa sĩ Đông Sơn thật hóm, giấu kỹ chẳng cho ai biết tin gì cả! Tuy nhiên, rất có thể chính ông cũng không biết là mình đã cho cụ về thành trên chiếc xe đò hôm đó!

Nhất Linh còn kể là Lý Toét đã ra mắt độc giả ngay từ số Phong Hóa 14, nhưng còn ngơ ngác vì chưa có tên. Sau đó Đông Sơn đính thêm cái tên Lý Toét vào hình vẽ, thế là Phong Hóa có trong tay một nhân vật hý họa hoàn chỉnh. Lý Toét nom thật có duyên:

Đội giời đạp đất ở đời
Nguyễn văn Lý-Toét là người Việt-Nam.

Lần đầu tiên Tứ Ly đã đem Lý Toét -tên (không có hình) lên báo Phong Hóa số 35 trong bài viết “Cuộc Chợ Phiên của Phong Hóa tổ chức”. Vào lúc đó thì Lý Toét -hình (chưa có tên) chỉ dùng để trang trí cho mục Vui Cười mà thôi:

Cho tới số 48, năm 1933, Phong Hóa mới có bức tranh “Lý Toét Ra Tỉnh” thứ nhất. Đó là lần đầu cụ Lý có đủ tên+hình, cùng với cái dáng lom khom hay đặt câu hỏi lạ lùng:

Thế rồi tới Phong Hóa số 59, bức “Lý Toét Ra Tỉnh” thứ hai do Đông Sơn vẽ (ký tên chữ nho) đã chiếm ngay trang bìa dưới đây:

Lý Toét lẩm bẩm: Quái! người ta chôn ai mà đào dài vậy??

Đông Sơn Nhất Linh biết rằng nhân vật này sẽ chinh phục độc giả toàn quốc! Quả như vậy, Lý Toét đã làm mưa làm gió trên văn đàn nước ta trong suốt thập niên 1930. Trước hết về cá nhân Lý Toét, tính chất tổng quát được mọi người cùng chấp nhận bất thành văn là:

Lý Toét là một ông già nhà quê, làm lý trưởng nên được goi là Lý. Bị đau mắt hột từ bé thành ra mắt cứ kèm nhèm như viền vải tây đỏ, nên gọi là mắt toét. Nhập hai chữ Lý và Toét vào nhau thành tên luôn; chứ Lý Toét không phải là tên cúng cơm do bố mẹ đặt cho. Lý Toét nghèo, sống ở thôn quê, chưa từng được thấy những thứ văn minh ngoài phố do người Pháp mang lại. Lý biết đọc chữ quốc ngữ, biết ít chữ nôm, chữ nho, nhưng không hiểu tiếng Pháp, nên có nhiều phen không thông nhầm chữ nọ sang chữ kia tí chút.

Vì nghèo nên Lý Toét tham ăn, lại nghiện rượu nên ích kỷ, chỉ muốn mình được phần to. Thêm nữa, không hiểu gì về vệ sinh, ăn ở dơ bẩn, nên cả tin, sợ hãi đủ mọi thứ. Lý Toét rất mê tín, thờ đủ mọi loại thần thánh, từ con cóc sành trên bể nước ngoài vườn hoa, đến con hổ sống trong chuồng Vườn Bách Thú…

Vợ con ở quê rất lếch thếch. Lý Toét có một cô con gái lớn tên là Ba Vành, cô này xưa bỏ nhà ra đi, rồi lấy Tây. Thỉnh thoảng cụ Lý có xuống vùng mỏ thăm con gái, báo Xuân Phong Hóa, số 85 tường thuật thế. Cô có con, thỉnh thoảng con bị sài đẹn cũng mang vào bệnh viện chữa, làm cụ Lý đi tìm thăm thật khốn khổ. Phong Hóa có tranh chân dung của cô. Cô mặc áo tân thời, nom cũng đẹp ra phết (khi trước còn ở dưới quê thì vẫn vận áo tứ thân).

Nhân vật ảo Lý Toét với đầy đủ tính cách như vậy được họa sĩ Đông Sơn sáng tác ra. Nhưng cha đẻ của Lý Toét rất hào phóng, đã không giữ riêng tác phẩm cho mình, mà rủ tất cả mọi người cùng tham dự vẽ Lý Toét! Do đó, cùng với Đông Sơn Nhất Linh, các họa sĩ của Phong Hóa nhẩy vào vẽ Lý Toét với đầy hứng thú trong các tranh vui của báo Phong Hóa. Thế là cuộc vui “Vẽ Lý Toét” bắt đầu!

Mỗi họa sĩ anh tài của Phong Hóa vẽ ra một Lý Toét dung mạo khác hẳn nhau, nhưng cùng tính cách, vẫn nhận ra được. Độc giả có thể ngắm các Lý Toét khác nhau trong hình của các họa sĩ Đông Sơn, Nhất Sách, Tô Tử tức Ái Mỹ Tô Ngọc Vân, Lemur tức Nguyễn Cát Tường, Bloc tức Trần Bình Lộc, Ngym tức Ngạc Mai tức Trần Quang Trân, Trần An…

Nhân vật Lý Toét thân ái với rất nhiều tranh chân dung đó đã nổi lên vững vàng như một vì sao mới mọc trong lòng độc giả báo Phong Hóa. Sau này có thêm danh họa Nguyễn Gia Trí (lúc đó mới ra trường) tức Rigt, tức Gtri, cùng nhiều người khác, kể cả Lê Ta Thế Lữ cùng vẽ chân dung Lý Toét (vẽ chữ số thành hình cụ Lý).

Thế nhưng ngắm tranh Lý Toét hồi lâu, ta thấy cụ có vẻ hơi… cô độc, thiếu bạn. Và việc gì phải đến đã đến: Xã Xệ xuất hiện. Nhất Linh gọi đó là tự nhiên phải thế. Xã Xệ là một nhân vật bằng vai phải lứa với Lý Toét. Xã Xệ béo ị, thấp lè tè, đầu trọc lông lốc, còn độc một sơi tóc quăn xoắn ốc trên đỉnh. Hình ảnh Xã Xệ hoàn toàn đối chọi với Lý Toét, gầy đét và cao lênh khênh. Xã ra đời để đấu láo với Lý, cãi chầy cãi cối với Lý, chung buồn chung vui với Lý… Ngớ ngẩn, lẩn thẩn sống cuộc đời mới của dân nô lệ mất nước, dưới sự bảo hộ của mẫu quốc Phờ-Lăng-Xa cùng Lý.
Cha đẻ của Xã Xệ là họa sĩ Bút Sơn, từ Saigon gửi tranh vẽ ra Hà Nội. Tôi nghĩ vị này là một độc giả yêu quý Phong Hóa, nên tạo ra nhân vật Xã Xệ đối kháng với Lý Toét. Ông lấy hiệu Bút Sơn để nhái Đông Sơn. Nhưng Nhất Linh đến tận khi mất vẫn còn chưa biết tên thật của Bút Sơn. Trên tờ di cảo “Đời làm báo” ghi tất cả tên và bút hiệu các cộng sự viên, trong cũng như ngoài Tự Lực Văn Đoàn, Nhất Linh có hàng chữ sau: “Bút Sơn ở Saigon (Người đẻ ra Xã Xệ), tên thật chưa biết. Xin ông Bút Sơn (nếu ông còn sống) hoặc các bạn, cho biết tên thật.”

Hiện nay chúng tôi được biết tên thật họa sĩ Bút Sơn là Lê Minh Đức. Theo nhà thơ trào phúng Tú Kềnh viết trên báo Bình Minh Xuân Mậu Thân 1968 xuất bản ở Saigon thì: “Vào năm 1936, báo Phong Hóa thuộc nhóm Tự Lực Văn Ðoàn ở Hà Nội có tổ chức cuộc thi vẽ tranh hài hước. Họa sĩ chuyên vẽ tranh hài hước Bút Sơn Lê Minh Ðức ở Saigòn đã vẽ một bức tranh gửi ra Bắc dự thi” (1).

Thật ra, lần đầu tiên Xã Xệ xuất hiện trong tranh Bút Sơn là ngày 16 tháng 3 năm 1934. Trên báo Phong Hóa số 89. Xã Xệ đã được đón tiếp thật nồng hậu. Xã cùng Lý lên ngay trang bìa của báo. Dưới đây là bức tranh trên Phong Hóa, Xã Xệ ra mắt toàn dân An Nam, cõi Đông Pháp, với lối lý luận hạng nhất:

Lý Toét: Thế này là nhất cử lưỡng tiện.
Cân một lần hai đứa rồi chia hai ra thì cũng được chứ lị!

Vậy là báo Phong Hóa đã tạo dựng được cặp đôi hý họa Lý Toét và Xã Xệ, mang rất nhiều “đặc tính dân tộc”, đi vào lịch sử văn học Việt Nam:

Tranh Lý Toét Xã Xệ không của riêng ai, thật là thú vị. Mỗi bức tranh có khi là một tấm, có khi là một loạt nhiều tấm như phim hoạt họa, với lời chú giải ngắn gọn. Hoặc vài câu thoại, chính là câu chuyện nhỏ, nhiều khi rất thâm trầm, nhiều khi mộc mạc… Ai có vài ý nghĩ là có thể vẽ ra một tranh hay, nếu không biết vẽ thì viết thành truyện vui Lý Toét cũng không kém phần dí dỏm.

Trong khi đó, nhờ những cuộc thi tranh khôi hài của Phong Hóa mà nhiều họa sĩ bên ngoài tòa soạn cũng tới vẽ cho Phong Hóa như NG9, HKB, DLAN, Trần An, 2TTG, Mạnh Quỳnh… Rất nhiều người không chuyên cũng vẽ. Thêm nữa, các họa sĩ còn mang hình ảnh Lý Toét Xã Xệ phổ biến ra khắp các báo thời bấy giờ, từ ngoài Bắc tới trong Trung, trong Nam. Họa sĩ thích vẽ, người thường thích kể chuyện, báo nào có Lý – Xã thì có nhiều người đọc. Đến nỗi cặp đôi này đã trở thành những nhân vật để quảng cáo! Có những bài quảng cáo thuốc, quảng cáo rượu của Lý Toét … đăng ngay trên Phong Hóa, Ngày Nay rất nhiều lần.

Để cạnh tranh, báo Thanh Niên số 2 ra ngày 27-1-34 cho ra đời “Xã Dù”, một anh em họ hàng với Lý Toét. Nhưng tiếng tăm của Xã Dù quá lu mờ, nay không ai còn biết và nhớ đến (bài Cuộc Điểm Báo, Phong Hóa số 84). Như vậy Đông Sơn Nhất Linh đã dựng lên được một phong trào bao gồm vô số họa sĩ trong ngoài tòa báo, cùng các độc giả “dấn thân” đua nhau sáng tác ra vô số tranh Lý Toét Xã Xệ và kể chuyện vui đùa. Còn gì thú vị hơn?

Từ đó, Lý Toét Xã Xệ xuất hiện đều đặn trên báo Phong Hóa và Ngày Nay, qua những truyện vui lý sự cù nhầy. Thỉnh thoảng Lý Toét có bài viết riêng như “Điều thỉnh cầu của Lý Toét” (Phong Hóa số 68), bài thơ Vợ Lý Toét Khuyên Chồng, trong mục Dòng Nước Ngược, thơ trào phúng của Tú Mỡ, rồi Lý Toét Trả Lời, Lý Sự Cùn viết… Lâu lâu báo có đăng Lý Toét Phú, Xã Xệ Phú, Ván Cờ Lý Toét, cả Văn Tế Lý Toét (của Đỗ Đức Thu, làm trước, phòng khi…)

Nhưng nhiều nhất, được chú ý nhất vẫn là những bức tranh Lý Toét Xã Xệ, với những cảnh gặp thấy trên tỉnh. Nhiều kỳ Phong Hóa, Ngày Nay có cả năm, bảy tranh Lý Xã trên cùng một số báo. Tranh nào cũng là những chuyện ngây ngô, những suy luận chéo cẳng ngỗng, những hiểu lầm về ngôn ngữ Tây ta Tầu… Những câu chuyện vui vu vơ, vô tội này ngày một lan rộng và thu hút. Tính tình xấu xí, gàn bướng, cù nhầy, đáng cười… của người đời đã được diễn tả, phô bầy dưới hình thức khôi hài rất duyên, rất khéo… Trong đó, Lý, Xã rất “nghệt” với những phản ứng không giống ai đã diễn tả được biết bao khía cạnh ủa cuộc sống….

Quý độc giả đừng tưởng hai cụ nhà quê này luôn luôn khù khờ, mà trái lại có khi rất láu đấy! Trong nhiều tranh vẽ, các cụ đã lý luận hay đáo để! Mời các bạn xem tranh Lý Toét trả lời quan tòa Tây: Khi Lý Toét phải ra tòa về tội gửi thư với tem đã đóng dấu. Cụ Lý trả lời rằng lần nào nhận thư của con gái, là cô Ba Vành, gửi về thì cũng thấy tem đã đóng dấu vậy. Đúng quá chứ!

Cặp bài trùng Lý – Xã của Phong Hóa Ngày Nay dần dần trở nên vô cùng nổi tiếng, được sự ủng hộ triệt để của quốc dân, từ trẻ con tới người lớn. Người coi tranh, mê tranh mỗi ngày một nhiều, tạo ra một hiện tượng xã hội chưa từng có. Năm 1933, Georges Mignon, trong Nụ Cười Tân Á, khen ngợi Lý Toét của Phong Hóa (2). Và năm 2007, tại Mỹ có bài nghiên cứu của George Dutton: Lý Toét in the City (3),.. Còn ở Việt Nam thì tới ngày nay vẫn có lai rai bài viết, khảo cứu, kịch, chèo… về Lý Toét.

Ròng rã từ 1932 tới cuối năm 1940, tranh Lý Toét là những cú đâm xầm vào đời sống văn minh mới, do “mẫu quốc” mang tới, của hai cụ nhà quê cổ hủ “đậm đặc dân tộc tính”… Đó cũng là lúc dân ta đang gặp phải cái “chạm trán tóe lửa” của hai nền văn hóa Đông Tây. Như bà văn sĩ Pearl Buck (giải thưởng Nobel về văn chương 1938) trong truyện ngắn ‘Bà Mẹ Già” (Huyền Hà dịch, Ngày Nay số 200,1940), kể chuyện bên Tầu: Cô con dâu đi du học về, trong bữa cơm đại gia đình đã “hét inh lên vì sợ, khi thấy bà cụ mẹ chồng đưa đôi đũa đã liếm thật sạch chọc vào đĩa thức ăn chung của cả nhà”.

Đồng thời trong những bức tranh nhỏ Lý Xã, các ý tưởng được đào sâu dần, nói lên nhiều điều muốn nói. Người đọc ngày một thấm thía về thân phận người dân nhược tiểu mất nước, khi đa số dân chúng còn chưa được giáo dục, vô kỷ luật, hay sợ hãi, mê tín, và cam chịu tủi nhục dưới ách nô lệ của Pháp. Những bức tranh hý họa nhẹ nhàng hóm hỉnh đó phơi bầy dần dần những thói hư tật xấu của dân ta. Có người cho rằng báo PH NN đã bôi xấu người nhà quê… Không! ta phải hiểu rằng nếu dân ta còn nghèo đói, vô học, sống khổ sở như thế, chịu bao nhiêu bóc lột đè nén như thế, thì lẽ dĩ nhiên hủ lậu mê tín phải sinh ra tham lam, ích kỷ… Tới đó thì chúng ta phải tự hỏi: “Phải làm gì đây?”
Đó là chủ ý của Tự Lực Văn Đoàn, dùng văn chương, báo chí để vận động cải tạo xã hội.

Trong bài Trả Lời Tân Xã Hội, Hoàng Đạo viết trên Ngày Nay số 30, năm 1936: “Ông sẽ phải công nhận như chúng tôi, là dân chúng – hầu hết là dân quê – chỉ biết mình khổ cực, đói rét, chứ chưa biết đường tự bênh vực lấy mình. Vậy công việc tối quan trọng của ta, của chúng tôi, của ông, là làm thế nào cho họ hiểu hết quyền lợi nghĩa vụ của họ. Công cuộc to tát không phải một ngày mà nên: công cuộc ấy có thành cũng nhờ một phần lớn ở sự tự do báo chí và tự do kết đoàn”(4).

Thực vậy, muốn dân chúng hiểu nghĩa vụ và quyền lợi của họ, thì việc đầu tiên là phải thu hút dân chúng bằng báo chí, phải tìm cách làm dân muốn nghe, thích nghe ta nói. Vậy trước hết, hãy xét lại chính mình. Hẳn trước khi thành người thành thị, ai chẳng có gốc gác nhà quê, không là ta, thì bố mẹ ông bà ta, đã từng ngớ ngẩn “nhà quê lên tỉnh” như thế. Mà người Việt nào cũng có quê, như Nguyễn Trãi quê Nhị Khê, Nguyễn Du quê Tiên Điền, Hồ Xuân Hương quê Nghi Tàm, Cao Bá Quát quê Phú Thị… Mồ mả các cụ tổ tiên chúng ta đều còn ngay ở giữa những cách đồng lúa lầy lội đó, chứ đâu? Mà cũng những nơi nhà quê đó, có kho tàng vốn cổ ai cũng say mê, đó là những tranh khôi hài, các chuyện cười, chuyện diễu, chuyện tiếu lâm, phóng đại, nói khoác…

Chuyện được truyền khẩu từ ngàn xưa, từ các bác dân quê như Ba Giai, Tú Xuất ngoài Bắc, tới bác Ba Phi trong Nam, cùng các vị trí thức không theo lề lối quan trường như các Trạng, Trạng Quỳnh, Trạng Lợn… vốn có rất nhiều. Những chuyện đối đáp với sứ Tầu của các vị thiền sư từ hơn nghìn năm trước, hay giai thoại những câu đối đáp giữa Chiêu Hổ, Hồ Xuân Hương ai mà chẳng mê. Và các tranh cổ ngộ nghĩnh được bán trong những phiên chợ quê, chợ Tết, như Đám Cưới Chuột, Vinh Quy, Đánh Ghen, Hứng Dừa … của làng Đông Hồ thì ai mà chẳng thích? Ta hãy ngắm lại hai tấm tranh Đông Hồ dưới đây:

Đám cưới chuột
Đánh ghen

Trong khi Nhất Linh Đông Sơn, người đầu đàn của Tự Lực văn đoàn là một họa sĩ, thì các thành viên khác như Thế Lữ, Khái Hưng, Hoàng Đạo, Thạch Lam… cũng có thể vẽ tranh như thường. (Nếu bạn đọc tinh ý thỉnh thoảng có thể bắt gặp trong Phong Hóa hoặc Ngày Nay những bức vẽ rất đẹp ký tên Khái Hưng, Tứ Ly… Đặc biệt tờ Ngày Nay số 198, xuân 1940, có in tranh vẽ của nhiều thành viên Tự Lực Văn Đoàn: Khái Hưng, Tú Mỡ, Thế Lữ, Hoàng Đạo, Thạch Lam…)

Với tinh thần mỹ thuật từ bản chất của ban biên tập như thế, hai báo Phong Hóa, Ngày Nay sử dụng tranh ảnh trang trí rất nhiều, luôn luôn có họa sĩ nhà nghề làm việc minh họa. Những họa sĩ lớp mới này được học rất bài bản, họ học được kỹ thuật hội họa Tây phương tại trường Mỹ Thuật Đông Dương tại Hà Nội (Khóa đầu của trường tốt nghiệp năm 1930). Vì vậy, họ sử dụng rất thông thạo kỹ thuật hý họa kiểu tây phương, để đùa rỡn các ông dân biểu, các quan thượng thư… với mục đích sửa lưng các ông, xin các ông nhớ đến dân đến nước, và làm cho công chúng hiểu đời sống chính trị hơn…

Những năm sau có thêm Bang Bạnh và Ba Ếch trong thể giới hoạt kê đó, giúp các họa sĩ tạo được nhiều màu sắc, nhiều khía cạnh sâu xa hơn trước. Tuy nhiên, hai nhân vật này không được yêu thích bằng Lý Xã.

Cũng với lý tưởng làm thay đổi bộ mặt xã hội, dân sinh, TLVĐ và các họa sĩ, kiến trúc sư đã giới thiệu cách sống mới hợp vệ sinh, kiểu nhà mới Ánh Sáng và nhất là việc sáng tác áo dài kiểu mới Lemur cho phụ nữ, một thành công vang dội mà tới ngày nay “áo dài”còn chịu nhiều ảnh hưởng. Tứ Ly Hoàng Đạo đồng thời cũng viết hàng loạt bài trên Phong Hóa Ngày Nay như Trước Vành Móng Ngựa, Bùn Lầy Nước Đọng, Công Dân Giáo Dục, Có Cứng Mới Đứng Đầu Gió (ký tên Tường Vân)… kể chuyện trong tòa án, giải nghĩa nhiệm vụ công dân, chỉ dẫn cho dân chúng về pháp luật, để họ hiểu và biết cách sống, cách cư sử cho khỏi bị ép buộc vô lý, và cũng để tờ báo mưu tính những cải cách về xã hội.

(Trong bài viết ngắn này, chúng tôi không nói tới sự nghiệp văn chương lừng lẫy của các văn hào, thi bá, thành viên Tự Lực Văn Đoàn, mà chỉ xin nhắc thêm rằng các tiểu thuyết, thơ mới, kịch nói…của các vị, đã làm say mê bao thế hệ người Việt, đã thay đổi cách viết, cách sử dụng chữ Việt, văn chương Việt, đã trợ giúp rất nhiều cho công việc cải tạo xã hội về mọi mặt).

Ngắm lại những bức tranh Lý Toét lý thú mà báo Phong Hóa Ngày Nay có khá nhiều (gần 1000 tấm), người ta thấy rõ hai khía cạnh mỹ thuật và khôi hài trộn vào nhau thật ăn ý. Chúng là một sáng tạo tài tình gồm cả Đông lẫn Tây, cả xưa lẫn nay, trong suốt một thập niên nở rộ đến không ngờ. Phong Hóa và Ngày Nay ngày càng đông người đọc, đã trở thành tờ báo không đối thủ trong làng báo đương thời, mà cũng có lẽ trong cả lịch sử báo chí Việt Nam xưa nay. Có lần tờ báo Xuân Phong Hóa phải xuất bản lần thứ hai vì nhu cầu bạn đọc. Trong tinh thần phản đối Khổng giáo lỗi thời hành hạ con người, đả phá thái độ phong kiến quan lại cũ, chế diễu lòng mê tín ngu muội, tố cáo sưu cao thuế nặng, những tấm tranh bé nhỏ đã chạm tới rất nhiều vấn đề, hủ tục và thói xấu, đã phá bớt “những ý kiến cổ hủ làm mờ mịt khối óc người ta”. Riêng với những vấn đề xã hội, chính trị, thì tờ báo chỉ nói đến một cách rất nhẹ nhàng để tránh sự kiểm duyệt khắt khe của thực dân Pháp.

Tuy vậy, ngày 31 tháng 5 năm 1935, Phong Hóa đã bị Thống sứ Bắc Kỳ đình bản ba tháng. (Tới nay không ai biết tại sao báo bị đóng cửa. Có người cho là do loạt bài “Thần thoại tân thời” Hậu Tây Du Ký nói động đến Phạm Quỳnh, Nguyễn Tiến Lãng của triều đinh Huế… Có người lại cho là do bài phóng sự sắc bén về Hoàng Trọng Phu (đều của Hoàng Đạo viết). Tất cả đó chỉ là phỏng đoán, theo cuốn Tiếng Cười của Tú Mỡ (Vu Gia, cuốn Hoàng Đạo, nhà báo, nhà văn, (6). Theo Martina Nguyễn Thục Nhi thì “do cả hai điều trên”. Trong hồ sơ của phòng nhì Pháp thì việc đóng cửa báo Phong Hóa ba tháng là do báo này đã chế giễu các quan lại An Nam.

Ngày 5-6-1936, Phong Hóa số 190 đăng một tranh Lý Toét vẽ nhái theo chuyện “Tam Anh Chiến Lã Bố” của Tam Quốc Chí, rất đẹp, không có chữ ký họa sĩ. Ngắm nét bút đặc biệt sống động, ta có thể nhận ra họa sĩ vẽ tranh là Tô Tử tức Tô Ngọc Vân, một trong những họa sĩ chính của Phong Hóa thời đó. Theo thông lệ, các tranh khôi hài thường được mang ra bàn luận trong giờ làm việc chung của cả tòa soạn. Một bức tranh nhiều ẩn ý sâu xa, mà không ký tên tác giả chắc là do sự góp ý của nhiều thành viên tòa soạn.

Theo sách Tam Quốc Chí, vào đầu công nguyên ba nước Ngụy, Thục, Ngô chia nhau nước Tầu, tranh giành quyền lực, gây chiến tranh dài cả trăm năm. Trong một trận đánh quyết liệt, tam anh, Lưu Bị, Quan Vũ và Trương Phi nước Thục, cùng nhau vây đánh Lã Bố nước Ngụy. Lã Bố tuy là đại tướng nổi tiếng vô địch, nhưng mãnh hổ nan địch quần hồ, đã thua. Truyện này rất phổ thông ở Việt Nam, trước đây gần như ai cũng biết. Trong các buổi diễn tuồng cổ, màn này thường được trình bầy rất sôi nổi, các diễn viên hóa trang kiểu xưa, mặt mày tô màu xanh đỏ rực rỡ, áo mũ tuồng lộng lẫy xênh xang, biểu diễn múa võ cao cường, trong tiếng chiêng trống rộn ràng, và nhiều khi cả tiếng la hét cổ vũ của người xem.

Bức tranh này vẽ: “ba con chó cắn bố Lý Toét”, có con trai Lý Toét đứng ngoài xem, dơ tay múa chân reo hò: “A ha! Tam anh chiến nhất Bố!” Thật là một câu dùng điển Tam Quốc “Tam anh chiến Lã Bố” để ví tuyệt hay. Tuyệt hay, vì hai câu có cấu trúc hoàn toàn giống nhau nhưng lại diễn tả hai trận đánh hoàn toàn khác nhau. Do cách dùng hai nghĩa của chữ “Bố”: Bố là tên của đại tướng Lã Bố, mà “bố” cũng là cha của đứa con đang đứng ngoài dơ chân muá tay reo hò.

Đọc câu điển Tam Quốc, ta chỉ cần thay chữ “Lã” bằng chữ “nhất” là biến thành câu ví, câu reo của con Lý Toét. Chuyện chiến đấu hào hùng trong sử Tầu biến thành chuyện Lý Toét la ó chống chọi ba con chó dữ. Nó làm người xem tranh cảm được ngay, và cũng đau nhói lòng ngay khì thấy đứa con vui thích trước sự nguy khốn của bố mình. Đó là: – Con vô ý thức hay còn quá trẻ dại, không biết rằng bố đang lâm nguy bởi ba con chó dữ tấn công?

Cùng lúc đó, nó nhắc người xem tranh rằng Lý Toét có mặt trên Phong Hóa từ số đầu tới nay, và Lý Toét tượng trưng cho Phong Hóa: – Độc giả có biết rằng báo Phong Hóa đang trong cơn khốn khó, có cơ nguy bị Pháp đóng cửa, rút giấy phép vĩnh viễn bất cứ lúc nào? (như rất nhiều báo thời đó, không được giải thích tại sao)

Lý Toét, nhân vật thấm đẫm đặc tính dân tộc cũng tượng trưng cho đất nước vào lúc này: – Quốc dân có biết rằng đất nước mất chủ quyền, đang bốn bề thọ địch? (“Địch” là thực dân Pháp, là sự ngu tối, dốt nát của đại đa số dân chúng, là sự chia rẽ của các đảng phái trong nước, nguy cơ nội chiến…) Trong cảnh tình như thế, bố Lý Toét làm sao sống nổi?!

Than ôi! Đó cũng là tiếng kêu cứu của Phong Hóa! Trùng hợp làm sao, đúng lúc đó thực dân kiểm duyệt đóng cửa báo. Báo Phong Hóa bị chết ngay sau số 190 này (05/06/1936).

May thay, báo Ngày Nay hãy còn giấy phép, (Ngày Nay là báo dự phòng của TLVĐ, do Nguyễn Tường Cẩm, anh ruột Nguyễn Tường Tam, một công chức, đứng tên, NN số 1 ra ngày 30/01/1935) nên Tự Lực Văn Đoàn còn hoạt động thêm được mấy năm nữa. Lý Toét còn tiếp tục sống, tiếp tục kể chuyện đời trên báo.

Phải đến thời Mặt Trận Bình Dân cầm quyền ở Pháp, những lời mong cầu tự do, bỏ kiểm duyệt, bớt thuế… mới được viết ra một cách công khai. Những tưởng Mặt Trận Bình Dân thuộc tả phái, sẽ nới lỏng chế độ bảo hộ. Mà không! Tất cả những lời hứa chỉ là bánh vẽ, báo chí vẫn chịu chế độ cũ, bởi vì bên Pháp vẫn còn Bộ Thuộc Địa, thực hành chủ trương khai thác thuộc địa phục vụ mẫu quốc! Sau này, dù trong thế chiến thứ II, dù năm 1939 Paris đã bị Đức Quốc Xã chiếm đóng, chế độ Bảo Hộ ở Bắc Kỳ vẫn rất khắt khe. Báo Ngày Nay bị đóng cửa vĩnh viễn năm 1940, người viết báo bị bắt bỏ tù (Hoàng Đạo, Khái Hưng, Nguyễn Gia Trí… bị giam, bị tra tấn dã man từ 1941 tới 1943 tại Vụ Bản, Hoà Bình (5).

Nhân Uỷ Ban điều tra do Pháp gửi sang Việt Nam sắp làm xong công việc. quốc dân lúc ấy hy vọng rằng chế độ bảo hộ sẽ có thay đổi tốt. Tuy nhiên họa sĩ Rigt Nguyễn Gia Trí đã viết một câu chửi đổng: – Ồ, trông mong… nước mẹ gì! trong bức tranh “Mẫu Quốc” của tờ Ngày Nay (số 110, 1936) dưới đây,

Thế rồi tới giữa năm 1940, báo Ngày Nay cũng bị đóng cửa rút giấy phép. Sau một vài cố gắng ra báo, sách (đều chết yểu) cuả Khái Hưng, Thạch Lam, Tự Lực Văn Đoàn đã sẻ nghé tan đàn. Các thành viên phân tán: người thì chết vì bệnh, người bị Pháp bỏ tù, người thì trốn sang Tầu làm cách mạng, người đi xa lánh nạn, người quay sang kịch nghệ. Chỉ còn nhà xuất bản Đời Nay in sách bán sống lây lất…

Tới tháng 4-1945 còn lại xuất bản cuốn thơ Hoa Niên của Tế Hanh (Tế Hanh cùng Anh Thơ được giải thơ của TLVĐ năm 1939, năm cuối cùng phát thưởng trước khi báo NN đóng cửa). Tôi không biết Hoa Niên có phải là cuốn sách cuối của Đời Nay hay không.

Cuối cùng thì báo Ngày Nay Kỷ Nguyên Mới ra đời vào tháng 5-1945, Hoàng Đạo phụ trách mục “Kiểm diểm chính trường Việt Nam” (Hồ Hữu Tường, Nguyễn Tường Long, nhà chính trị, Tạp chi Văn, số 107) Báo ra được 16 số là hết. Tới giữa năm 1946, nhà in được mang bán, chia tiền cho các thành viên. Từ đó tới nay, chúng ta không còn thấy lại một văn đoàn, một nhóm văn nghệ sĩ tài năng chung sức làm nên kho tàng văn hóa thành công như TLVĐ nữa. Tất cả chỉ còn là bóng con chim nhạn bay ngang trời…

Tôi còn nhớ, từ khi còn rất nhỏ đã được biết đến hai nhân vật huyền thoại Lý Xã qua một bài hát do các chị dạy truyền khẩu (trước khi học chữ để có thể đọc được tiểu thuyết của TLVĐ, mà phải đọc lén vì gia đình cấm con gái đọc tiểu thuyết). Đó là bài hát sau đây; tuy thuộc nằm lòng nhưng tôi không biết tác giả có phải là người trong Tự Lực Văn Đoàn hay không.

Ông Lý Toét mà cắp cái ô
Đi ra phố gặp lúc mưa to
Có bác Xã Xệ mà muốn đi nhờ
Tay thì vời vời miệng thét bô bô;

– Này bác Lý, thủng nhĩ hay sao?
Gọi như thế mà chẳng coi sao
Giá có cút rượu thì đến chơi liền
Đi nhờ một tí mặt cứ vênh vênh!

– Này bác Xã thật rõ lôi thôi
Còn non nước còn bác với tôi,
Ô tôi năng cụp mà bất năng xòe
Năng dựa đầu hè mà bất năng che!

binhthanh

binhthanh

Posted by binhthanh

: