1. Luật sư Nguyễn Đình Hưng, bào chữa cho ông Dương Tự Trọng: “Việc Dương Chí Dũng sang Campuchia bằng đường tiểu ngạch là không xâm phạm quy định quản lý về xuất nhập cảnh”.

    “Vì tính chất vụ án tại Vinalines lộ ra sau này, các bị cáo trong vụ án này đã phải chịu áp lực ảnh hưởng là vi phạm nghiêm trọng. Chính tình tiết có người mật báo với Dương Chí Dũng nói “chú né đi” nên mới có hành động của các bị cáo. Do đó, nên dừng vụ án này, chờ làm rõ hành vi đó thì mới xem xét vụ tổ chức người khác đưa đi nước ngoài mới được xem xét đúng bản chất…”.

    Tuy nhiên đề nghị của LS Hưng đã bị bác.

  2. Ông Dương Tự Trọng nói lời cuối trước tòa:

    “Tôi không hiểu vì sao lại nói tôi ngoan cố. Trước toà, vì trí nhớ nên tôi nói không phản đối, không xác nhận. Tôi không thắc mắc gì nhưng không thể vì vậy mà kết luận là ngoan cố được”.

    “Tôi mong xét xử khách quan, đánh giá đúng người đúng tội, mở lượng khoan hồng để những người đứng trước vành móng ngựa có cơ hội làm lại. Cá nhân tôi, tôi chấp nhận chấp hành án”.

  3. Báo trong nước đưa tin Viện Kiểm sát đã bác đề nghị trả hồ sơ vụ án điều tra lại mà một số luật sư đưa ra. Đại diện bên công tố khẳng định việc ông Dương Tự Trọng lên kế hoạch đưa cựu Cục trưởng cục Hàng hải Dương Chí Dũng trốn ra nước ngoài “đã được điều tra đầy đủ”.

     

  4. Tòa án TP Hà Nội dự tính sẽ tuyên án vào lúc 15:00 chiều thứ Tư 9/1, sau một ngày rưỡi xét xử ông Dương Tự Trọng và một số bị cáo khác tội “Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài” theo quy định tại khoản 3 Điều 275 Bộ Luật hình sự.

  5. VnExpress: Cựu cục trưởng Hàng hải Dương Chí Dũng cho biết tại tòa hôm 7/1 rằng sau khi bị tuyên án tử hình do sai phạm trong quản lý tại Vinalines, ngày 25/12/2013 ông đã gửi một lá đơn tố cáo dài 16 trang tới nhiều cơ quan.

    “Tôi đã bị tuyên án tử hình nên ra đây tôi chỉ khai sự thật và sự thật không giấu được nên tôi khai ngày hôm nay như vậy”.


  6. Báo Tuổi Trẻ cung cấp thêm chi tiết về “quan hệ” giữa ông Dương Chí Dũng và Thứ trưởng Công an Phạm Quý Ngọ, theo lời khai của ông Dũng tại tòa hôm 7/1.

    Theo đó, số tiền mà ông Dũng hối lộ cho ông Ngọ (trong tường thuật của Tuổi Trẻ được nêu danh là cán bộ cao cấp của Bộ Công an) lên tới 1 triệu 500 nghìn đôla Mỹ. Ngoài khoản nửa triệu chuyển hôm 2/5/2013 tại nhà riêng ông Ngọ sau khi ông bị cơ quan điều tra triệu tập; ông Dũng còn nhận của chủ Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, TP.HCM, có tên là Lan 1 triệu đôla để chuyển cho ông Ngọ trong vụ liên quan đến dự án di dời chuyển đổi công năng cảng Sài Gòn.

  7. Blog Cầu Nhật Tân: Cứ đập Dương Chí Dũng thật mạnh là lòi ra Thượng tướng. Đập mạnh Thượng tướng là lòi ra cụ kia ngay.

  8. Blog Người Buôn Gió có bài ‘Đâu rồi khí phách báo CA, QĐ và Petrotimes?

    Sự kiện động trời của ngày hôm nay khi mà tại tòa án Hà Nội , bị cáo Dương Chí Dũng bật khai rõ ràng về người cung cấp tin cho Dũng trốn chạy là tướng cảnh sát Phạm Quý Ngọ. Theo Dương Chí Dũng thì ông Ngọ đã từng cầm 10 nghìn, 500 nghìn, 1 triệu usd của ông và bà Lan. Tin tức ngay lập tức được tường thuật trực tiếp công khai trên nhiều tờ báo.

    Nhưng nếu tinh ý chúng ta nhận thấy những tờ báo hăng hái hàng đầu, có khi còn đi trước cả phiên tòa trong việc luận tội, bàn định như các tờ QĐND, CAND, Lao Động, Petrotimes lại im lặng hoặc đưa tin không đầy đủ.

    Chắc chúng ta quá quen thuộc với những tờ báo vốn dĩ hay cầm đèn chạy trước ô tô trong các vụ việc của những nhà đấu tranh dân chủ, bất đồng chính kiến. Những tờ báo luôn sẵn sàng đi trước phiên tòa để phán xét, khép tội những người đấu tranh như Cù Huy Hà Vũ, Lê Quốc Quân….Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Công Định, Nguyễn Văn Hải ( điếu cày ). Các bài của báo này cho thấy họ ê hề thông tin, cảm tưởng như chính họ là những người năm trong ban điều tra vụ án.

  9. Lời khai thu hút dư luận của ông Dương Chí Dũng được tiết lộ khoảng hai tuần sau phiên họp thứ 4 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.

    Tại phiên họp này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban, được dẫn lời nói ông “Hoan nghênh các thành viên Ban chỉ đạo hoạt động đều tay, tâm huyết và trách nhiệm, có sự phân công, phối hợp tương đối tốt. Tuy nhiên, còn nhiều việc còn phải làm, còn nhiều khó khăn gian nan, phức tạp, cần phải cố gắng, nỗ lực, không được chủ quan.

    “Ban Chỉ đạo đã làm đúng chức năng, nhiệm vụ, không buông lỏng sự lãnh đạo của Đảng, nhưng cũng không bao biện, làm thay cơ quan chức năng. Đây là Ban Chỉ đạo của Bộ Chính trị lập ra trong hệ thống tổ chức của Đảng, chỉ đạo các cơ quan của Đảng.”

  10. Bình luận về bê bối kinh tế nói chung tại Việt Nam, Giáo sư Jonathan D. London trong bài “ Nguyễn Tấn Dũng là ai?” trên blog cá nhân viết:

    Suy thoái kinh tế gần đây ở Việt Nam, mặc dù có một phần xuất phát từ suy thoái toàn cầu và sụt giảm tương tứng về đầu tư trực tiếp nước ngoài, nhưng cũng liên quan chủ yếu đến những khiếm khuyết về thể chế của đất nước và khoảng trống lãnh đạo lâu dài của nó.

    Cho mãi tới gần đây, năng lực lãnh đạo của ông Dũng trong các vấn đề kinh tế chắc chắn vẫn bị người ta đặt dấu hỏi nghi vấn. Bởi vì dưới sự lãnh đạo của ông, kinh tế Việt Nam nghiêng ngả vì vô số những vụ bê bối hàng tỉ đô la liên quan đến doanh nghiệp nhà nước, và bị đe dọa bởi núi nợ xấu ngày càng cao thêm.

  11. Báo Tuổi Trẻ đưa tin Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ngày 06/01/2014 tiếp xúc cử tri quận Tây Hồ để báo cáo kết quả kỳ họp thứ 6 của Quốc hội.

    “…Tổng Bí thư nói: tham nhũng hiện nay khó chịu ở chỗ khá phổ biến, đua nhau.

    Thứ hai là nó có tổ chức rồi, như chúng tôi nói là lợi ích nhóm, câu kết với nhau. Còn quyền lực là còn tham nhũng. Mục đích đặt ra là phải tìm cách trị tận gốc. Thời gian tới phải tập trung vào phòng, làm cho người ta không dám tham nhũng, không muốn tham nhũng, không thể tham nhũng….

    “Chứng minh quyết tâm chống tham nhũng, Tổng bí thư cho biết từ đầu năm đến nay đã đưa ra xét xử một số vụ án nghiêm trọng, tới đây sẽ đưa ra xử những vụ án lớn như vụ bầu Kiên, vụ Dương Chí Dũng…Vừa rồi chúng ta vừa xử vụ lớn có hai án tử hình. Từ trước đến nay chúng ta chưa có tử hình, trừ vụ Trần Dụ Châu trước kia (thời Bác Hồ)” – Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng dẫn chứng.

  12. VnExpress đã liên lạc qua điện thoại với Thứ trưởng Phạm Quý Ngọ về những lời khai của Dương Chí Dũng. Ông Ngọ phủ nhận, cho hay: “Tôi không liên quan đến việc bỏ trốn của Dương Chí Dũng. Dũng khai là chuyện của anh ta, trách nhiệm của cơ quan điều tra là phải làm rõ việc này”.

    Ông Phạm Quý Ngọ là Trưởng ban chuyên án điều tra các sai phạm tại Vinalines. Hiện ông Ngọ đang trong giai đoạn điều trị bệnh.

    Nghe đoạn VNexpress thu âm khi gọi điện cho Tướng Ngọ.

  13. Trang điện tử Danviet.vn: “Tôi rất thương các anh em chỉ vì giúp tôi mà phải vào tù, tôi rất thương em trai mình và sẵn sàng chết để cho em tôi sống,” Dương Chí Dũng nói trước tòa.

  14. Đúng một năm trước vào tháng 1/2013, VnExpress đăng tải tin ông Nguyễn Bá Thanh đã gây xôn xao dư luận với câu nói về thái độ không khoan nhượng với tham nhũng:

    “Nói đến tham nhũng, ông Nguyễn Bá Thanh nhấn mạnh: ‘Sắp tới tôi sẽ rà một số cái, cho hốt liền, không nói nhiều'”.

  15. Báo Dân Trí: Trưởng Ban Nội chính Trung Ương Nguyễn Bá Thanh một mình theo dõi phiên xử sơ thẩm Dương Tự Trọng và các đồng phạm qua phòng truyền hình trực tiếp tại TAND Hà Nội.

    Phòng theo dõi qua truyền hình dành cho các cơ quan chức năng, cán bộ, lãnh đạo tòa án được bố trí cùng khu vực phòng tác nghiệp, đưa tin về phiên tòa của phóng viên báo chí. Tuy nhiên, trong phòng truyền hình chỉ có Trưởng Ban Nội chính TƯ lặng lẽ ngồi theo dõi phiên xử.

    Trước đó trong phiên tòa xét xử anh trai cựu Phó Giám đốc Công an Hải Phòng – cựu Chủ tịch Vinalines Dương Chí Dũng và các đồng phạm tại TCty Hàng Hải Việt Nam, Trưởng Ban Nội chính TƯ, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo TƯ về phòng chống tham nhũng cũng ngày ngày một mình đến tòa Hà Nội tham dự.

  16. Báo Tuổi Trẻ: Theo đại diện Viện Kiểm sát, tại phiên tòa hôm nay, căn cứ vào lời khai của các bị cáo và các nhân chứng thì thấy có dấu hiệu của tội cố ý làm lộ bí mật công tác, đại diện Viện Kiểm sát kiến nghị Hội đồng xét xử có kiến nghị khởi tố vụ án cố ý làm lộ bí mật công tác theo điều 286 Bộ luật hình sự.

    Đối với nội dung Dương Chí Dũng khai đưa và nhận hối lộ liên quan đến việc điều tra những sai phạm xảy ra tại công ty Vinalines có dấu hiệu ép cung mớm cung, đề nghị Hội đồng Xét xử kiến nghị trong bản án đến cơ quan có thẩm quyền để điều tra theo quy định của pháp luật.

  17. Báo Thanh Niên: Ngày 13/5, [Dương Chí] Dũng đi công tác Hà Tĩnh. Hôm sau ra có điện cho ông [Phạm Quý] Ngọ nhưng thấy tắt máy, điện lại vào số cũ thì ông Thứ trưởng Phạm Quý Ngọ nghe máy và đồng ý hẹn tới nhà ông này. Tại đây Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Quý Ngọ nói tình hình có căng thẳng, nhất là khi Trung ương vừa họp, C48 (Cục cảnh sát điều tra tội phạm chống tham nhũng) đề nghị khởi tố 3 người, trong đó có Dũng là người đứng đầu.

    Đang nói chuyện thì Thứ trưởng Ngọ có điện thoại. Nghe hết cuộc điện thoại, ông này quay ra nói là Chủ tịch nước nói làm sớm, làm nghiêm vụ Vinalines trước kỳ họp Quốc hội cuối tháng 5.2012. Chủ tịch nước trước đó không đồng ý gặp Dương Chí Dũng.

  18. Báo Thanh Niên: Cục trưởng Cục cảnh sát chống tham nhũng (C48) nói ‘không liên quan’ đến Dương Chí Dũng

    Trả lời Thanh Niên Online vào cuối giờ chiều ngày 7.1, ông Trần Duy Thanh, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng (C48) Bộ Công an nói ông “không nắm được” và “không liên quan gì” đến việc Dương Chí Dũng bỏ trốn.

    Ông Thanh là một trong 2 nhân vật cấp cao của Bộ Công an bị Dương Chí Dũng, nguyên Chủ tịch HĐQT Vinalines khai trước tòa (vào ngày 7.1) đã nhận các khoản tiền hàng chục ngàn USD.

    Tại phiên tòa xét xử các bị cáo tổ chức cho người khác trốn ra nước ngoài vào ngày 7.1, Dương Chí Dũng với vai trò là nhân chứng, khai vào chiều 17.5.2012 đã nhận được điện thoại của của Thượng tướng – Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Quý Ngọ báo Dũng bị khởi tố, bắt giam và khuyên nên tránh đi một thời gian.

    Trả lời Thanh Niên Online, trung tướng Nguyễn Danh Cộng, Chánh văn phòng, kiêm người phát ngôn của Bộ Công an cho rằng các thông tin liên quan đến vụ án Dương Tự Trọng đang được xét xử nên báo chí nên lấy thông tin từ tòa án, còn bộ chưa có phát ngôn nào.

     

  19. Báo PetroTimes với Tổng Biên tập là Đại tá Nguyễn Như Phong, cựu Phó Tổng biên tập Báo Công an Nhân dân có chạy tin về phiên xử Dương Tự Trọng, em trai Dương Chí Dũng, nhưng không hề đề cập tới chi tiết liên quan tới cáo buộc hối lội liên quan tới Tướng Ngọ.

  20. Bài báo ‘ Xét xử vụ án tổ chức người khác trốn đi nước ngoài‘ của báo điện tử Nhân Dân không đề cập tới bất kỳ chi tiết nhỏ nào trong lời khai của ông Dương Chí Dũng liên quan tới Thứ trưởng Công an Phạm Qu‎‎ý Ngọ.

  21. Báo Công an Nhân dân, vốn theo dõi sát các vụ án và vụ xử hình sự, chưa có bài cập nhật lời khai của ông Dương Chí Dũng mà thay vào đó đưa tin về hoạt động từ thiện tại Hải Phòng.

    Trang nhất bản điện tử của báo này đưa tin lãnh đạo ngành công an ‘ Mang quà Tết đến với đồng bào nghèo Hải Phòng’.

    Thành phần thăm và tặng quà đồng bào nghèo gồm Đại tá Phạm Văn Miên, Tổng Biên tập Báo CAND dẫn đầu, cùng Thiếu tướng Đỗ Hữu Ca, Giám đốc Công an TP Hải Phòng và đại diện một công ty cổ phần.

    Ông Đỗ Hữu Ca, từng mang hàm đại tá, giám đốc công an Hải Phòng, được thăng lên hàm Thiếu tướng theo quyết định của Thủ tướng Dũng hồi tháng 7/2013.

    Ông Đỗ Hữu Ca hồi năm 2010 đã thu hút nhiều sự chú ý của báo chí và dư luận vì những phát biểu về vụ cưỡng chế “hiệp đồng tác chiến cực kỳ hay” tại Tiên Lãng.

  22. Vnexress: Ông Dũng cho hay trong quá trình điều tra “rất sợ bị ám sát”.

    Theo lời khai, ông từng bị đưa vào trại giam ở Lạng Sơn, gặp nhiều thanh niên bặm trợn trong phòng nên đã lo sợ cho sự an toàn tính mạng. “Cũng may cho tôi, không bị đánh, tôi đã tử tế, nhún nhường với nhóm cùng phòng. Nhưng vẫn chưa yên tâm, sau đó tôi đăng ký với anh quản giáo để được chú ý giúp không để xảy ra chuyện gì”, Dương Chí Dũng trình bày.

    Ông Dũng cho biết, sau khi bị tuyên án tử hình về tội Tham ô tài sản và Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế vào ngày 16/12/2013, đã viết đơn tố cáo dài 16 trang gửi đến nhiều nơi, có cả những cơ quan lãnh đạo cao nhất. Nhân chứng này khai đã “nhớ hết nội dung đã viết”, và thuật lại những lần liên lạc với ông Ngọ trước thời điểm bỏ trốn.

  23. Báo Pháp luật TPHCM (Ngày 16/10/2012): Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại buổi tiếp xúc với cử tri quận Ba Đình của Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội cho biết “tới đây sẽ đặc biệt chú trọng xây dựng các cơ chế, chính sách để giám sát, quản lý chặt chẽ, không để xảy ra những cái sai như vụ Vinalines, Vinashin”.

  24.  

    Để có thể tiến hành điều tra công bằng, khách quan, Thượng tướng Phạm Quý Ngọ, Ủy viên Trung ương Đảng, nên bị tạm đình chỉ mọi chức vụ hiện thời, luật sư Trần Quốc Thuận nói với BBC Tiếng Việt.

    Đã xuất hiện tình tiết mới trong phiên xử buổi chiều tại phiên tòa xử Dương Tự Trọng khi nhân chứng Dương Chí Dũng khai rằng ‘đã đưa 500.000 USD’ cho người mật báo.

    Trước đó, ông Dũng đã khai người mật báo tin cho ông bỏ trốn hôm 17/5 năm 2013 là Thượng tướng Phạm Quý Ngọ, thứ trưởng Công an.

    Lời khai của ông Dương Chí Dũng trước tòa hôm 7/1 là “một thách thức cho cơ quan điều tra, là một thách thức cho ông giáo sư tiến sỹ luật Trần Đại Quang, Bộ trưởng Công an, Ủy viên Bộ Chính trị”, luật sư Thuận từ TP Hồ Chí Minh nói.

    Cơ quan có quyền đình chỉ chức ủy viên Trung ương Đảng là Bộ Chính trị, trong lúc người có thẩm quyền đình chỉ chức thứ trưởng là Thủ tướng, luật sư Thuận cho biết thêm.

  25. Báo Pháp Luật: “Sau khi đề nghị mức án đối với từng bị cáo đại diện VKS đề nghị: “Tại phiên tòa, Dương Chí Dũng và Vũ Tiến Sơn khai việc Dũng bỏ trốn do được Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Quý Ngọ tiết lộ. VKS thấy có dấu hiệu của tội làm lộ bí mật công tác, đề nghị HĐXX xem xét khởi tố vụ án hình sự cố ý làm lộ bí mật công tác.”

  26. Tội cố ý làm lộ bí mật công tác (Điều 286 Bộ luật Hình sự)

    1. Người nào cố ý làm lộ bí mật công tác hoặc chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy tài liệu bí mật công tác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 80 và Điều 263 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm.

    2. Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

    3. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

     

  27. Báo Tuổi Trẻ chạy bài ‘ Đề nghị khởi tố người “mật báo” tội cố ý làm lộ bí mật công tác

    “Theo đại diện Viện Kiểm sát (VKS), tại phiên tòa hôm nay, căn cứ vào lời khai của các bị cáo và các nhân chứng thì thấy có dấu hiệu của tội cố ý làm lộ bí mật công tác, đại diện VKS kiến nghị HĐXX có kiến nghị khởi tố vụ án cố ý làm lộ bí mật công tác theo điều 286 Bộ luật hình sự.”

  28. Dương Chí Dũng khai rằng ‘đã đưa 500.000 USD’ cho người mật báo.

    Cả hai báo Dân trí và Người Lao Động đều tường thuật chi tiết về lời khai này của ông Dũng, nhưng không nêu đích danh ông Phạm Quý Ngọ mà chỉ ghi là ‘một ông anh’.

    Theo tường thuật của Dân Trí, thì nhân chứng Dũng khai rằng vợ chồng ông đã đến thăm vợ chồng ‘ông anh’ sau khi nhận được giấy triệu tập của Bộ Công an đến để thẩm vấn về thương vụ ụ nổi 83M hồi cuối tháng Tư.

    Thượng tướng Phạm Quý Ngọ từng là trưởng Ban chuyên án điều tra vụ Vinalines của Dương Chí Dũng.

    “Lúc đấy ‘ông anh’ đang nghỉ mát tại Tuần Châu, tỉnh Quảng Ninh, và đã chờ Dương Chí Dũng đến để gặp, theo lời khai của Dương Chí Dũng trước Tòa được dẫn lại. Khi đó, ông Dũng khai là đã ‘có quà cho ông anh’.

    Đến tối ngày 2/5, tức là nửa tháng trước khi có quyết định khởi tố bắt tạm giam, Dương Chí Dũng đến nhà ‘ông anh’ một lần nữa. Lần này, ông Dũng khai rằng có đem theo ‘túi đựng phong bì tiền’ để ‘biếu ông anh’.

    ‘Ông anh’ này còn gợi ý ông Dũng ‘dùng sim rác’ để liên lạc với ông.

    Trang baomoi.com cho biết số tiền mà ông Dũng đưa cho ông Ngọ tại Tuần Châu là 10.000 USD, còn tại nhà riêng ông Ngọ là 500.000USD

  29. Báo An ninh Thủ đô: Đến dự Hội nghị tập huấn Luật xử lý vi phạm hành chính và các nghị định có liên quan cho công an các địa phương hôm 5/12/2013 ở Hà Nội, Thượng tướng Phạm Quý Ngọ, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an đã ‘đặc biệt nhấn mạnh đến công tác quản lý, chấn chỉnh tư thế, lễ tiết tác phong của cán bộ cảnh sát trong khi làm nhiệm vụ, tiếp xúc với nhân dân, người vi phạm’.

  30. Luật sư Trần Quốc Thuận từ TP Hồ Chí Minh nói với BBC Tiếng Việt:

    “Lời khai của ông Dương Chí Dũng trước tòa hôm nay là một thách thức cho cơ quan điều tra, là một thách thức cho ông giáo sư tiến sỹ luật Trần Đại Quang, Bộ trưởng Công an, Ủy viên Bộ Chính trị.”

  31. Báo Điện tử Chính phủ: “Nhắc lại thông điệp đầu năm 2014 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về chính sách cán bộ: ‘Mọi cơ quan, công chức đều phải được giao nhiệm vụ rõ ràng. Việc đánh giá tổ chức, cán bộ, công chức phải căn cứ vào kết quả hoàn thành nhiệm vụ.

    “Phải hoàn thiện tiêu chí đánh giá và cơ chế kiểm soát thực thi công vụ. Người đứng đầu cơ quan hành chính phải chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao và phải được trao quyền quyết định tương ứng về tổ chức cán bộ.”

  32. Đây không phải là lần đầu tiên một thứ trưởng công an ở Việt Nam bị cáo buộc trong vụ án lớn có án tử hình. Hình của AFP hôm 4/6/2003 chụp Thứ trưởng Bùi Quốc Huy trong vụ Năm Cam. Khi đó tòa án tại TPHCM xử 154 bị cáo, gồm hai cựu ủy viên Trung ương Đảng, 13 cán bộ cao cấp của Bộ Công an và hai kiểm sát viên.

  33. Quanlambao: Trong bài ‘ Ai tiết lộ thông tin để Dương Chí Dũng trốn thoát?’ Đăng trên trang quanlambao từ tháng Sáu 2012, tác giả Thám Tử viết:

    “…Tại sao Cục cảnh sát điều tra của Phạm Quý Ngọ không ký Quyết định khởi tố bị can và bắt tạm Dương Chí Dũng cùng lúc với Phúc và Chiều vào tối 17/5/2012 mà lại phải chờ đến sáng hôm sau Cục Cảnh sát điều tra mới mang Quyết định khởi tố bắt tạm giam Dương Chí Dũng đến văn phòng Bộ Giao thông vận tải và Cục hàng hải?

    “Họ lấy cớ Dương Chí Dũng đang kiêm chức vụ Bí thư Đảng uỷ Cục Hàng hải nên phải làm thủ tục tạm đình chỉ chức vụ Đảng trước khi bị bắt vì Đảng viên ĐCS thì KHÔNG thể mắc sai phạm! Chính điều này đã kéo thêm thời gian cho Dũng trốn thoát.

    “Vậy ai là kẻ đã tiết lộ thông tin và cố tình mua thêm thời gian cho Dương Chí Dũng bỏ trốn đến đây thì ai cũng thấy rõ.”

  34. Báo Giáo dục: Nhắc lại tựa đề bài ông Dương Tự Trọng trên báo Giáo dục 6/1/2014 ‘Lụy tình máu mủ, vướng vòng lao lý’: Trong vai trò là Thủ trưởng cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Hải Phòng, ông Trọng từng được ví là nỗi ám ảnh kinh hoàng đối với các băng nhóm giang hồ đất Cảng. Ông Trọng cũng được coi là ứng cử viên số 1 cho vị trí giám đốc công an Hải Phòng sau này. Sau thời điểm Dương Chí Dũng bỏ trốn chưa đầy một tháng, tháng 6.2012, ông Trọng bất ngờ được điều chuyển về làm Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội. Đến ngày 22.2.2013, ông Trọng bị bắt giam, tước quân tịch.

  35. Theo Tuổi Trẻ, ông Dương Chí Dũng tại tòa hôm 7/1 cũng khai đã hối lộ Đại tá Trần Duy Thanh, Cục trưởng C48, cơ quan điều tra vụ án Vinalines.

    “”Đêm đó anh Ngọ ngồi điện cho anh Thanh cục trưởng C48 (Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng ) thì thấy không nghe máy. Sau đó tôi xin số điện thoại của anh Thanh. Sau đó tôi cũng ngại, không dám gọi cho anh Thanh.”

    “Tôi nhờ anh Hùng con trai anh Ngọ, nhờ dẫn đến nhà anh Thanh. Tối 6-5, tôi đến nhà anh Ngọ, tôi điện cho Hùng nhờ dẫn sang nhà anh Thanh. Tôi gặp anh Thanh, đưa quà cho anh Thanh 20.000 USD và 1 chai rượu. Tôi biếu anh Thanh với mục đích anh Thanh giúp tôi trong việc bị triệu tập điều tra việc mua ụ nổi 83M.”

  36.  

    Trong file âm thanh một số báo trong nước đưa lên mạng, tại phiên tòa xử vụ tổ chức cho ông Dũng đi trốn mà chủ mưu bị cho là người em của ông, cựu Phó Giám đốc Công an Hải Phòng Dương Tự Trọng, ông Dũng nói:

    “Ngày 17/5/2012, buổi trưa tôi có gọi điện cho anh Phạm Quý Ngọ, Thứ trưởng Bộ Công an để hỏi thăm xem anh Ngọ đã về Hà Nội chưa vì anh Ngọ nói với tôi [anh ấy] đi công tác thành phố Hồ Chí Minh, sáng 17 sẽ ra Hà Nội.

    “Anh Ngọ thông báo với tôi là ‘chiều nay thủ tướng nghe vụ của chú’ vì vậy chiều hôm 17/5 tôi loanh quanh ở trung tâm thành phố ở khu vực gần nhà anh Ngọ tại khu vực đường Lý Thường Kiệt, Hai Bà Trưng để chờ anh Ngọ. Tôi có nói với anh Ngọ ‘thế tối em đến anh’. Đến khoảng 17-18g tối ngày 17/5, tôi đang loanh quanh trên trên xe thì anh Ngọ [gọi] điện cho tôi thông báo là ‘Thủ tướng chấp thuận khởi tố [và] bắt tạm giam chú, chú tránh đi một thời gian’. Sau đó, anh ấy nói tiếp rằng là ‘chú tắt điện thoại đi. Sau đó tôi trốn thôi, lúc tối ngày 17/5.

    “…Thực sự là những điều tôi nói đây là những điều, như Chủ tọa nói lúc đầu, là sự thật khách quan. Với tôi, tôi đã bị xử cái vụ cố ý làm trái, tham ô … [với] mức án cao nhất tử hình, tôi toàn nói sự thật.

    “Tôi rất lo vì qua nghe thì tôi thấy em trai tôi [Dương Tự Trọng] tôi rất thương, nhưng mà [em trai tôi] có vấn đề về trí nhớ rồi.”

  37. Trong phiên tòa xét xử Dương Tự Trọng, cựu phó giám đốc Công an Hải Phòng, về tội ‘Tổ chức cho người khác trốn ra nước ngoài’, nhân chứng Dương Chí Dũng được cho là đã khai Thứ trưởng Công an Phạm Quý Ngọ, người mật báo tin cho ông bỏ trốn.

    Một số báo đưa tin người này là Thứ trưởng Công an Phạm Quý Ngọ, nhưng sau đó đa số đã gỡ bỏ thông tin.

    Một số báo khác thay đổi tựa của bài, tránh để tên Thứ trưởng, Thượng tướng Công an Phạm Quý Ngọ.

binhthanh

binhthanh

Posted by binhthanh

: