WESTMINSTER (NV) – Với nhiều người, chuyện đi đóng giày tại Mỹ, nhất là “quanh xóm bình dân” Little Saigon, nghe có vẻ là lạ, ngồ ngộ.

Bởi lẽ, từ khi cất bước sang xứ sở đại công nghiệp này thì mọi thứ thuộc về may mặc, quần áo, giày dép, nón mũ… hầu như người ta đều đi mua hết. Bao nhiêu kích cỡ, kiểu dáng được các đại công ty làm ra hàng loạt với giá thành rẻ hơn cách làm thủ công, nên ai cũng mua, ai cũng mặc, ai cũng mang và ai… cũng giống ai!

Thế nên khi khám phá ra ngay tại Little Saigon này, từ 30 năm trước đã có tiệm đóng giày theo ni chân kích cỡ, kiểu dáng lựa chọn của từng người thì, dĩ nhiên, một điều gì đó thật ngạc nhiên và thú vị tràn đến.

Và có lẽ, nhiều điều còn ngạc nhiên và thú vị hơn nữa khi thử một lần bước chân vào “Giỏi Shoes,” tiệm đóng giày duy nhất tại khu thị tứ được xem là thủ đô của người Việt tại miền Nam California này.

Anh Giỏi, chủ tiệm Giỏi Shoes, cũng là người thợ đóng giày hiếm hoi còn trụ lại với nghề tại Little Saigon. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Lý do để đo ni đóng giày

Giỏi Shoes ở gần tiệm hủ tiếu Thanh Xuân, đối diện với thương xá Phước Lộc Thọ, không khác gì lắm những tiệm đóng giày ngày xưa ở Sài Gòn. Nghĩa là, bước chân vào tiệm đóng giày, chứ không phải tiệm bán giày, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt mình là những miếng da khô nhiều loại, được nhuộm nhiều màu, treo hờ hững trên tường, một tủ trưng bày vài kiểu giày thông thường, và sau đó là sự bề bộn, ngổn ngang của những khuôn giày, khuôn đế, máy cắt, máy khâu, máy tiện, và mùi của keo dán, của tiếng máy mài o bế lại đế, gót sao cho vừa vặn, khít khao.

Giỏi là tên của người thợ đóng giày, cũng là chủ tiệm.

“Cứ kêu là Giỏi, anh Giỏi là người ta biết liền.” Người đàn ông gốc miền Tây, trong độ tuổi 55-60, vừa liên tay làm việc vừa nói.

Anh cho biết theo học đóng giày từ nhỏ, “đến năm 16 tuổi đã thành thợ đóng giày thành thạo ở Sài Gòn để bỏ mối cho người ta.”

Năm 1979 anh xuống tàu vượt biên. Năm 1981 đến Mỹ và hai năm sau, 1983, tiệm giày mang tên Italy Shoes do anh làm chủ được mở ra “chỗ báo Người Việt hồi đó.”

“Ngay lúc mới mở tiệm năm 1983 là đã có đông khách rồi.” Anh Giỏi kể trong lúc vừa chọn một khuôn đế có cỡ vừa với đôi giày khách mang tới, rồi đo, rồi cắt, rồi gọt tỉa, rồi dán keo.

Theo lời kể của người thợ đóng giày gốc Việt hiếm hoi còn bám trụ lại với nghề này thì “lúc mới mở tiệm đi tìm mua vật liệu để đóng giày khá khó khăn, do mình mới qua không biết nhiều, máy móc cũng khác hơn. Mỹ xài toàn máy lớn, trong khi ở Việt Nam chỉ xài có một cái ‘mô-tơ’, còn lại hầu hết làm bằng tay.”

 

Những đôi giày được đóng theo yêu cầu đặc biệt của khách tại Giỏi Shoes. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Chỉ vào một đôi giày còn đang được bọc trong khuôn, chờ thời gian cho keo khô, anh Giỏi giảng giải, “Đôi giày này có chiều dài size 8, nhưng mà bề ngang chân thì lại đến size 9, mà mu bàn chân của người khách này lại vung lên nên mình phải đắp thêm da ở trên thì người ta đi mới vừa.”

Phần nhiều khách đến đặt đóng giày là do những lý do đặc biệt như thế.

“Nhiều người có chân to chân nhỏ, chân thấp chân cao, hay chân có tật thì khó mà mua giày bán sẵn ngoài tiệm, thành ra họ phải tìm đếm tiệm đóng giày cho khít với chân mình. Hoặc có người muốn mang giày cao nhưng lại không muốn người khác thấy cái gót cao thì họ đặt mình làm độn cao từ bên trong. Cũng có người mua giày ngoài tiệm mang bị đau chân, chỉ có đặt giày theo ni tấc thì họ mới mang êm được,” người chủ tiệm cho biết thêm những lý do vì sao Giỏi Shoes lại bận rộn, đông khách quanh năm.

Cô Chi, một người khách tình cờ đi ngang thấy tiệm đóng giày, cũng ghé vô xem.

“Chân tôi nhỏ quá, chỉ mang giày size 4 hay 4.5 nên hầu như chỉ mua giày con nít. Mà tôi lại thích mang giày cao nên chắc sẽ quay lại đây để tìm kiểu đóng thử.” Cô nói sau khi ướm thử một đôi giày có sẵn trên kệ.

Dĩ nhiên, khách hàng tìm đến tiệm đóng giày còn là những người có bệnh tiểu đường hay bệnh “gout” cần có đôi giày đặc biệt cho đôi chân của mình.

Thời gian để hoàn tất một đôi giày từ lúc đo ni, cắt mẫu, cắt quai, gò vô khuôn, ráp đế, ráp gót, dán lót bên trong, đánh bóng… mất khoảng từ 3 đến 4 tiếng, theo anh Giỏi. Tuy nhiên, “muốn đặt một đôi giày thì nhanh nhất cũng phải hôm trước đặt hôm sau lấy vì cần chờ 24 tiếng cho keo khô mới được.”

Một khách hàng tên Mai Nguyễn ở thành phố Irvine có mặt tại tiệm cho biết thêm một lý do đi đóng giày là “khi mình có những miếng da quý, đẹp thì mình mang đến tiệm, lựa kiểu để đóng đôi giày riêng cho mình.” Chắc chắn đôi giày đó sẽ “không đụng hàng” với bất kỳ ai.

Một độc giả không muốn nêu tên có “kỷ niệm sâu sắc” với tiệm đóng giày, kể, “Ngày còn ở quê làm gì mơ đến chuyện được mang giày chứ nói chi đến chuyện đóng giày! Thế nên khi sang Mỹ, đến Little Saigon thấy có tiệm đóng giày thì khoái quá, dành dụm tiền để đóng cho được đôi giày đi ăn giỗ với người ta.”

Người này kể anh cùng người bạn, thời đó còn đang là sinh viên, đến tiệm lựa mẫu, rồi chế thêm kiểu này kiểu kia, rồi lựa màu. “Mình chọn thế nào, mình muốn làm sao ông chủ cũng chìu hết.”

Sau một tuần háo hức chờ đợi, đôi giày mới được mang về với giá $175 ở thời điểm năm “một chín chín mấy,” do làm một cách đặc biệt, “đúng y chang những gì mình yêu cầu.” Thế nhưng, “Mang vô rồi, đi kêu lộp cộp, lại thêm màu cà phê sữa, mình mới thấy mình không giống ai hết trơn. Nhìn nó quê ơi là quê!” Độc giả giấu tên cười như nắc nẻ khi nhớ lại kỷ niệm đi đóng giày ngày xưa.

Có một vị khách khoảng 60 tuổi, mang đến một đôi giày thấp có kiểu dáng khá đẹp, hỏi, “Có đóng được giày giống y như vầy không?”

Theo người đàn ông này thì đây là một đôi giày Ý, ông mua khoảng $100, cách đây gần 10 năm, “giờ mang hơi chật nên muốn đóng y chang như vậy.”

Tuy nhiên, khi nghe ra giá khoảng “$200, vì kiểu này phải mất rất nhiều công do phải đục lỗ, làm các nếp gấp trên mặt quai” thì ông bảo “để suy nghĩ lại.”

Theo anh Giỏi, “một đôi giày da đóng tại tiệm có giá trung bình từ $130 đến $150. Cũng có những đôi đến $300, $500, tùy theo kiểu và chất liệu khách chọn, như da cá sấu chẳng hạn.”

 

Khách hàng đến tiệm không chỉ để đóng giày mà còn để chỉnh sửa lại những đôi giày mua không vừa chân mình. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

 

Không cứ giày cũ là phải bỏ đi

Ngoài việc đến tiệm đóng giày, thì nơi đây còn nhận cả việc sửa giày, “bảo trì” giày.

“Tại sao giày hư, cũ không bỏ đi để mua giày mới mà phải mang ra tiệm sửa?” Người khách hàng tên Mai giải thích, “Thứ nhất là vì cỡ giày của tôi khó tìm. Thứ hai đây là những đôi giày có kiểu đặc biệt không à, mang rất là êm, rất là thích nên hư phải mang sửa. Lý do nữa là những đôi giày này rất mắc tiền, mỗi đôi cả $600 hơn.”

“Ai mang giày mà thương giày, thích giày thì họ luôn muốn ‘bảo trì’ nó, và phải kiếm thợ giỏi như anh Giỏi để giao làm việc này chứ không phải ai cũng làm được đâu. Giống như mình đi xe thì lâu lâu phải mang xe đi bảo trì. Giày cũng y chang như thế.” Người phụ nữ có dáng vẻ sang trọng nói một cách cởi mở.

Lần này đến tiệm, chị Mai không đóng giày mà chỉ mang giày đến để “đôi thì thâu quai cho vừa, đôi thì thay gót và nhuộm sơn lại cho y như mới.”

Vừa cắt xong quai một đôi giày sandal hàng hiệu do khách đưa tới sửa cho vừa chân người mang, anh Giỏi lại quay sang thay nguyên đế cho một đôi giày mới đóng để thỏa mãn yêu cầu của người đặt, rồi lại thay gót mới cho một số đôi giày bị mòn, bị lỏng… Cứ vậy, dường như anh chẳng nghỉ tay một phút nào.

Cầm một chiếc giày nữ không chỉ bong gần hết keo mà lại còn bị nứt một đường ngang đế, anh Giỏi cho biết, “Những đôi như thế này họ không bỏ là vì họ mang vừa ý, êm chân. Mình làm lại y như mới được hết.”

 

Một trong những đôi giày được mang đến để làm hoàn hảo lại tại tiệm đóng giày Giỏi Shoes. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Một đôi giày kiểu Sneakers nữ, cũ kỹ đã mòn rách hết, được khách mang đến để làm mới lại với giá $25.

Một đôi giày gót nhọn ai đó mang đi nhảy đầm bị văng mất chiếc gót nhỏ xíu mang ra tiệm thay với giá $8.

“Không phải chỉ có giày đắt tiền người ta mới mang đi sửa, đi dán keo, hay thay gót đâu. Nhiều đôi rẻ tiền lắm, nhưng họ vẫn mang đi sửa lại, vì họ thích kiểu đó hay vì mang đôi giày đó hợp chân nên họ giữ lại mang hoài.” Chị Liễu, vợ người thợ đóng giày, giải thích.

Gót giày đi lâu ngày bị tuột, bị mòn, mũi giày đi đá trúng ghế bị trầy xước, những mũi chỉ may trên quai của đôi sandal bị bong, hay con chó cưng trong nhà không có gì chơi đành ngoạm đỡ đôi giày của chủ khiến nó bị thủng một miếng, thậm chí ưng ý đôi giày boot bán giảm giá ngoài tiệm nhưng lại không vừa ý chiều cao của nó,… tất cả đều được làm cho hoàn hảo theo ý khách hàng tại tiệm đóng giày này.

Có nghề đóng giày như vậy, nhưng sau hơn 10 năm mở tiệm, Italy Shoes được anh Giỏi sang lại cho người khác. Năm 2000, anh mở tiệm “Giỏi Shoes” “trong khu Hòa Bình Food-to-go.” Làm được 4-5 anh lại sang tiệm nghỉ.

“Nhưng có lẽ là cái nghiệp, đi làm việc này việc khác rồi cũng trở lại với nghề đóng giày,” anh Giỏi cười nói thêm.

Giỏi Shoes lần này trong khu thương mại đối diện Phước Lộc Thọ được vợ chồng anh mở lại từ cuối năm 2012.

“Mới mở lại vài tháng, tiệm lại nằm trong góc nhưng mà khách quen nghe là lại tìm đến đông nghẹt,” chị Liễu cho hay.

Chiều nay về phải soạn lại những đôi giày bị xếp xó chỉ vì sứt vài mũi chỉ, hay bị văng mất đâu cái gót để mang ra tiệm sửa. Dẫu sao cũng rẻ hơn nhiều so với đi mua giày mới, trong tình hình này.

Theo nguoiviet.com

 

vietditru

vietditru

Posted by vietditru

: