98% các nhà lập pháp đã thông qua những sự sửa đổi cho bản hiến pháp năm 1992. Ông Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Quốc hội và là người đứng đầu ủy ban soạn thảo bản dự thảo sửa đổi hiến pháp, nói rằng bản dự thảo là kết quả của rất nhiều những cuộc thảo luận và dựa trên những đóng góp của nhiều tầng lớp dân chúng.

Nhưng đã có rất nhiều chỉ trích. Ông Phil Robertson, giám đốc bộ phận châu Á của tổ chức Human Rights Watch nói rằng Việt Nam đã bỏ lỡ cơ hội cho một cuộc cải tổ có thể mang việc cai trị đất nước đến gần hơn với những chuẩn mực nhân quyền quốc tế. Ông cho biết những vấn đề bị chỉ trích như sự độc lập của ngành tư pháp đã không được đả động tới.

Một trong những điểm gây tranh cãi nhiều nhất là Ðiều 4, khẳng định vai trò trung tâm của  đảng Cộng Sản. Bản hiến pháp sửa đổi ghi thêm một điều là quân đội phải trung thành với đảng. Ông Robertson nói:

“Ðiều 4 quan trọng bởi vì nó đi ngược lại với chuẩn mực quốc tế về quyền dân sự và chính trị vốn cho mọi người quyền được tham gia chính quyền và bầu cử chính quyền thông qua những cuộc bầu cử định kỳ và tự do.”

Việc sửa đổi còn bổ sung thêm rằng đất đai có thể bị tịch thu vì mục đích kinh tế và các dự án phát triển, mở rộng hơn cụm từ gốc trong hiến pháp 1992 chỉ đơn giản nói là “lợi ích quốc gia”.

Vấn đề cải cách luật đất đai được nêu lên bởi các nhân sĩ trí thức đã ký tên trong bản kiến nghị hồi đầu năm kêu gọi sửa đổi hiến pháp để bao gồm bầu cử tự do, công bằng và tư hữu đất đai.

Bản kiến nghị đã được đăng tải trên nhiều blog nổi tiếng sau khi chính quyền phát động chiến dịch để vận động dân chúng đóng góp ý kiến.

Về vấn đề này, ông Phil Robertson nhận định như sau:

“Việc giao quyền cho các quan chức nhà nước để tịch thu đất đai cho các dự án một lần nữa dấy lên những câu hỏi quan trọng là có những giới hạn nào được đặt ra hay không.”

Người dân được quyền kháng cáo đến mức độ nào. Họ có thể phản đối việc nhà nước tịch thu đất đến cấp độ nào khi việc đó không thật sự là vì lợi ích chung hay cho công chúng, hoặc khi người muốn chiếm đất là người có những người bạn trong đảng có thể giúp họ.

Bị thâm thủng do quản lý yếu kém và nạn tham nhũng, khu vực doanh nghiệp nhà nước đã làm thất thoát hàng tỉ đô-la vì nợ và được nhiều người cho là nguyên nhân gốc rễ của những vấn đề kinh tế hiện nay của Việt Nam.

Ông Adam Sitkoff, giám đốc Phòng Thương mại Mỹ cho biết cộng đồng doanh nghiệp Mỹ đã rất thất vọng về bản dự thảo cuối. Ông nói:

“Tham nhũng và những vấn đề mâu thuẫn quyền lợi đã bén rễ trong mọi hoạt động của những doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam và nếu không giải quyết những vấn đề cơ bản về cai trị, thì những vấn đề cải cách sẽ tiếp tục là những vấn đề khó khăn bởi vì các nhà đầu tư sẽ tự hỏi trong số các tổng công ty của nhà nước bành trướng quá độ công ty nào sắp sửa sụp đổ hoặc công ty nào sắp sửa phải tiếp nhận những tích sản xấu vào bản cân đối.”

Ông Sitkoff nói rằng việc bao gồm trong hiến pháp những quy định về doanh nghiệp nhà nước có thể sẽ gây cản trở cho cuộc đàm phán TPP, là hiệp định hợp tác thương mại xuyên Thái Bình Dương do Mỹ dẫn đầu. Ông Sitkoff cho biết:

“Trong các chương của TTP có một chương về doanh nghiệp nhà nước để tìm cách tạo ra một sân chơi bình đẳng; và do đó, khi vấn đề doanh nghiệp nhà nước được trở lại vào văn bản cuối cùng bằng một cách nào đó thì điều này được xem là một bước thụt lùi.”

Ông Sitkoff nói rằng mặc dù nhiều quốc gia khác trong khu vực cũng phải đối mặt với những vấn đề tương tự, nhưng Việt Nam bắt buộc phải cải tổ để có thể cạnh tranh. Tuy Việt Nam có thành tích tốt trong việc thu hút đầu tư, ông Sitkoff cho rằng tiền đầu tư chỉ đổ vào một vài khu vực nhất định và chính phủ không thể không cẩn thận trước những mối rủi ro.

binhthanh

binhthanh

Posted by binhthanh

: