TT – Cộng đồng quốc tế tiếp tục phản đối hành động của Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan HD 981 tại thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của VN ở biển Đông.
Khoảng 5.000 người Việt ở Đức tề tựu về quảng trường Postdam ở Berlin ngày 11-5 nhằm phản đối Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan HD 981 và đưa các tàu vào gây hấn tại vùng biển Việt Nam – Ảnh: TTXVN.
Hôm qua, Chính phủ Nhật đã bày tỏ sự ủng hộ việc các nhà lãnh đạo ASEAN kêu gọi kiềm chế và giảm leo thang căng thẳng ở biển Đông. Theo Kyodo, phát biểu tại cuộc họp báo, chánh văn phòng nội các Yoshihide Suga cho biết Nhật hi vọng các bên liên quan sẽ không thực hiện những hành động đơn phương làm leo thang căng thẳng và hành động kiềm chế phù hợp với luật pháp quốc tế.
Theo ông Suga, Nhật “quan ngại sâu sắc” trước tình hình căng thẳng leo thang trong khu vực do hành động đơn phương của Trung Quốc. Phát biểu trên được Tokyo đưa ra sau khi các nhà lãnh đạo ASEAN bày tỏ lo ngại về các vụ việc đang diễn ra gần quần đảo Hoàng Sa trên biển Đông.
Chuyên gia Nga, Mỹ lên tiếng
“Tôi cho rằng tới nay phản ứng của Việt Nam là chuẩn xác. Việt Nam cần phải cho Trung Quốc biết là không chấp nhận các hành động khiêu khích của Trung Quốc. Và Việt Nam cũng cần phát thông điệp rõ ràng rằng đây không phải vùng biển thuộc chủ quyền của Trung Quốc […] Việt Nam hơn Philippines khi đối đầu với Trung Quốc là dù cho tiềm lực quân sự không bằng về sự hiện đại hay quy mô thì Việt Nam cũng vẫn tự tin có đủ khả năng đáp trả”
Chuyên gia GREGORY POLIN |
Dư luận Nga, đặc biệt là giới chuyên gia, cũng hết sức quan tâm đến những diễn biến vừa qua. Theo ông Anton Svetov – chuyên viên Hội đồng đối ngoại Nga, Bắc Kinh muốn thăm dò phản ứng và kiểm tra ngưỡng chịu đựng của các nước trong khu vực cũng như Mỹ, mặc dù giữa VN và Mỹ không có thỏa thuận hợp tác quân sự.
Ông cho rằng Trung Quốc muốn dò xem có thể tiến được bao xa nữa trong cuộc chơi khoe cơ bắp và qua đó đánh giá tính hiệu quả của hệ thống an ninh khu vực. Trên thực tế, mỗi cuộc đụng độ là một lần kiểm tra của Trung Quốc. Trong đó có cả mục đích kiểm tra cấu trúc an ninh khu vực được xây dựng trên hệ thống quan hệ của Mỹ với các đồng minh và các thiết chế đa phương khác trong ASEAN.
Ông Gregory Poling, chuyên gia nghiên cứu Đông Nam Á và châu Á – Thái Bình Dương của Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế ở Washington (Mỹ), cũng đồng quan điểm trên. Theo TTXVN, ông Poling nhận định: “Ý đồ xưa nay của Trung Quốc với biển Đông có tính hệ thống. Nó nằm trong chuỗi sự kiện mà Trung Quốc đã gây ra với Malaysia ở bãi ngầm James Shoal, hay với Philippines ở bãi Cỏ Mây trong năm nay. Nó cũng xảy ra sau khi vụ kiện của Philippines với Trung Quốc bắt đầu và chỉ ít ngày trước Hội nghị thượng đỉnh ASEAN. Thế nên, vụ đặt giàn khoan là muốn gửi thông điệp với ASEAN rằng Trung Quốc sẽ vẫn cứ lấn tới trong cuộc tranh chấp này”.
Theo ông Poling, việc Trung Quốc đưa giàn khoan tới “chỉ là muốn gửi một thông điệp chính trị. Bên cạnh đó, có thể Trung Quốc cũng muốn khiêu khích VN, muốn VN có phản ứng vượt giới hạn. Đó chính là bài mà Bắc Kinh sử dụng lâu nay, đó là dùng các lực lượng phi quân đội nhưng vẫn đầy khiêu khích để đưa các nước vào bẫy. Chúng ta có thể tham khảo những gì đã xảy ra ở đảo tranh chấp giữa Nhật và Trung Quốc hay ở bãi cạn Scarborough khi Trung Quốc đã làm cho Philippines đưa tàu chiến ra và Trung Quốc hô lên rằng Philippines có hành động khiêu khích”.
Bước thụt lùi nghiêm trọng
Còn ông Vladimir Kolotov, trưởng bộ môn lịch sử các nước phương Đông thuộc Đại học Tổng hợp quốc gia Saint Petersburg (Nga), cho rằng sự bành trướng của Trung Quốc ở biển Đông gây ra căng thẳng, làm phương hại lòng tin và khiến các quốc gia liên quan phải lao vào cuộc chạy đua vũ trang mới.
Báo The Sydney Morning Herald dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Úc cho biết nước này đang theo dõi sát tình hình ở biển Đông hiện nay, đồng thời kêu gọi các bên liên quan kiềm chế những hành động có thể làm căng thẳng leo thang. Trả lời trên báo này, ông Michael Wesley, chuyên gia về châu Á thuộc Đại học Quốc gia Úc, nhận định hành động của Trung Quốc đối với VN khiến các nhà phân tích phải xem xét lại quan điểm cho rằng Trung Quốc đang muốn xoa dịu các nước Đông Nam Á khác.
TTXVN dẫn lời học giả Ấn Độ Vinod Anand, chuyên viên cao cấp tại Quỹ quốc tế Vivekananda ở New Delhi, khẳng định hành động của Trung Quốc đưa giàn khoan cùng một hạm đội tàu và nhiều máy bay chiến đấu yểm trợ vào vùng biển Việt Nam là cách hành xử hiếu chiến, rõ ràng nhằm đẩy mạnh những yêu sách chủ quyền ở biển Đông. Hành động hiếu chiến này chỉ kích động thêm sự phản kháng, thù địch và căng thẳng, ảnh hưởng tiêu cực đến hòa bình và ổn định của khu vực.
Theo TTXVN, tiến sĩ Gerhard Will – chuyên gia về Đông Nam Á thuộc Viện Khoa học và chính trị Đức – hôm qua nêu rõ: “Hành động của Trung Quốc là một sự thụt lùi nghiêm trọng cho những nỗ lực nhằm giảm thiểu xung đột trên biển Đông cũng như việc thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) đã được các nước ASEAN và Trung Quốc ký kết”.
Ông cho rằng hành động vi phạm trên của Trung Quốc không có lợi cho quan hệ kinh tế và chính trị với các nước láng giềng phía nam, đồng thời gây tổn hại nghiêm trọng cho mối bang giao giữa Trung Quốc và Việt Nam. Bên cạnh đó, căng thẳng tiếp tục leo thang không phải là điều mong muốn của các nước Đông Nam Á cũng như không phục vụ lợi ích lâu dài của Trung Quốc. Và điều mà các nước có tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với Trung Quốc như Việt Nam, Malaysia và Philippines cần làm lúc này là phản ứng thận trọng và thống nhất lập trường chung.
Trung Quốc tiếp tục bẻ cong sự thật
Ngày 12-5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho rằng VN sẽ thất bại trong việc tìm kiếm sự ủng hộ của quốc tế trong cuộc tranh chấp đang xảy ra ở biển Đông. Bà Hoa cho rằng có những bằng chứng cho thấy VN đang cố lôi kéo các nước khác và nhằm gây áp lực với Trung Quốc. “Chúng tôi hi vọng rằng VN có thể thấy rõ tình hình, bình tĩnh đối mặt với thực tế và dừng gây rối cản trở những hoạt động của Trung Quốc” – bà Hoa nói.
Trước đó một ngày, Tân Hoa xã đã có bài xã luận bẻ cong sự thật khi bình luận rằng VN đang phá hoại việc khai thác dầu của Trung Quốc và đang bôi nhọ, bóp méo hình ảnh của Trung Quốc đối với cộng đồng các nước Đông Nam Á và cả thế giới. Bài báo này còn trắng trợn cho rằng giàn khoan HD 981 nằm cách bờ biển VN 150 hải lý!
Nhưng giới chuyên gia quốc tế nhận định tuyên bố chung của các nước ASEAN đưa ra hôm 11-5 là lời cảnh báo đối với những động thái bẻ cong sự thật của Trung Quốc xung quanh vấn đề ở biển Đông. “Tuyên bố chung cho thấy lãnh đạo các nước ASEAN đang đưa ra tuyên bố rõ ràng rằng họ cùng chia sẻ một mối quan ngại chung. Đây là sự khác biệt khi Campuchia làm chủ tịch ASEAN” – AFP dẫn lời chuyên gia Đông Nam Á Carl Thayer nhận định.
Cộng đồng người Việt tại nhiều nước tuần hành phản đốiNhững ngày qua, cộng đồng người Việt Nam tại nhiều nước như Pháp, Đức, Czech, Ý, Úc, Singapore, Campuchia đã đồng loạt tổ chức các cuộc tuần hành, mittinh hoặc ra tuyên bố phản đối hành động của Trung Quốc.
Những người tham gia tuần hành, trong đó có cả người dân nước sở tại, đều kịch liệt phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, vi phạm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNLCLOS) năm 1982, đi ngược Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), gây căng thẳng trong khu vực. Những người tham gia tuần hành, mittinh cũng bày tỏ tinh thần luôn hướng về Tổ quốc thân yêu.
Theo phóng viên TTXVN tại Đức, chiều 11-5, khoảng 5.000 người Việt Nam đang sinh sống, làm việc và học tập ở mọi miền nước Đức đã tập trung tại khu vực quảng trường Potsdam ở trung tâm thủ đô Berlin để bày tỏ tình đoàn kết, hướng về Việt Nam và phản đối hành động của Trung Quốc. Cùng tham gia tuần hành, ông Siegfried Sommer, chủ tịch Hội Đức – Việt, cho rằng hành động của Trung Quốc đã vi phạm luật pháp quốc tế, gây bất ổn cho an ninh khu vực và quốc tế.
Cùng ngày, hơn 2.000 người Việt đang sinh sống, làm ăn và học tập tại CH Czech đã tập trung trước Đại sứ quán Trung Quốc ở Prague để phản đối. Ông Marsel Winter, chủ tịch Hội Hữu nghị Czech – Việt, tuyên bố: “Tôi tham gia phản đối Trung Quốc với tư cách là công dân Czech và là chủ tịch Hội Hữu nghị Czech – Việt. Tôi rất bất bình trước hành động vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc”.
Mỹ Loan -N.Quân