TT – Người Tây Ban Nha đang bàn tán về khả năng thoái vị của vua Juan Carlos sau khi sức khỏe của quốc vương xấu đi cùng những vụ lùm xùm không hay về gia đình hoàng gia.

Công chúa Cristina duyệt đội danh dự trong một sự kiện hồi năm 2008 Ảnh: Reuters

Những ngày qua chẳng vui vẻ gì với hoàng tộc Tây Ban Nha khi công chúa Cristina bị truy tố vì gian lận thuế và rửa tiền hôm 7-1. Công chúa phải ra tòa vào ngày 8-3 tới sau một cuộc điều tra kéo dài. Các cáo buộc đối với công chúa Cristina liên quan đến chồng bà, cựu tuyển thủ Olympic môn bóng ném Inaki Urdangarin.

“Công chúa không nên nhận được bất cứ sự đối xử đặc biệt nào. Cũng như bất kỳ người Tây Ban Nha nào, công chúa sẽ phải tuân thủ những gì mà hệ thống tư pháp quyết định cuối cùng”

Nhật báo El Mundo bình luận

Phò mã bị truy tố vì biển thủ 6 triệu euro (khoảng 8 triệu USD) công quỹ thông qua quỹ từ thiện của mình. Cả hai vợ chồng công chúa đều bác bỏ các cáo buộc. Giới quan sát nhìn nhận một phiên tòa công khai xét xử người hoàng tộc sẽ là một cú trời giáng đối với gia đình hoàng gia vốn đang mất đi sự tín nhiệm từ người dân trong những năm qua.

Công chúa cũng như dân thường

Theo AFP, thẩm phán tòa Majorca là Jose Castro đang điều tra các cáo buộc liên quan đến Urdangarin và một đối tác kinh doanh vì biển thủ 6 triệu euro tiền công quỹ thông qua Viện Noos, một tổ chức từ thiện mà phò mã làm chủ tịch. Công chúa Cristina cũng là một thành viên trong hội đồng của Viện Noos. Bà cùng chồng sở hữu một công ty khác là Aizoon mà các nhà điều tra nghi ngờ là bình phong cho việc rửa số tiền đã biển thủ.

Thẩm phán Castro đã mở cuộc điều tra đối với cặp đôi hoàng gia này ba năm trước. Tháng 4 năm ngoái, ông tuyên bố có bằng chứng công chúa hỗ trợ và tiếp tay cho chồng. Theo Reuters, một tòa cấp cao hơn đã bác những cáo buộc này vì nói bằng chứng không đủ. Tuy nhiên, tòa này cũng cho phép ông Castro thêm thời gian điều tra.

Lần này, thẩm phán Castro nói trong một phán quyết rằng ông đã quyết định triệu tập công chúa đến tòa vào ngày 8-3 với tư cách là một nghi can để làm rõ về các tội trốn thuế và rửa tiền. Hoàng gia sau đó đã ra tuyên bố nói sẽ “tôn trọng các quyết định pháp lý”.

Theo AFP, đây là lần đầu tiên trong lịch sử hiện đại, một người thân thích của nhà vua sẽ phải ra tòa. Giới quan sát cho rằng đây là một trong những vụ bê bối tham nhũng cấp cao ở Tây Ban Nha vốn làm xói mòn lòng tin của dư luận vào thời điểm kinh tế khủng hoảng bởi các chính sách cắt giảm chi tiêu. Tuy nhiên, Reuters cho biết ở Tây Ban Nha, công tố viên và thẩm phán trong một vụ án thực hiện các cuộc điều tra riêng biệt và đôi khi không đồng tình về cách tiến hành.

Thoái vị hay không?

Cha của công chúa, vua Juan Carlos, xưa nay được kính trọng vì vai trò của ông trong việc chuyển Tây Ban Nha sang nền dân chủ sau cái chết của tướng Francisco Franco năm 1975. Tuy nhiên, vị thế của nhà vua trong thời gian qua bị giảm sút bởi vụ bê bối này và cả chuyến đi săn voi xa xỉ ở Botswana năm 2012.

Chuyến săn voi này cũng là lúc nhà vua bị gãy xương hông. Chuyện nhà vua bị thương khi đi săn voi được công khai và vấp phải sự chỉ trích từ dư luận. Thậm chí có một trang web còn thu thập gần 40.000 chữ ký kêu gọi nhà vua từ chức chủ tịch chi nhánh Tây Ban Nha của Quỹ động vật hoang dã thế giới (WWF).

Dư luận càng bức xúc hơn khi biết tin trang web của công ty du lịch mà nhà vua sử dụng, quảng cáo rằng chuyến đi săn kéo dài 14 ngày có giá gần 60.000 USD. Thông tin này chẳng dễ chịu gì đối với người dân Tây Ban Nha đang vật lộn trong khủng hoảng kinh tế.

Lệnh triệu tập của tòa đối với công chúa Cristina đến chỉ một ngày sau khi vua Juan Carlos xuất hiện tại một buổi lễ duyệt binh với đôi nạng. Đây là lần đầu tiên ông xuất hiện trước công chúng kể từ khi trải qua cuộc phẫu thuật hông hôm 21-11-2013, lần phẫu thuật thứ chín kể từ tháng 5-2010. Ông nói lắp bắp nhiều lần trong bài diễn văn dài 10 phút khiến dư luận quan ngại về sức khỏe của ông.

Hàng loạt vấn đề về sức khỏe nhà vua và các vụ bê bối đã khiến dư luận đồn đoán về tương lai của vương triều. Tỉ lệ tín nhiệm nhà vua giảm 9% trong năm 2013, xuống còn 41%. Tỉ lệ tín nhiệm chung đối với hoàng gia cũng chỉ còn 49%. Nhiều người còn muốn ông thoái vị để nhường ngôi cho hoàng tử Felipe, năm nay 45 tuổi, với tỉ lệ tín nhiệm trong dân tăng 17% lên mức 62%.

Theo AFP, cả hoàng cung và nhà vua đều khẳng định không nghĩ tới chuyện thoái vị. Tuy nhiên, nhà báo De La Lama thuộc Hãng thông tấn EFE, người đưa tin về nhà vua trong 40 năm, cho rằng những tháng tới đây sẽ là chặng đường khó khăn của hoàng gia. “Nếu những vấn đề này không chìm vào quên lãng thì tới mùa hè chúng ta sẽ chứng kiến một sự thoái vị” – nhà báo này nói.

Việt Phương

khahan

Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng!

khahan

Posted by khahan

:

Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng!