WESTMINSTER, California (NV) Trong ngày làm việc cuối cùng của Chánh Án Nguyễn Trọng Nho, phòng xử số 15 tại West Justice Center, Westminster, vào lúc 12 giờ trưa Thứ Tư, đông vui một cách khác thường.
Lý do?
Ðó là ngày vị chánh án gốc Việt đầu tiên của Orange County chính thức về hưu.

Chánh Án Nguyễn Trọng Nho tươi cười sau khi tuyên bố về hưu, dành thời gian cho gia đình. (Hình: Hà Giang/Người Việt)

Gần 200 người, đa số là chánh án tiểu bang, luật sư, công tố viên thuộc Biện Lý Cuộc Orange County, nhân viên tòa án, các sinh viên luật, cũng có cả một số linh mục và hòa thượng, cũng như nhiều đồng hương người Việt, đến để chung vui, góp lời chúc mừng ông chánh án.

Nhưng có lẽ chính xác nhất là để họ bày tỏ thiện cảm với vị chánh án đồng hương.

Nhậm chức năm 2000, và đắc cử vẻ vang năm 2008, sau tám năm tại chức, Chánh Án Nguyễn Trọng Nho không chỉ là niềm hãnh diện của cộng đồng người Việt tại Orange County, mà còn là niềm trân quý của những ai có dịp làm việc và tiếp xúc với ông.

Chỉ cần nghe những lời phát biểu ngắn mà súc tích của những khuôn mặt quen thuộc trong ngành tư pháp tại Orange County như các chánh án Michael Cassidy, John Adams, Frank Briceno, Marc Kelly, Greg Munoz, John Flynn và các công tố viên Jim Laird, April Gilbert, John Maxwell, thì dù người không quen biết Chánh Án Nguyễn Trọng Nho cũng cảm nhận được cảm tình họ dành cho ông.

Nếu Chánh Án Nguyễn Trọng Nho xúc động khi nữ Luật Sư April Gilbert, người từng tranh cãi trong nhiều vụ án do ông xử, đã dùng những chữ “thông minh, từ bi, và can đảm” để mô tả ông, thì những lời phát biểu của các sinh viên luật hay luật sư trẻ cũng làm ông cảm động không kém.

“Tôi học hỏi rất nhiều ở Chánh Án Nho. Ông là người hết sức tận tụy với ngành tư pháp, và đối xử với tất cả mọi người với sự kính trọng, dù họ là bị can, luật sư hay bồi thẩm viên,” một công tố viên nói.

“Ngày đầu tiên gặp ông, tôi hiểu ngay ông là một người có lòng từ bi. Tôi vẫn nhớ mãi hình ảnh Chánh Án Nho bắt tay từng người trong bồi thẩm đoàn, làm cho họ cảm nhận được vai trò quan trọng của họ trong hệ thống pháp luật Hoa Kỳ,” phó biện lý John Maxwell phát biểu.

 



Nhiều người đến chúc mừng Chánh Án Nguyễn Trọng Nho, từ trái, một thân hữu, Linh Mục Mai Khải Hoàn, và Hòa Thượng Thích Viên Lý. (Hình: Hà Giang/Người Việt)

Chánh Án Nho tâm sự rằng ông cảm thấy “tâm tư bình an” trước dịp nghỉ hưu. Nhưng sự bình an đó, ít nhất là trong lúc ông phát biểu, đã bị xao xuyến, làm cả gian phòng đang ồn ào tiếng cười nói, bất chợt trùng xuống.

Ngỏ lời cảm ơn các vị đồng nghiệp, ông nói: “Với các vị chánh án, tôi học hỏi hàng ngày từ mỗi vị, Tôi chịu ơn quý vị. Tất cả đã giúp tôi trở thành một thẩm phán tốt hơn.”

Chánh Án Nho cho rằng nếu không có các công tố viên tài giỏi và những luật sư biện hộ tận tụy thì “tôi sẽ không làm được gì cả!”

“Công tố viên là những người bảo vệ công lý chung cho người dân. Trong khi đó sự có mặt của các luật sư biện hộ tài năng là một đảm bảo cho những nguyên tắc hiến pháp và luật pháp phải được tôn trọng. Chính những lập luận của các luật sư của cả hai bên công tố và biện hộ đã giúp cho chánh án như tôi hiểu rõ là luật phải được áp dụng như thế nào trong hoàn cảnh của vụ án trước tòa. Nhờ sự phân tích của quý vị mà tôi thấy rõ được sự thật của từng vụ án,” ông Nho chia sẻ.

Hai luật sư người Mỹ gốc Việt được ông ưu ái nhắc đến là Luật Sư Vũ Trịnh, một cựu luật sư công, và Luật Sư Hồng Nguyễn, hiện đang là một luật sư công.

Ông khen ngợi vai trò của các luật sư biện hộ công (public defender) và nói hầu hết chúng ta có thể tìm thấy sự tận tụy và khả năng tốt từ những người luật sư công này: “Thật là bất công, khi các nghi can đứng trước vành móng ngựa mà không được sự bào chữa tốt nhất từ luật sư của họ. Hãy tiếp tục là những luật sư giỏi, vì đó là cách hay nhất để bảo vệ công lý.”

Ðược hỏi về cảm tưởng của ông trong ngày nghỉ hưu, và dự định tương lai, Chánh Án Nguyễn Trọng Nho nói đùa: “Tôi có tội với gia đình, đáng lẽ phải bị truy tố tội bỏ bê con cái,” rồi xác định “cả cuộc đời, từ lúc còn tôi chỉ mê mải công việc xã hội mà quên mất mình có những viên kim cương quý ở sau vườn nhà.”

“Tôi sẽ dành thời gian còn lại cho gia đình, vợ, con và các cháu,” ông nói tiếp.

Phát biểu trước đồng nghiệp của chồng, bà Phạm Vân Bằng, phu nhân của Chánh Án Nguyễn Trọng Nho, nhỏ nhẹ: “Tôi có rất nhiều điều để nói, nhưng chỉ có thể nói hai tiếng cám ơn. Tôi rất hạnh phúc, sáng nay trước khi rời khỏi nhà, chồng tôi bảo, từ đây anh hoàn toàn là của em.”

 



Bà Phạm Vân Bằng, phu nhân của Chánh Án Nguyễn Trọng Nho, vui mừng vì “từ đây anh hoàn toàn là của em.” (Hình: Hà Giang/Người Việt)

Theo hồ sơ ứng cử, trước năm 1975, Chánh Án Nguyễn Trọng Nho là sĩ quan QLVNCH trước khi làm dân biểu Hạ Viện và thẩm phán Tối Cao Pháp Viện đặc trách về Hiến Pháp tại miền Nam Việt Nam.

Ông đến Hoa Kỳ sau khi cuộc chiến Việt Nam chấm dứt, làm việc toàn thời gian phụ giúp một người thợ, và đi học ban đêm.

Năm 1981, ông tốt nghiệp cao học quản trị kinh doanh tại đại học Cal Poly Pomona.

Năm 1988, ông nghiệp tiến sĩ luật tại đại học Western State University College of Law, Fullerton, và đậu bằng hành nghề luật cùng năm.

Sau đó, ông làm việc tại Bộ Tư Pháp California và dạy luật tại các đại học Chapman University School of Law, Whittier College of Law, và Western State University College of Law.

Ngoài công việc hàng ngày, Chánh Án Nguyễn Trọng Nho cũng tham gia nhiều hoạt động trong cộng đồng Việt Nam, ví dụ như làm cố vấn cho Trung Tâm Ða Văn Hóa St. Anselm ở Garden Grove, cũng như hoạt động tích cực trong cả hai cộng đồng Công Giáo và Phật Giáo của người Việt tại miền Nam California.

Theo nguoi-viet.com

binhthanh

binhthanh

Posted by binhthanh

: