Những nỗ lực để chấm dứt hai năm rưỡi đổ máu tại Syria đang gặp những phức tạp có thể làm hoãn lại sự dàn xếp qua thương thảo.

Các giới chức từ 11 quốc gia được biết tới với danh hiệu Bạn của Syria nhóm họp ngày thứ Ba với các thành viên của phe đối lập Syria ở London.

Nhưng mặc dầu có lời kêu gọi của cả Hoa Kỳ lẫn Anh, phe đối lập Syria chưa đồng ý tham gia một cuộc hội đàm hy vọng có được tại Geneve.

Chủ tịch Liên hiệp Quốc Gia Syria, ông Ahmad Jarba, nói rằng sẽ không thể có cuộc hội đàm cho tới khi có một kế hoạch rõ ràng cho Tổng thống Syria Bashar al-Assad ra đi. Ông nói:

“Nếu một số quốc gia cảm thấy sự không thoải mái từ tình hình nhân đạo vì sự tàn sát của ông Assad và muốn rửa tay bằng cách bôi bẩn bàn tay của chúng tôi với một vị trí khiêm tốn, quý vị sẽ nghe chúng tôi nói không năm lần chứ không phải là ba. Không thương thảo, không hòa giải, không công nhận, không triệt thoái, và không cô lập trước quốc tế. Tuy nhiên, nếu mục đích là loại bỏ tên tội phạm ra khỏi quyềm hành, và các tội phạm chiến tranh được đem ra xử thì khi đó chúng tôi hoan nghênh hội nghị Geneve 2. Đây là những đòi hỏi thật sự của chúng tôi và đây là lập trường của chúng tôi để xây dựng trên những nguyên tắc này, cùng nhau chúng tôi sẽ cứu Syria và vùng này ra khỏi đám lửa đang lan rộng. Đây là những đòi hỏi chứ không phải là những điều kiện. Nhưng Geneve 2 không thể là một thành công mà không có những vấn đề này.”

Các giới chức Hoa Kỳ và Anh lại kêu gọi tất cả các bên ngồi xuống và thảo luận, bộ trưởng Ngoại giao Anh William Hague nói thêm rằng ông Assad cuối cùng sẽ phải từ chức. Ông nói:

“Chúng tôi cũng có lập trường rõ ràng như Chủ tịch phe đối lập Ahmad Jarba, là ông Assad không có vai trò nào trong một nước Syria hòa bình và dân chủ.”

Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry cũng cảnh cáo chống lại việc sử dụng võ lực để chấm dứt vụ xung đột tại Syria. Ông Kerry nói :

“Chúng tôi tin là con đường chiến tranh sẽ chỉ dẫn tới sự bùng nổ của Syria. Nó sẽ dẫn tới sự gia tăng các tổ chức cực đoan và chủ trương quá khích. Nó sẽ dẫn tới thêm nhiều dân tị nạn tràn qua biên giới và gây căng thẳng cho nhiều nước  láng giềng. Nó sẽ gây bất ổn thêm cho vùng này và cuối cùng dẫn tới sự tan rã của quốc gia Syria.”

Cuộc giao tranh tại Syria đã giết hại hơn 100 000 người và buộc hằng triệu người phải bỏ nhà đi lánh nạn từ tháng 3 năm 2011.

binhthanh

binhthanh

Posted by binhthanh

: