Thông tin được đưa ra tại buổi họp ban chỉ đạo phòng chống dịch diễn ra tại Hà Nội sáng 23/4.
Tiến sĩ Trần Như Dương, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, từ đầu năm đến nay, trong số gần 1.000 mẫu bệnh phẩm hô hấp được thu thập có gần 120 mẫu dương tính với cúm, chiếm hơn 12%. Trong đó nổi bật lên là cúm H1N1, sau đó là cúm B và H3N2. Tương tự, trong số 335 mẫu bệnh phẩm của các trường hợp nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính, thì tác nhân cúm chiếm hơn 8%, trong đó cũng ghi nhận sự trội lên của virus H1N1.
“Vào thời điểm đại dịch năm 2009, chủng cúm H1N1 này chiếm đến 90-95%, sau đó có những lúc gần như biến mất, bị cúm B và cúm H3N2 thay thế, giờ lại phát triển trội lên. Tuy nhiên, đây cũng là quy luật bình thường của cúm mùa”, tiến sĩ Dương cho biết.
Cúm H1N1 dễ diễn biến nặng lên ở nhóm người cao tuổi, trẻ, thai phụ, người mắc bệnh mãn tính. Ảnh:P.N. |
Cũng theo tiến sĩ Dương, cúm H1N1 lưu hành như một cúm mùa thông thường nhưng người dân không nên chủ quan. Bản chất của cúm là bệnh nghiêm trọng, có thể gây tử vong. Trên thế giới mỗi năm ghi nhận 250-500.000 ca tử vong vì cúm.
Trong đó, cúm H1N1 nguy hiểm hơn vì có thể lây từ người sang người, chính vì thế virus này từng gây ra đại dịch trên toàn thế giới vào năm 2009. Đa phần các ca nhiễm cúm là nhẹ, tự khỏi bệnh nhưng vẫn có tỷ lệ tử vong nhất định. Nguy cơ tử vong cao hơn ở người già, trẻ em, thai phụ hoặc người mắc bệnh mãn tính.
“Các nghiên cứu gần đây cho thấy chưa có sự biến đổi về độc lực theo hướng mạnh lên của chủng cúm này. Còn việc có những người trẻ, khỏe nhưng vẫn có thể tử vong là vì đây là những người có cơ địa mẫn cảm nên khi bị bệnh dễ tiến triển nhanh, gây suy hô hấp, suy đa phủ tạng và tử vong”, tiến sĩ Dương nói.
Giáo sư Trịnh Quân Huấn, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế cũng cho biết, cúm H1N1 chỉ có ở trên người, lan truyền theo đường hô hấp nên lây rất nhanh. Từ đầu năm đến nay, Thanh Hóa, Yên Bái đều đã ghi nhận các chùm ca bệnh.
Theo ông, các Viện cần nghiên cứu dịch tễ học sâu hơn để lý giải đường lây ở đâu, tại sao năm 2012 ít đến năm 2013 lại bùng lên lớn, từ đó đưa ra các khuyến cáo phù hợp.
Các chuyên gia khuyến cáo, những trường hợp sốt cao, khó thở cần đến cơ sở y tế ngay, không được chủ quan để ở nhà. Thực tế, các ca H1N1 biến chứng nặng đều do đến viện quá muộn, mất đi “thời gian vàng” dùng tamiflu là 3 ngày đầu khi có biểu hiện bệnh. Thuốc có tác dụng ức chế sự nhân lên của virus trong cơ thể, làm bệnh diễn biến nhẹ hơn.
Bên cạnh đó, người dân có thể đi tiêm vắcxin để phòng bệnh. Đồng thời tuân thủ các biện pháp phòng cúm nói chung như: thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh cá nhân, súc miệng hàng ngày bằng nước sát khuẩn, ăn thức ăn đủ chất dinh dưỡng để ngăn ngừa nhiễm virus cúm. Khi bị cúm thì nên đeo khẩu trang, che miệng khi ho, không khạc nhổ bừa bãi.
Ngoài ra, người dân cũng không nên lơ là với dịch cúm gia cầm H5N1. Từ đầu năm đến nay cả nước đã ghi nhận 2 ca mắc tại Long An, Đồng Tháp, một trường hợp tử vong. Hiện dịch trên gia cầm diễn biến hết sức phức tạp, đáng chú ý hàng nghìn con chim yến đã bị tiêu hủy.
Trong khi đó, tại Trung Quốc dịch cúm H7N9 chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Đến nay đã có 104 trường hợp mắc, 21 người tử vong. Hiện mới có 13 trường hợp xuất viện, vẫn chưa xác định được nguồn truyền nhiễm. Thực tế, hơn 50% không xác định nguồn truyền nhiễm, vì thế chưa loại trừ nguyên nhân bệnh lây từ người sang người dù chưa rõ.
Có nguồn gốc từ lợn, cúm H1N1 bùng phát mạnh mẽ vào năm 2009, tốc độ lây lan cao. Tại Việt Nam, hàng nghìn người đã nhiễm virus cúm và hơn 50 người tử vong. Từ đầu năm đến nay, cũng đã ghi nhận 3 ca tử vong vì cúm H1N1, gồm một thanh niên 23 tuổi và một người đàn ông 46 tuổi, đều ở Yên Bái và một bé gái 12 tuổi ở Thanh Hóa. |
Theo vnexpress.net