TP – Hôm qua, chính phủ Mỹ buộc phải đóng cửa lần đầu tiên sau 17 năm; khoảng 800.000 công chức thất nghiệp tạm thời, nền kinh tế Mỹ ước thiệt hại 1 tỷ USD mỗi tuần nếu tình trạng này kéo dài.

Tổng thống Barack Obama chưa thuyết phục được phe Cộng hòa chấp nhận Obamacare. Ảnh: afp/ttxvn

Quốc hội Mỹ đã không thể đạt được thỏa hiệp về ngân sách trước thời hạn cuối là nửa đêm 30/9. Các thành viên đảng Cộng hòa kiểm soát Hạ viện đã quyết không đưa vào luật ngân sách điều khoản về cải cách y tế (Obamacare) – một trong những sáng kiến của Tổng thống Barack Obama.

Obamacare (nhằm cung cấp dịch vụ bảo hiểm y tế cho hàng triệu người dân Mỹ) vấp phải sự phản đối quyết liệt của phe Cộng hòa vì dự kiến tăng thuế nhằm vào các dịch vụ y tế và đánh vào những người có thu nhập từ 1 triệu USD trở lên, để lấy tiền chi cho chương trình này.

Ông Obama cho rằng, các thành viên đảng Cộng hòa đã tỏ ra thiếu trách nhiệm khi chính trị hóa tiến trình dự thảo ngân sách. Các cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy, gần 60% người được hỏi không ủng hộ hành động của phe Cộng hòa.

Mỗi tuần thiệt hại 1 tỷ USD

Từ 1/10, khoảng 800.000 công chức chính phủ phải tạm thời nghỉ việc không lương, bao gồm các công chức cơ quan nhà nước, thanh tra viên thuế vụ, nhân viên dân sự thuộc lực lượng vũ trang. Lương của Tổng thống Obama và các thành viên Quốc hội vẫn được trả đúng hạn.

Khoảng 1,4 triệu quân nhân không bị tác động, nhưng 800.000 nhân viên dân sự rơi vào tình trạng thất nghiệp kỹ thuật. Theo The New York Times, 97% viên chức của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) buộc phải nghỉ phép bắt buộc. Ở lại vị trí công tác chỉ có những cán bộ kỹ thuật điều hành hoạt động của Trạm Vũ trụ Quốc tế. Bộ Tài chính phải cho nghỉ phép không lương 80% số cán bộ công chức, chỉ những người chịu trách nhiệm in tiền tiếp tục làm việc. Tại cơ quan thuế, số nhân viên còn làm việc giảm từ 9.500 xuống dưới 9.000 người. Chỉ có 1.113 trong số 13.814 nhân viên của Bộ Năng lượng tiếp tục công việc, chủ yếu trong lĩnh vực điện hạt nhân.

Bộ Ngoại giao Mỹ đảm bảo vẫn tiếp tục công việc bình thường, nhưng nếu tình trạng đóng cửa chính phủ kéo dài, chắc chắn sẽ có ảnh hưởng tiêu cực. Khi chính phủ của Tổng thống Bill Clinton phải đóng cửa giai đoạn 1995-1996, hơn 200.000 hồ sơ xin cấp hộ chiếu đã bị treo lại. Dù hệ thống tòa án liên bang vẫn làm việc đến ngày 15/10, nhưng sau đó chưa rõ thế nào.

The Washington Post cho rằng, Bộ Tư pháp sẽ phải đình chỉ nhiều vụ án dân sự. Các ngành không dừng công việc là bưu điện và vận tải đường sắt bởi ngân sách không chỉ phụ thuộc vào quyết định của Quốc hội. Các lực lượng an ninh quốc gia như cảnh sát, cứu hỏa, hải quan vẫn làm việc và nhận lương đúng thời hạn. Hơn 400 bảo tàng và công viên quốc gia phải đóng cửa và ngành du lịch sẽ thất thu nhiều triệu đô-la.

Theo các chuyên gia, tình trạng chính phủ đóng cửa kéo dài sẽ tác động xấu đến nền kinh tế Mỹ và thế giới, trước tiên là thị trường tài chính, chứng khoán, sau đó lan sang các lĩnh vực khác. Brian Kessler, chuyên gia kinh tế của hãng Moody’s, cho rằng, sự cố chính phủ đóng cửa sẽ khiến kinh tế Mỹ thiệt hại 1 tỷ USD mỗi tuần.

Lần chính phủ Mỹ đóng cửa lâu nhất là 21 ngày (xảy ra vào cuối năm 1995, đầu năm 1996). Sau đó, Tổng thống Bill Clinton phải chấp nhận thỏa hiệp với Quốc hội để chấm dứt tình trạng này. Dưới thời của Tổng thống Ronald Reagan, chính phủ phải liên tiếp đóng cửa 8 lần, trong tổng số 17 lần kể từ năm 1976.

 

Thục Ninh

khahan

Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng!

khahan

Posted by khahan

:

Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng!