ANTĐ – “Nếu châu Âu thất bại trong vấn đề người tị nạn, đó sẽ không phải là một châu Âu mà chúng ta mong mỏi xây dựng”, đó là câu nói đầy ấn tượng của Thủ tướng Đức Angela Merkel vào cuối tháng 8-2015, thời điểm người tị nạn đã tràn qua biên giới của Đức với số lượng kỷ lục. Cách đó không lâu, bà Angela Merkel chưa có quan điểm quyết liệt như vậy, thay đổi bất ngờ có lẽ xuất phát từ “biến cố” với một cô bé 14 tuổi.

reem-sahwil

Reem Sahwil trong buổi gặp Thủ tướng Đức hồi tháng 7-2015

Nữ Thủ tướng “gặp khó”

Một ngày giữa tháng 7-2015, bà Merkel tham gia trả lời trực tiếp trên truyền hình với các học sinh ở Rostock – thành phố phía bắc nước Đức. Ngồi ở hàng ghế đầu là Reem Sahwil 14 tuổi, một cô bé tị nạn người Palestine cùng với gia đình mình từ Lebanon tới Đức cách đây 4 năm. Trước mặt Thủ tướng Merkel, cô bé nói trôi chảy bằng tiếng Đức: “Cháu muốn đi học đại học. Cháu không biết tương lai của mình sẽ ra sao”.

Khi đó, gia đình của Reem Sahwil phải đối mặt với lệnh trục xuất vì đơn xin tị nạn chưa được chấp thuận. Bà Merkel trả lời: “Ta hiểu những gì cháu nói, nhưng hiện có hàng nghìn người Palestine đang sống trong các trại tị nạn ở Lebanon. Nếu nói “tất cả các bạn có thể đến đây”, chúng ta không thể ứng phó với điều đó”.

Nghe những lời đó, Reem Sahwil bật khóc. Bà Merkel cố an ủi cô bé bằng cách vỗ nhẹ vai cô. Đoạn video ghi lại cảnh này lan truyền trên mạng với tốc độ chóng mặt. Hình ảnh đó khiến bà Merkel bị chỉ trích là “nhẫn tâm và lạnh lùng”, nhưng Reem đánh giá cao sự trung thực của nữ Thủ tướng. “Bà ấy là một người rất tốt. Tất cả tại vì lúc đó cháu lo lắng quá”, cô bé này giờ mới chia sẻ.

Bây giờ nhìn lại, sự việc đó có thể coi là dấu mốc cho một thay đổi mang tính bước ngoặt. Mặc dù Reem và gia đình cô bé không nằm trong làn sóng mới nhất của dòng người tị nạn từ Syria và Iraq chảy vào châu Âu, nhưng Reem đã trở thành một biểu tượng của cuộc khủng hoảng di cư, một số phận cụ thể chứ không phải là con số khô khan.

Qua giai đoạn đầy biến động

Đối với Reem và gia đình cô, buổi tiếp xúc với bà Merkel hôm ấy đã thay đổi mọi thứ. Tại căn hộ của họ ở một khu chung cư ngoại ô Rostock, ông Atif tâm sự: “Lúc đầu, chúng tôi bị dọa được gửi trở lại Lebanon, điều đó thật khủng khiếp”. Khoảng 2 tuần sau, dòng người tị nạn đổ về châu Âu tạo ra cuộc khủng hoảng di cư lớn chưa từng có kể từ sau Thế chiến II. Lúc đó, gia đình Reem vẫn không chắc chắn họ có được phép ở lại hay không. Thị trưởng thành phố Rostock, Roland Methling hứa sẽ xem xét lại trường hợp của Reem “cẩn thận”. Cuối cùng, gia đình ông Atif đã được trao giấy phép cư trú.

Đáng nói là vào trung tuần tháng 7, Đức đã dự đoán rằng đơn xin tị nạn có thể lên đến 450.000 người vào cuối năm 2015. Chỉ vài ngày sau khi gặp gỡ cô bé Reem, bà Angela Merkel đã được Bộ trưởng Nội vụ Thomas de Maizière thông tin rằng con số thực sự có khả năng sẽ lên đến 800.000 người. Nhưng ngay từ tháng 7, Đức đã tiếp nhận lượng người tị nạn nhiều hơn bất kỳ quốc gia châu Âu nào khác. Trong khi đối mặt với áp lực gia tăng, Thủ tướng Đức đã quyết định mở cửa đón nhận tất cả người Syria muốn tới Đức. Hành động quyết liệt này góp phần định hình chính sách của Đức cũng như của châu Âu đối với người tị nạn.

Hiện giờ, gia đình Reem Sahwil vẫn cho mình là những người may mắn, bởi nhiều người tị nạn đang phải tìm kiếm một ngôi nhà an toàn. “Chúng tôi cảm ơn ông Thị trưởng Rostock và bà Angela Merkel. Chúng tôi xem Đức như quốc gia của mình và muốn làm việc, cống hiến”, ông Atif nói. Những ngày này, Reem đang tập trung vào việc học và tiếp tục theo đuổi ước mơ vào đại học. Cô bé yêu quý ngôi trường nơi mình đang học và coi đó như “ngôi nhà thứ hai”. Trước đây Reem và anh trai cô là 2 người tị nạn duy nhất tại trường họ, nhưng giờ họ có thêm 2 bạn gái mới đến từ Syria. Có thời gian, Reem lại dạy cho họ tiếng Đức để làm quen với môi trường mới nhanh hơn.

Yên Vũ

Cuộc đời này vốn dĩ là vô thường.

Posted by khaihuy

:

Cuộc đời này vốn dĩ là vô thường.