Trong một bài diễn văn đọc trước các học viên sĩ quan tốt nghiệp Trường Võ bị West Point hôm thứ Tư, ông Obama nói rằng, với sự dũng cảm của nhân dân Miến Điện, sáng kiến ngoại giao của Hoa Kỳ là một tác nhân cho cải tổ dân chủ tại Miến Điện.

Các chính trị gia và những người hoạt động tại Rangoon đã bày tỏ phản ứng không đồng nhất sau khi Tổng thống Obama tuyên bố rằng việc cải tổ tại Miến Điện, cũng còn gọi là Myanmar, là một thành công trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ.

Trong một bài diễn văn đọc trước các học viên sĩ quan tốt nghiệp Trường Võ bị West Point hôm thứ Tư, ông Obama nói rằng, với sự dũng cảm của nhân dân Miến Điện, sáng kiến ngoại giao của Hoa Kỳ là một tác nhân cho cải tổ dân chủ tại Miến Điện. Tổng thống Hoa Kỳ nói:

“Giờ đây chúng ta ủng hộ cải cách và điều kiện tối cần thiết của hòa giải quốc gia qua trợ giúp và đầu tư, qua dỗ dành và đôi khi công khai chỉ trích. Và những tiến bộ ở đó có thể đảo ngược, nhưng nếu Miến Điện thành công, chúng ta sẽ có được một đối tác mới mà không phải bắn một viên đạn nào.”

Thành viên cao cấp của đảng đương quyền Liên minh Đoàn kết và Phát triển, Hla Shwe, nói tuyên bố của ông Obama là “khoa trương” và nói rằng cải tổ tại Miến Điện được thúc đẩy bởi chính họ mà không có sự trợ giúp nào từ Hoa Kỳ. Ông nói:

“Những gì ông Obama nói là nhờ sự lãnh đạo của họ, Miến Điện mới bước trên con đường cải tổ. Điều này quả là một sự phô trương lặng lẽ. Thật ra chúng tôi bước trên con đường dân chủ tất cả là bởi chính chúng tôi, và cho tới nay chúng tôi chưa hề nhận một xu nào của họ.”

Bà Nan Khin Htwe Myint, một nữ phát ngôn nhân của đảng đối lập Liên minh Toàn quốc Đấu tranh cho Dân Chủ nói rằng chính sách cây gậy và củ cà-rốt có hữu hiệu với Miến Điện:

“Tôi nghĩ rằng ông đang dọn một con đường mà Miến Điện nên đi bằng cách thể hiện đường lối lãnh đạo của ông.”

Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Miến Điện Hla Myint Oo nói với ban Miến ngữ đài VOA rằng chính sách giao tiếp với Miến Điện của chính phủ Obama là một nước cờ tích cực, nhưng cũng nói rằng một số biện pháp trừng phạt có vẻ kiên định trong chính sách của Washington:

“Điều rất đáng tri ân là cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Hoa Kỳ, là một cường quốc thế giới, đã công nhận cải tổ kinh tế và chính trị của chúng tôi. Nhưng việc gia hạn mới đây các biện pháp trừng phạt của Hoa Kỳ thêm một năm nữa là đáng tiếc cho chúng tôi.”

Tuy nhiên, bà Jennifer Quigley thuộc tổ chức Vận động cho Myanmar có trụ sở ở Washington đã phát biểu có tính cách chỉ trích nhiều hơn:

“Tôi nghĩ rằng chúng tôi đồng ý về chính sách giao tiếp nhưng không đồng ý về giới hạn của chính sách giao tiếp. Chúng tôi cảm thấy như thể Hoa Kỳ đã làm quá nhiều và quá sớm. Và việc đó tạo ra tác dụng đòn bẩy rất ít cho những e ngại về nhân quyền và dân chủ còn tồn tại.”

Hoa Kỳ và các quốc gia Phương Tây khác bắt đầu nới lỏng các biện pháp trừng phạt sau khi Miến Điện bắt đầu các cải tổ chính trị vào năm 2011 tiếp theo sau nhiều thập niên cai trị của quân đội.

binhthanh

binhthanh

Posted by binhthanh

: