TN- Hãng thiết kế chip ARM (Anh) dưới quyền tỉ phú Nhật Bản Masayoshi Son, nhà sáng lập kiêm Tổng giám đốc SoftBank, đang có kế hoạch phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) lớn nhất lịch sử ngành bán dẫn.

Một cửa hàng di động của SoftBank tại Tokyo, Nhật Bản – AFP.

Đây được xem là cú xoay người của tỉ phú Son, sau khi nỗ lực bán lại công ty ARM cho hãng chip Nvidia (Mỹ) thất bại do vấp phải sự phản đối của giới hữu trách ở Mỹ. Vào thời điểm công bố, tức tháng 9.2020, giá trị của thương vụ lên đến 40 tỉ USD.

Nỗ lực tìm lối thoát cho ARM

Ngay sau khi công bố kế hoạch đối với ARM, ông Son cho hay sẽ tiến hành IPO công ty này vào tháng 3.2023 tại Sở giao dịch chứng khoán Nasdaq ở TP.New York (bang New York, Mỹ). Đây là thông tin chia sẻ với các cổ đông tại hội nghị công bố kết quả kinh doanh của SoftBank hôm 8.2. Hãng cũng bổ nhiệm tân tổng giám đốc mới, ông Rene Hass, có hiệu lực ngay thời điểm công bố kế hoạch IPO, Reuters đưa tin hôm 9.2.

Tỉ phú Nhật Bản khẳng định ARM đang tiến vào “giai đoạn thứ hai của quá trình tăng trưởng”, thể hiện qua việc chia cắt thị phần của Tập đoàn chip Intel (Mỹ) trong các lĩnh vực như trung tâm dữ liệu và ô tô. Lâu nay, ARM là nhà cung cấp thiết kế chip hàng đầu cho điện thoại thông minh trên thế giới.

Bên cạnh thiết kế, hãng còn chia sẻ bản quyền cho rất nhiều dòng chip trên thiết bị di động, thậm chí máy tính cá nhân, mang các thương hiệu như Qualcomm, Samsung, Huawei, MediaTek, Intel, Apple…

“Tôi không ngờ đến việc chính phủ nhiều nước mạnh mẽ phản đối” thương vụ bán ARM cho Nvidia, báo Nikkei Asia dẫn lời ông Son. Các nhà chức trách tại Mỹ và châu Âu lần lượt bày tỏ lo ngại cho rằng việc Nvidia mua ARM đã vi phạm luật chống độc quyền trong ngành bán dẫn.

Tuy nhiên, tỉ phú Nhật Bản cho rằng Nvidia và ARM sản xuất những sản phẩm khác nhau. Theo đó, ARM chủ yếu tập trung vào thiết bị di động, còn Nvidia chuyên về chip xử lý đồ họa và công nghệ chipset cho máy trạm, máy tính bàn.

Phương án B và nguy cơ từ Trung Quốc

Từ khi thương vụ được công bố, giới hữu trách các nước bày tỏ lo ngại vì nhiều lý do. Trong đó, Nvidia đang cạnh tranh với các công ty dựa vào thiết kế chip của ARM.

Đến tháng 12.2021, Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) chính thức khởi kiện với lý do thương vụ này sẽ cho phép Nvidia nắm quá nhiều quyền kiểm soát với những thiết kế chip mà các hãng công nghệ lớn nhất thế giới đang và sẽ sử dụng.

Thương vụ đổ bể đã giáng đòn nặng nề cho SoftBank. Theo thỏa thuận với Nvidia, tập đoàn Nhật Bản lẽ ra nhận được khoảng 10 tỉ USD tiền mặt và tối đa 8,1% cổ phần của hãng chip Mỹ.

Như đã đề cập ở trên, tổng giá trị hợp đồng chuyển nhượng là 40 tỉ USD vào tháng 9.2020. Tuy nhiên, tính đến ngày 8.2, chỉ tính riêng số cổ phần trên cũng đã trị giá khoảng 50 tỉ USD cho cổ phiếu Nvidia đang tăng.

Việc nhanh chóng chuyển sang “phương án B”, tức kế hoạch IPO, phản ánh sự cấp bách của SoftBank trong việc thu hồi vốn đầu tư vào ARM. Năm 2016, tập đoàn Nhật Bản mua hãng thiết kế chip của Anh với giá khoảng 31 tỉ USD.

Hãng Bloomberg dẫn thông tin báo cáo tại cuộc họp hôm 8.2 cho thấy giá trị tài sản ròng (NAV) của SoftBank giảm từ 187 tỉ USD vào ngày 30.9.2021 xuống còn 169 tỉ USD ngày 31.12.2021. Điều này khiến tỷ lệ vay trên giá trị (LTV) của công ty từ 19% ở quý trước tăng lên 22% trong quý này, mức cao nhất kể từ năm 2018. SoftBank đặt mục tiêu khống chế LTV dưới 25%, nếu không phải giảm đầu tư vào các hạng mục mới.

Tỉ phú Son thừa nhận mức hao hụt lớn nhất đến từ khoản đầu tư vào Tập đoàn thương mại điện tử Alibaba của Trung Quốc. Có thời điểm, Alibaba từng chiếm 60% trên tổng NAV của SoftBank, nhưng hiện rơi xuống ngưỡng 24%.

Lý do là cổ phiếu của Alibaba và các công ty internet khác của Trung Quốc năm ngoái lâm vào tình cảnh bị lỗ lã nặng nề trong quá trình chính quyền Bắc Kinh siết chặt quy định dành cho các đại gia công nghệ. Alibaba cũng bị phạt nặng vì vi phạm luật chống độc quyền.

Trớ trêu thay, ông Son nằm trong số những người đầu tiên góp vốn vào Alibaba, và nắm trong tay số cổ phần đáng kể trong thời gian dài.

Năm 2014, khi Alibaba thu về hơn 170 tỉ USD và huy động số tiền 25 tỉ USD trong đợt IPO lịch sử, tỉ phú Nhật Bản cũng nương theo đà này để lắc mình trở thành người giàu nhất Nhật Bản. Khi gió đổi chiều, tỉ phú Son buộc phải thừa nhận tin xấu: “Tại Trung Quốc, chúng tôi chứng kiến tổn thất ở mức nghiêm trọng nhất về NAV từ trước đến nay”.

Đồng thời, từ tháng 10 đến tháng 12.2021, lợi nhuận ròng của SoftBank giảm đến 98% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 251 triệu USD.

Trước tình hình trên, SoftBank đã bán một phần cổ phiếu của Alibaba nhằm giảm nguy cơ tổn thất trước sự xuống dốc của tập đoàn Trung Quốc. Việc bổ nhiệm tân tổng giám đốc được cho nhằm tìm ra hướng đi mới cho ARM, trong bối cảnh công ty mẹ đang “xính vính”.

Thụy Miên

Cuộc đời này vốn dĩ là vô thường.

Posted by khaihuy

:

Cuộc đời này vốn dĩ là vô thường.