Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Chuck Hagel gọi các hành động của Trung Quốc trong vụ suýt đụng tầu ở biển Nam Trung Quốc là vô trách nhiệm. Ông cũng cảnh báo rằng những sự cố như thế có thể khiến cho căng thẳng trong khu vực trở nên trầm trọng thêm. Theo tường trình của thông tín viên VOA Kent Klein, vụ việc mới nhất này có thể trắc nghiệm sự chú ý nhiều hơn của Hoa Kỳ vào châu Á.
Thủy thủ đoàn của tàu USS Cowpens đang quan sát hàng không mẫu hạm Liêu Ninh của Trung Quốc vào ngày 5 tháng 12, và Bộ trưởng Quốc phòng Hagel nói đó cũng là lúc một chiếc tàu khác của Trung Quốc cắt ngang trước mũi tàu của Hoa Kỳ. Ông nói:
“Hành động đó của Trung Quốc, để cho chiếc tàu của họ cắt ngang mũi tàu Cowpens, không phải là một hành động có trách nhiệm. Hành động đó vô bổ, và vô trách nhiệm.”
Một nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc hạ giảm tầm quan trọng của sự việc.
Bà Hoa Xuân Doanh nói Trung Quốc vẫn luôn tôn trọng không và hải lưu bình thường và tự do hàng hải, theo đúng luật quốc tế.
Các tàu của Hoa Kỳ theo dõi hoạt động của Trung Quốc từ hải phận quốc tế trong vùng Biển Nam và Ðông Trung Hoa.
Trung Quốc nhận thấy điều đó là không thể chấp nhận được, theo ông Rick Fisher, thành viên kỳ cựu tại Trung tâm Sách lược và Thẩm định Quốc tế. Ông nhận định:
“Trong cả hai lãnh vực, lực lượng hải và không quân Trung Quốc đã tìm cách can thiệp vào việc thu thập tình báo của Mỹ và tôi dự kiến cuộc tranh đua mèo đuổi chuột này sẽ tiếp tục. Và nếu phía Trung Quốc nhất định, thì nó có thể sẽ rất nhiều sóng gió.”
Tại Ngũ Giác Ðài, Bộ trưởng Hagel nói những vụ đối đầu như thế rất nguy hiểm:
“Ðiều chúng ta không muốn là một sai lầm xảy ra ở đây, và khi ta có vấn đề như vụ tàu Cowpens thì đó là loại sự kiện rất dễ gây khiêu khích có thể châm ngòi hay khơi mào cho một sai lầm tiếp theo.”
Chuyên gia về châu Á Richard Cronin cũng đồng ý như thế:
“Có nhiều khả năng xảy ra một sự cố, có thể sẽ không leo thang thành một cuộc chiến tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc nhưng chắc chắn sẽ kèm theo một vụ nổ súng nào đó và để lại nhiều thiệt hại về ngoại giao.”
Ông Cronin là giám đốc Chương trình Ðông Nam Á của trung tâm Stimson. Ông cũng nói Trung Quốc còn đang biểu dương sức mạnh qua việc công bố một vùng nhận diện phòng không ở biển Hoa Ðông trên không phận các hòn đảo đang do Nhật Bản cai quản. Ông Cronin nói:
“Do đó, tất cả nhằm mục đích đẩy chúng ta ra, và cũng nhằm mục đích tìm cách bành trướng các quyền hạn mà họ sẵn có.”
Hoa Kỳ bác bỏ vùng phòng không. Trong khuôn khổ chính sách gọi là xoay trục châu Á của chính quyền Obama, Ngoại trưởng John Kerry vừa đi thăm Việt Nam và Philippin đã cam kết viện trợ 70 triệu đôla để tăng cường an ninh.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ tuyên bố:
“Khu vực này không nên được thực thi, và Trung Quốc phải tự chế trước các hành động đơn phương tương tự ở những nơi khác trong vùng, nhất là trên không phận biển Nam Trung Quốc.”
Ông Rick Fisher thuộc Trung tâm Sách lược và Thẩm định Quốc tế nói việc củng cố quân sự của Trung Quốc biện minh cho chính sách xoay trục châu Á của Washington. Ông nói:
“Nhưng trong lúc Trung Quốc tăng cường hành động, và trong lúc họ gia tăng áp lực, thì nó cũng tăng thêm áp lực đối với Hoa Kỳ phải xét lại việc cắt giảm quốc phòng, xét lại sách lược của Mỹ và tăng tốc các chuẩn bị quân sự.”
Trước việc gia tăng hoạt động quân sự của Hoa Kỳ và Trung Quốc có tiềm năng đưa đến các vụ đụng độ bất ngờ, các lân quốc Á châu như Nhật Bản, Ðài Loan, Việt Nam và Philippin tiếp tục đề cao cảnh giác.