HÀ NỘI (NV) – Tính đến ngày 24 tháng 9, 2013, dân số Việt Nam xấp xỉ 90 triệu người, đứng hàng thứ 13 thế giới và thứ 3 khu vực Đông Nam Á.
Dân số quá đông, cảnh kẹt xe như thế này diễn ra hàng ngày ở thành phố Sài Gòn. (Hình: Tuổi Trẻ) |
Con số này được công bố chính thức tại hội nghị “Pháp lệnh về dân số” diễn ra ở Hà Nội trong ngày nêu trên.
Thứ trưởng Bộ Y Tế Nguyễn Viết Tiến, người chủ tọa cuộc hội nghị, cho biết cứ mỗi năm, dân số Việt Nam tăng thêm một triệu người.
Tốc độ gia tăng dân số này đã chậm lại so với thời gian trước đó. Thế nhưng, tỉ lệ gia tăng tuy giảm, mật độ dân số của Việt Nam vẫn thuộc nhóm các quốc gia cao nhất thế giới, vì đất đai chật hẹp. Hiện nay, mật độ dân số Việt Nam là 267 người mỗi km2.
Báo mạng VNExpress dẫn phúc trình của Bộ Y Tế nói rằng, Việt Nam đang ở vào thời kỳ dân số “vàng,” tức dân số trong độ tuổi lao động chiếm đa số. Nhưng đáng tiếc là số người trong độ tuổi từ 15 trở lên được đào tạo trình độ kỹ thuật chuyên môn tại các trường đại học chưa quá 15%.
Để chận đà gia tăng dân số quá nhanh, Việt Nam cấm cán bộ công chức có quá hai con. Các kế hoạch từ phá thai đến triệt sản đặt chỉ tiêu cho từng khu phố, từng làng xã, từng được thi hành trên cả nước.
Trước đây, hệ thống loa tuyên truyền của nhà cầm quyền các địa phương lập danh sách và gọi phụ nữ theo lịch đi đặt vòng xoắn ngừa thai, gọi đàn ông đi triệt sản, xen kẽ với những bản tin tuyên truyền khác hàng ngày.
Dân thì mỗi ngày một đông hơn nhưng nhiều nơi đời sống của dân chúng vẫn nghèo khổ.
Năm 2002, thống kê của LHQ nói tỉ lệ gia đình nghèo ở Việt Nam là 29% và số gia đình bị thiếu đói thường xuyên là 10.87% trong khi chế độ Hà Nội chỉ nhìn nhận có 12.9%. Nhờ các chương trình viện trợ và cấp tín dụng ưu đãi của các định chế tài trợ quốc tế và nhiều chính phủ, năm 2009, nhà cầm quyền CSVN cho hay cả nước có khoảng 2 triệu hộ nghèo đói hay 11% dân số.
Ngày 6/7/2013 vừa qua, Tổng Cục Thống Kê báo cáo trên cả nước còn 323,2000 “lượt hộ thiếu đói”, tương ứng với 1,351,000 nhân khẩu. Hiện nay, nhà cầm quyền trung ương CSVN “đặt chỉ tiêu” là đến cuối năm nay, tỉ lệ “hộ nghèo” trên cả nước giảm xuống còn 7.6%.
Tại một cuộc họp diễn ra trước hôm Thứ Ba 24/9/2013 một ngày, cũng ở Hà Nội, Trưởng ban Kinh tế trung ương Vương Đình Huệ thú nhận rằng, nền kinh tế Việt Nam đang “tuột hậu” so với các quốc gia trong khu vực.
Theo Việt Nam Net, các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam, tại hội nghị này, đã dùng vô số “mỹ từ” để đặt tên cho nền kinh tế Việt Nam hiện nay. Chẳng hạn như “suy yếu,” tụt hậu,” khoảng cách ngày càng xa so với các nước” … Một số diễn giả đồng thanh quả quyết rằng kế hoạch năm năm, từ 2011 đến 2015 của Việt Nam – đã đi hơn 2/3 đoạn đường – không thể thực hiện được trong thời gian còn lại.
Phó Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhìn nhận rằng, lạm phát tăng vọt, kinh tế vĩ mô bất ổn cho thấy sự yếu kém của nền kinh tế khiến Việt Nam “khó phục hồi đà tăng trưởng sau cuộc khủng hoảng.” Điều này, theo ông Phúc, cho thấy khoảng cách của sự phát triển giữa Việt Nam và các nước khu vực ngày một xa.”
Trong khi đó, theo cựu Phó Thủ Tướng Vũ Khoan, nền kinh tế Việt Nam “lổn ngổn” vì những người lãnh đạo đã đề ra toàn “những thứ không tưởng.”
Việt Nam Net dẫn lời ông Trần Thọ Đạt, Phó hiệu trưởng trường Kinh tế quốc dân, cho biết tốc độ GDP trung bình của Việt Nam trong giai đoạn 2011 – 2015 tăng chưa đến 6%, thấp hơn nhiều so với kế hoạch mong muốn. (PL-TN)